23/12/2024

Đôi chân… thuỷ tinh

“Đang vác bao xi măng ở công trình thì cô giáo ra báo con bị gãy xương, tôi để nguyên quần áo lấm lem vội lên xe theo cô giáo vào viện”

 

Đôi chân… thuỷ tinh

 

“Đang vác bao xi măng ở công trình thì cô giáo ra báo con bị gãy xương, tôi để nguyên quần áo lấm lem vội lên xe theo cô giáo vào viện”





 

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc đưa con rời lớp học – Ảnh: L.N


Gần 20 năm nay, chị Nguyễn Thị Ram không nhớ bao nhiêu lần thót tim như thế khi chấp nhận cho con bị căn bệnh xương thuỷ tinh đi học.
Sợ phải nghỉ học
Đến Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp (P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM, trung tâm chuyên hỗ trợ và điều trị trẻ em bị bệnh xương thuỷ tinh) vào buổi trưa nắng, sự mệt nhọc của chúng tôi như vơi bớt phần nào khi nhìn chị Nguyễn Thị Ram (quê Thái Bình) cẩn thận dìu con trai là Hoàng Đình Hanh (20 tuổi) đang khập khiễng cùng đôi nạng gỗ vào phòng.
Hanh mắc bệnh xương thủy tinh 20 năm nay và người đồng hành cùng em trong những cung đường tới trường luôn là mẹ. Khi phát hiện con mắc bệnh, chị Ram khóc rất nhiều vì thương con và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Cú sốc về đứa con bệnh tật chưa nguôi ngoai thì khi Hanh 2 tuổi, cha của Hanh cũng qua đời do bệnh. Cuộc sống của hai mẹ con càng thêm khó khăn.
20 tuổi nhưng Hanh mới là học sinh lớp 9, hiện đang theo học tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Thạnh Lộc, Q.12). 15 tuổi Hanh mới hoàn thành chương trình lớp 5. Sau khi vào Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp thì sức khoẻ cũng như việc học của Hanh đã tạm ổn định.
“Lúc trước con tôi gãy xương thường xuyên lắm. Có tháng gãy 2, 3 lần. Hết gãy chân lại gãy tay. Mỗi lần mổ đúng kỳ thi thì thằng bé lại phải nghỉ. Nghỉ nhiều nên không đủ điều kiện lên lớp. Ở lại lớp riết thằng bé sợ nghỉ học lắm. Nhiều khi đau nhưng vẫn nằng nặc đòi mẹ bế tới lớp”, chị Ram vạch chân con lên, với chằng chịt những vết mổ, nói. Sự học gian nan thế nhưng Hanh vẫn quyết tâm: “Con sẽ cố gắng học giỏi thi đậu đại học để làm việc kiếm tiền phụ mẹ…”.
Ước mơ làm “bác sĩ xương khớp”
Cùng ở Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp với Hanh là 22 thành viên khác, trong đó có em Lê Thị Xuân Quyên (16 tuổi). 6 năm trước, Quyên theo mẹ là chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (quê Bến Tre), lên Trung tâm Kim Cương Tươi Đẹp ở nội trú chữa bệnh. Tại đây, Quyên được ăn ở, tập vật lý trị liệu, yoga… hoàn toàn miễn phí. Nhờ thế mà sức khỏe của em khá lên. Sau nhiều lần phẫu thuật, giờ đây chân của Quyên có thể đi lại được nhờ sự hỗ trợ của đôi nạng gỗ.
Chị Trúc bùi ngùi: “Con bé ham học lắm, lúc 6 tuổi cứ đòi mẹ cho đi học nhưng khổ nỗi không trường nào dám nhận vì sợ sức khoẻ của bé không đảm bảo việc học. Mãi tới khi lên 8 tuổi, nhờ người quen xin giúp mới có trường chịu nhận”. Dù bệnh tật nhưng những năm học tiểu học Quyên luôn là học sinh giỏi. Bây giờ việc học của Quyên ở Trường THCS Trần Hưng Đạo khá tốt. Trong lớp, cô bé luôn là học sinh ngoan, gương mẫu. Đại diện Trường Trần Hưng Đạo cũng cho biết thêm hiện tại có 7 học sinh mắc bệnh xương thuỷ tinh đang theo học tại trường. Các em được đối xử bình đẳng như những học sinh bình thường khác và trường cũng tạo mọi điều kiện để các em thuận tiện nhất trong việc học.
Dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, sức khoẻ không ổn định nhưng Quyên vẫn lạc quan: “Em không biết ngày tháng sau này của mình sẽ thế nào nhưng nếu được khoẻ mạnh đến đâu em sẽ theo học đến đó. Em ước mơ trở thành một bác sĩ xương khớp để sau này quay về trung tâm giúp đỡ các bạn cùng cảnh ngộ”.

Lam Ngọc