Cẩn trọng với du lịch mạo hiểm
Du lịch mạo hiểm không phải ai cũng làm được. Đã phát triển tại Việt Nam nhưng có lẽ đến khi ba du khách Anh tử nạn tại thác Datanla, nhiều rủi ro, bất an của loại hình du lịch này mới được thẳng thắn mổ xẻ.
Từ vụ tai nạn ở thác Datanla: Cẩn trọng với du lịch mạo hiểm
Du lịch mạo hiểm không phải ai cũng làm được. Đã phát triển tại Việt Nam nhưng có lẽ đến khi ba du khách Anh tử nạn tại thác Datanla, nhiều rủi ro, bất an của loại hình du lịch này mới được thẳng thắn mổ xẻ.
Trò chơi nhảy thác Datanla – Ảnh: N.Đ. |
Ngay sau vụ ba du khách Anh tử nạn tại thác Datanla (TP Đà Lạt) trưa 26-2, Sở VH-TT&DL Lâm Đồng đã họp khẩn với các công ty kinh doanh du lịch mạo hiểm và các cơ quan liên quan. Nhiều rủi ro, bất an của loại hình du lịch mới này đã được thẳng thắn mổ xẻ.
Phát biểu tại buổi họp với khoảng 15 công ty chuyên cung cấp tour du lịch mạo hiểm trên địa bàn sáng 27-2, bà Nguyễn Thị Nguyên – giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng – thẳng thắn thừa nhận vụ tai nạn trên hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của ngành du lịch địa phương.
Không kiểm soát được chất lượng dịch vụ
Theo bà Nguyên, dù hầu hết doanh nghiệp du lịch mạo hiểm trên địa bàn đều có giấy phép hoạt động nhưng cơ quan chức năng không kiểm tra được chất lượng dịch vụ như cơ sở, nhân viên, xuất xứ trang thiết bị chuyên dùng.
Theo quy định, các công ty chỉ cần làm các tờ trình gửi lên Sở KH-ĐT để đăng ký và sau đó Tổng cục Du lịch sẽ xem xét cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Hiện Sở VH-TT&DL chỉ có giấy kiểm tra nội bộ xác nhận các công ty đủ điều kiện tổ chức loại hình du lịch mạo hiểm căn cứ vào hai giấy phép nêu trên, nhưng đây không phải là giấy phép chính.
Ông Mai Viết Đảng – chánh thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng – cho biết đầu năm 2015, không dưới năm lần sở mời các đơn vị du lịch mạo hiểm đến để khuyến cáo về các quy định cũng như những rủi ro của loại hình du lịch này.
Thực tế có nhiều công ty tự tổ chức tuyến, đưa khách đi chơi các loại hình du lịch mạo hiểm không liên kết mua vé chính thức, đi “chui” nên không đảm bảo an toàn.
“Sự cố này đã được dự báo trước nhưng một số công ty vẫn bỏ ngoài tai. Đây là sự cố đau lòng, cần có các giải pháp ngăn chặn ngay bây giờ” – ông Đảng nói.
Đại diện một số công ty du lịch cho rằng dịch vụ du lịch mạo hiểm là loại hình mới, có tiềm năng nhưng hoạt động manh mún, diễn ra âm thầm từ gần 10 năm nay. Khoảng hai năm trở lại đây, dịch vụ này phát triển mạnh mẽ nhưng thiếu sự kiểm soát về mặt chất lượng cũng như không tránh khỏi việc các công ty cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí mạnh ai nấy làm.
Ông Võ Đức Trung – giám đốc Công ty cổ phần mạo hiểm Việt và là người có 10 năm kinh nghiệm kinh doanh loại hình này – thừa nhận cảm thấy “hãi hùng” về tính chuyên nghiệp của một số công ty kinh doanh dịch vụ này.
“Có những công ty đưa 20-30 khách nhưng chỉ có hai hướng dẫn viên (HDV) đi kèm, chưa kể HDV thường dẫn khách đi “chui”, không phải mua vé nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Chúng ta không thể vừa làm vừa rút kinh nghiệm như các loại hình vui chơi khác được, nếu không muốn còn phải trả giá đắt như vụ ba du khách người Anh” – ông Trung nói.
Để du lịch mạo hiểm không… nguy hiểm
Anh Nguyễn Minh Trung – người có nhiều năm tham gia du lịch mạo hiểm, sau đó tổ chức các tour du lịch mạo hiểm – cho rằng đây là một trải nghiệm cần thiết cho giới trẻ. Tham gia loại hình này, du khách phải được huấn luyện những kỹ năng, kỷ luật bắt buộc đảm bảo những yêu cầu an toàn cao nhất.
Tất nhiên, rủi ro hiện hữu ở mọi hoạt động của đời sống, nhưng khi đã làm tốt nhất những gì có thể thì rủi ro nếu có cũng chỉ là bất khả kháng.
“Truyền thông càng phát triển càng có nhiều cảnh báo, nhất là những cảnh báo về các mối nguy. Nhưng chỉ cảnh báo không thôi thì chưa đủ mà phải qua trải nghiệm thực tế để từ đó có khả năng nhận biết, lường trước được nguy hiểm để tránh xa hoặc lỡ có gặp nguy hiểm thì cũng bình tĩnh biết cách ứng phó.
Bài học tốt nhất cho điều này, theo tôi, là những trải nghiệm thông qua du lịch mạo hiểm” – anh Trung nói.
Trong khi đó, bàn về giải pháp để du lịch mạo hiểm không… nguy hiểm, ông Trần Đình Thọ Khôi, giám đốc Công ty TNHH Dã Ngoại Xanh (một trong những nhà cung cấp tour mạo hiểm tại Đà Lạt), nhấn mạnh vai trò của HDV hay còn gọi là huấn luyện viên, đó là người phải có đầy đủ các kỹ năng, kinh nghiệm rồi “quán triệt” cho du khách.
Du lịch mạo hiểm không phải ai cũng làm được, không phải học trường lớp ra là thành thạo ngay chuyện đi trong nước thế nào, leo núi ra sao mà phải từng trải, có kinh nghiệm thực tế chứ không chỉ có tấm bằng hoặc chứng chỉ.
Theo ông Khôi, hiện ở VN chưa có chứng chỉ riêng cho HDV du lịch mạo hiểm mà chỉ có chứng chỉ hành nghề HDV chung cho mọi loại hình du lịch. Đó là lý do tại sao có chuyện có HDV chuyên dẫn du khách thăm vườn hoa, hồ Xuân Hương, dinh thự… lại sẵn sàng đưa khách đi “thám hiểm” thác, suối, đồi núi…
Ngoài việc đào tạo, sát hạch nghiêm ngặt để được cấp chứng chỉ hướng dẫn du lịch mạo hiểm, ông Khôi cho rằng cần thiết phải thành lập một tổ chức cho những người hành nghề này.
“Một tổ chức như vậy sẽ đặt ra những chuẩn cần thiết mà người trong nghề phải theo. Có như vậy mới hi vọng có được một thế hệ HDV lành nghề, yêu nghề, từ đó giảm thiểu những sự cố, tai nạn thương tâm” – ông Khôi nói.
Đại sứ Anh thị sát hiện trường vụ tai nạn
Chiều 27-2, đại sứ Anh tại VN – ông Giles Lever – đã trực tiếp tới hiện trường ba công dân Anh tử nạn. Ngài đại sứ đã xắn quần, lội bộ hàng trăm mét đường rừng để quan sát vị trí xảy ra tai nạn, đồng thời nghe tường thuật lại diễn biến vụ việc. Cũng trong buổi chiều, tại buổi tiếp ông Giles Lever, phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã thay mặt địa phương chia sẻ chân thành trước việc ba công dân Anh không may tử nạn. “Đây là mất mát không nhỏ đối với gia đình ba nạn nhân cũng như Đại sứ quán Anh tại VN” – ông S nói. Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm S cam kết địa phương sẽ vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng điều tra nguyên nhân để chính thức có câu trả lời tới Đại sứ quán Anh trong thời gian sớm nhất. Đại sứ Giles Lever cảm ơn cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng điều tra, tạo điều kiện cho các cơ quan ngoại giao giải quyết vụ việc và mong muốn tỉnh sớm có kết luận chính thức về vụ tai nạn này. Tử vong do chấn thương sọ não Bà Nguyễn Thị Nguyên – giám đốc Sở VH-TT&DL Lâm Đồng – cho biết đến nay Công an tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ tai nạn và vụ việc đang được tiếp tục điều tra. Tuy nhiên, trong ngày 27-2, qua khám nghiệm tử thi sơ bộ ban đầu, cơ quan công an xác định cả ba nạn nhân người Anh đều bị chấn thương sọ não do va đập vào đá dẫn đến tử vong, loại trừ khả năng bị ngạt nước. Thi thể của ba du khách này hiện đã được đưa về TP.HCM. Trước đó, sau khi làm việc với cơ quan công an Lâm Đồng tới hơn 22g ngày 26-2, anh Đặng Văn Sỹ (sinh năm 1990, hướng dẫn viên) và anh Phạm Hữu Hoài Nguyên (sinh năm 1985, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Đam Mê – đơn vị tổ chức tour cho ba du khách người Anh bị tử nạn) đã được gia đình bảo lãnh về nhà. Ngày 29-2, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm việc với hai người này cũng như một số nhân chứng để làm rõ vụ tai nạn. |
Tham gia du lịch mạo hiểm: phải có kỹ năng
Một chuyên gia người Anh (không muốn nêu tên), người có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch thể thao mạo hiểm tại VN và các nước, cho rằng hoạt động tham quan, khám phá, tìm hiểu thiên nhiên theo kiểu du lịch mạo hiểm, mà giới trẻ VN vẫn hay gọi “phượt”, là nhu cầu tất yếu và đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, loại hình này đòi hỏi người tham gia phải có kỹ năng, được đào tạo nghiêm túc và có sự chuẩn bị chu đáo. Chẳng hạn, những người leo núi dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều đảm bảo một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là phải tuân thủ quy định an toàn, lộ trình đã được khảo sát và tuyệt đối không sáng tác thêm đường leo mới. Bởi không ai có thể lường trước được những nguy hiểm bên ngoài những điểm đã được khảo sát kỹ lưỡng. Tóm lại, ngoài việc chuẩn bị sức khoẻ, kiến thức về môn thể thao này, người tham gia du lịch mạo hiểm cũng cần quan tâm nhiều hơn những khuyến cáo, cảnh báo và quy định về an toàn ở những vùng đất mà mình không rõ. Tuyệt đối không tự mình khám phá nếu không có kỹ năng đã được đào tạo, huấn luyện thường xuyên, thiếu sự chuẩn bị thật tốt về mọi mặt, đặc biệt là công tác cứu hộ nếu có điều không may xảy ra. Cái giá phải trả cho sự coi thường những điều này có thể là chính mạng sống của mình và các thành viên trong nhóm. Cần có quy định cụ thể cho các loại hình du lịch Sau sự cố ba du khách người Anh tử vong tại thác Datanla (Lâm Đồng), theo tôi, đã đến lúc VN cần phân loại và đưa ra các quy định cụ thể cho từng loại hình du lịch: du lịch mạo hiểm, du lịch nguy hiểm, thể thao mạo hiểm…, với một số khái niệm như sau: – Du lịch mạo hiểm: có yếu tố nguy hiểm nhưng đã triệt tiêu những mối nguy hiện hữu bằng các thiết bị an toàn, kỹ năng, kiến thức. Mạo hiểm ở đây là độ khó, các yếu tố không lường được trước và người chơi chấp nhận tính chất mạo hiểm đó. – Du lịch nguy hiểm: có những mối nguy hiểm hiện hữu, người chơi biết và chấp nhận nguy hiểm khi tham gia. – Thể thao mạo hiểm: là các môn thể thao tại điểm du lịch hay ở đâu đó, được thiết kế kèm theo các yêu cầu an toàn tuyệt đối (đối với thiết bị). Yếu tố mạo hiểm ở đây là độ gay cấn và khả năng chấn thương từ những pha gay cấn đó. NGUYỄN CHÂU Á |