23/12/2024

Nguy cơ ‘nghẽn’ thịt heo ra chợ

Có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm thịt heo cục bộ tại các chợ lẻ trong vài ngày tới do các nhà xe vận chuyển thịt và cơ quan thú y đang mâu thuẫn trong việc thống nhất cách thức vận chuyển.

 

Nguy cơ ‘nghẽn’ thịt heo ra chợ

 

Có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm thịt heo cục bộ tại các chợ lẻ trong vài ngày tới do các nhà xe vận chuyển thịt và cơ quan thú y đang mâu thuẫn trong việc thống nhất cách thức vận chuyển.





Muốn treo thịt heo, phải giẫm lên sàn - Ảnh: Chí NHân

 

Muốn treo thịt heo, phải giẫm lên sàn – Ảnh: Chí NHân


Theo quy định của Chi cục Thú y TP.HCM, từ hôm nay 1.3, chỉ cho phép các loại xe tải có thiết kế giá treo để móc mới được vận chuyển thịt heo từ lò mổ ra chợ đầu mối. Tuy nhiên, quy định này bị các nhà xe phản đối mạnh vì cho rằng họ đang sử dụng xe đông lạnh chuyên dùng nên không cần thiết phải thay đổi kết cấu xe. Vì thế, tới trước ngày áp dụng, chỉ có rất ít xe thiết kế theo quy định mới. 



Nguy cơ 'nghẽn' thịt heo ra chợ - ảnh 1
Xe của tôi mới nhập về năm 2013, là xe chuyên dụng của nước ngoài. Họ cũng sử dụng như vậy giờ mình cải tạo lại là không hợp lý
Nguy cơ 'nghẽn' thịt heo ra chợ - ảnh 2

Anh Nguyễn Thiện Đức, chủ xe vận chuyển thịt heo


Nhà xe doạ tẩy chay
Khoảng 0 giờ 30 phút, tại Trung tâm giết mổ gia súc Nam Phong (Q.Bình Thạnh), những chiếc xe tải đông lạnh lần lượt nối đuôi nhau vào cổng. Cùng thời điểm này có gần 20 chiếc đông lạnh trọng tải 1 tấn đang chờ đến lượt lên hàng để đưa ra chợ. Cánh tài xế quây quần bên một chiếc xe có thiết kế giàn móc để treo thịt heo, nhìn ngó rồi bàn tán xôn xao. Chiếc xe này trước đây vốn có 2 sàn, thịt heo nguyên “lóc” (nửa con) được chất đầy trên 2 mặt sàn xe khi vận chuyển. Nhưng theo quy định mới chỉ cho phép vận chuyển thịt heo nguyên lóc bằng cách treo thẳng đứng theo chiều cao của thùng xe. Chủ xe này cho biết vừa cải tạo thùng xe xong với chi phí trên 11 triệu đồng.
Tại khu vực lên hàng, một chiếc xe khác có thiết kế giàn treo cũng thu hút khá đông cánh tài xế đứng quan sát. Lò mổ Nam Phong thiết kế mặt sàn đậu xe và mặt sàn khu vực lò mổ có cao độ bằng nhau. Vì vậy, việc móc từng khối thịt nặng khoảng 40 kg lên giàn treo khá khó khăn. Một nhân công vác từng lóc thịt thảy lên thùng xe, hai người khác đứng trên thùng xe bắt lấy lóc thịt, một người đỡ, một người móc lên giá treo. 



Nguy cơ 'nghẽn' thịt heo ra chợ - ảnh 3
Từ ngày 1.3, nếu có giàn treo thì cấp phép cho chở, còn không thì không cho chở

Nguy cơ 'nghẽn' thịt heo ra chợ - ảnh 4

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM



Theo quan sát của chúng tôi, trong số gần 20 xe tải loại này chỉ có vài chiếc thực hiện thiết kế có giá treo theo quy định mới. Những xe còn lại, chủ xe cho biết đang chờ khiếu nại. Ông Đỗ Đức Thu, một chủ xe, nói: “Ngành thú y ra quy định này với lý do để thịt trên sàn sẽ dễ nhiễm khuẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng xe chúng tôi là xe đông lạnh chuyên dùng được nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc, một nước có trình độ tiên tiến hơn chúng ta rất nhiều, tại sao phải thay đổi”.
Cũng theo ông Thu, mấy năm trước một số siêu thị lớn đã yêu cầu như Chi cục Thú y hiện nay, ông làm theo thì khi đi đăng kiểm cơ quan đăng kiểm không chấp nhận với lý do “sai thiết kế ban đầu” và “quá trọng tải của thân xe” (tăng lên từ 100 – 130 kg). Cơ quan đăng kiểm giải thích họ chỉ chấp nhận việc cải tạo đối với những xe mới đăng ký lần đầu. “Bây giờ, nếu làm theo quy định của ngành thú y thì một là chúng tôi phải mua xe mới; hai là bỏ nghề”, ông Thu bức xúc.
Anh Nguyễn Thiện Đức và nhiều chủ xe khác cũng đặt câu hỏi: “Xe của tôi mới nhập về năm 2013, là xe chuyên dụng của nước ngoài. Họ cũng sử dụng như vậy giờ mình cải tạo lại là không hợp lý. Chưa kể việc thay đổi kết cấu như vậy sẽ làm cho xe bị rung lắc rất mạnh khi vận chuyển gây mất an toàn giao thông”. 
Tài xế Trần Đình Nhơ đặt vấn đề: “Chẳng lẽ khi nào đến hạn đăng kiểm lại thuê thợ hàn đến tháo giàn treo ra, đăng kiểm xong lại lắp vào? Chúng tôi cũng biết và muốn tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng làm sao phải tạo được sự thống nhất giữa các ngành chức năng để chúng tôi dễ thực hiện”. 



Ngày 31.12.2015, Chi cục Thú y (Sở NN-PTNT TP.HCM) ra văn bản về việc chấn chỉnh phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật. Theo văn bản này, các chủ xe phải cải tạo, nâng cấp toàn bộ phương tiện phải có thiết bị bảo ôn và giàn móc treo quầy thịt. Thời gian triển khai quy định trên sẽ kéo dài trong tháng 1.2016. Từ ngày 1.2.2016 trở đi, các phương tiện vận chuyển không đảm bảo yêu cầu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định và không được vận chuyển sản phẩm động vật từ lò mổ đến chợ bán buôn. Sau đó, do các nhà xe phản ứng nên hiệu lực áp dụng được dời đến từ 1.3.



Tại lò giết mổ gia súc Xuyên Á (An Hạ cũ), chỗ đậu xe thấp hơn sàn giết mổ khoảng 40 – 50 cm nên việc nhân công treo heo lên móc thuận tiện hơn khá nhiều so với ở Nam Phong và cũng không cần bước lên sàn xe. Tuy nhiên đến ngày cuối cùng trước khi quy định của ngành thú y có hiệu lực, ở đây cũng chỉ mới có lác đác năm bảy chiếc cải tạo thùng xe. Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ, cho biết: “Đến hôm nay số xe thiết kế giàn treo chưa tới 1/4. Nhiều nhà xe còn dọa tẩy chay không chở hàng”.
Cơ quan chức năng quyết thực hiện
Về vấn đề cải tạo xe, theo ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) Cục Đăng kiểm VN, việc lắp thêm giàn móc treo thực phẩm ngoài làm thay đổi kết cấu thùng chở hàng, làm tăng khối lượng bản thân phương tiện còn ảnh hưởng đến phân bố tải trọng trên các trục xe, làm thay đổi trọng tâm xe, làm ảnh hưởng đến độ ổn định khi lên dốc, xuống dốc, ổn định ngang và ổn định quay vòng của xe.
Hơn nữa, do hàng hóa treo trên các móc không cố định, gây dao động và mất ổn định khi tham gia giao thông. “Quy định không cấm nhưng thay đổi thiết kế xe phải căn cứ vào các tài liệu tính toán được khi tham gia giao thông, bảo đảm sau cải tạo phải ổn định, an toàn và phải được các Sở GTVT thẩm định, nếu đạt yêu cầu mới được thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, tính toán dao động khi treo thực phẩm trên móc treo khi phương tiện di chuyển lên, xuống dốc, vào cua hoặc trên đường nghiêng, ngang hết sức phức tạp vì trọng tâm phương tiện có thể luôn thay đổi. Ở VN, chưa có loại phương tiện nào khi vận chuyển có thay đổi trọng tâm, trừ trường hợp xe xi téc chở chất lỏng thì đã có quy định bổ sung không cho phép chở vơi”, ông Hệ nói.
Mặc dù vậy, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, vẫn khẳng định “sẽ kiên quyết thực hiện quy định này từ ngày 1.3. Nếu có giàn treo thì cấp phép cho chở, còn không thì không cho chở”.
Theo nhiều người, có khả năng sẽ thiếu thịt heo cục bộ từ cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ này.
 

Chí Nhân