14/11/2024

​Trung Quốc đang tự cô lập mình

Giới chức quốc phòng Mỹ, Úc lại một lần nữa khiến Bắc Kinh phải sôi sục phản ứng khi đưa ra những bình luận khá gay gắt về việc Trung Quốc đang tăng cường quân sự hoá ở Biển Đông.

 

​Trung Quốc đang tự cô lập mình

 

 

Giới chức quốc phòng Mỹ, Úc lại một lần nữa khiến Bắc Kinh phải sôi sục phản ứng khi đưa ra những bình luận khá gay gắt về việc Trung Quốc đang tăng cường quân sự hoá ở Biển Đông.

 

 

 

“Tôi đang quan ngại việc thông qua ADIZ, Trung Quốc có thể chất vấn bất kỳ tàu bè hay máy bay đi qua vùng Biển Đông. Hành động này có thể gây bất ổn và mang tính khiêu khích
Đô đốc Harry Harris 

 

 

Hãng tin Reuters cho biết Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã gay gắt phản ứng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có những lời cáo buộc.

Chẳng là lãnh đạo quốc phòng Mỹ khẳng định những ý đồ của Trung Quốc về việc cải tạo và bồi đắp đảo trái phép cũng như tăng cường sự hiện diện khí tài ở Biển Đông đang khiến nước này ngày càng bị cô lập và buộc các nước xung quanh phản ứng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khẳng định tàu chiến của họ đã hoạt động tại Biển Đông trong mấy chục năm qua và sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.

Hôm 25-2, Chính phủ liên bang Úc cũng làm Bắc Kinh “sôi máu” khi công bố Sách trắng quốc phòng với mức tăng lớn về ngân sách và tuyên bố rằng Úc bất đồng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và có khả năng sẽ điều tàu chiến đến khu vực này.

Buộc nước khác phản ứng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh việc Trung Quốc đang tăng cường quân sự ở Biển Đông sẽ gây nguy cơ “tính toán nhầm và xung đột” với các nước trong khu vực.

“Hành vi của Trung Quốc đang khiến nước này tự cô lập họ và cũng thúc các nước khác hành động chống lại họ” – Hãng tin Reuters dẫn lời ông Carter nói trước các nghị sĩ thuộc Ủy ban phân bổ ngân sách của Hạ viện Mỹ ngày 25-2.

Ông chủ Lầu Năm Góc cho biết các quốc gia khác trong khu vực đang phản ứng bằng cách tăng cường các hoạt động quốc phòng hàng hải và tiến về gần hơn với Mỹ. “Các đồng minh cũ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Philippines cũng như những đối tác mới đang hợp tác ngày càng tăng với chúng ta” – Bộ trưởng Carter nhấn mạnh.

Ngay trước đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Harry Harris khi đến Lầu Năm Góc cũng cáo buộc Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát hiện trạng khu vực Biển Đông bằng hoạt động quân sự hoá ngày càng trắng trợn.

Theo ông Harris, Bắc Kinh đang có vẻ chuẩn bị cho việc thành lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Cố vấn về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, bà Bonnie Glaster nhận định đô đốc Harris và giới chức quốc phòng Mỹ đang gióng hồi chuông báo động về những gì có thể xảy ra với các hành vi của Trung Quốc nếu không kịp thời đẩy lùi.

“Ông ấy đang giục phản ứng mạnh hơn từ trong và ngoài khu vực Biển Đông. Washington không thể đơn độc làm được điều này” – chuyên gia Glaster nhìn nhận. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford cũng quan ngại Bắc Kinh sẽ gây tổn hại cho quân đội Mỹ đang hoạt động trong khu vực.

Trung Quốc: bổn cũ soạn lại

Hôm qua Bắc Kinh cũng đã cáo buộc Philippines đang có hành vi “khiêu khích chính trị” thông qua việc Manila kiện lên Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc ở The Hague về việc Trung Quốc đòi chủ quyền tại Biển Đông.

Tờ Nhật Báo Trung Quốc dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cáo buộc quyết định trên của giới lãnh đạo Philippines là “vô trách nhiệm với nhân dân và tương lai của Philippines”.

Ông Vương đổ lỗi cho Philippines, nói rằng lãnh đạo nước này đã đóng cửa mọi cuộc đàm phán với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên biển cũng như về phiên toà.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc còn dùng củ cà rốt tài chính khi úp mở rằng Bắc Kinh đang muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Philippines. Giới chuyên gia nhận định bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đang soạn lại bổn cũ khi muốn dùng “miếng mồi kinh tế” để xoa dịu hoặc gây áp lực với Manila.

Cùng lúc, trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc Washington lợi dụng tình hình căng thẳng ở Biển Đông để “bôi nhọ” Bắc Kinh. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cáo buộc giới chức Lầu Năm Góc đang kiếm cớ để được Quốc hội Mỹ thông qua đề xuất tăng thêm chi tiêu cho quốc phòng.

Sau Mỹ và Philippines, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã phản ứng với Úc khi cho rằng Sách trắng quốc phòng của Úc vừa ban hành là mang tính “tiêu cực” phản bác Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lớn tiếng rằng: “Trung Quốc không hài lòng với những gì mà nước này đọc được trong Sách trắng quốc phòng của Úc”. Bà Hoa nói Bắc Kinh không muốn chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang nên mong rằng các nước có liên quan bãi bỏ các cuộc tập trận chung và rút quân đội khỏi khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne trước đó nhấn mạnh chính phủ nước này đã nhận thức rõ vấn đề Biển Đông là điểm bất đồng giữa Úc và Trung Quốc.

“Chúng tôi có mối quan hệ quốc phòng mạnh với Trung Quốc nhưng chúng tôi có điểm khác biệt về vấn đề Biển Đông với họ và Úc sẽ không lùi bước trong việc làm rõ lập trường của mình” – Bộ trưởng Payne khẳng định.

​Trung Quốc đang tự cô lập mình
Tầm bắn tên lửa HQ-9: 200km - Nguồn: Đại học Texas, Đồ hoạ: Như Khanh

Đảo Phú Lâm lợi thế đến mức nào?

Thế đứng vững chắc về mặt phòng thủ tại Hoàng Sa là điểm cần bàn kỹ. Khi thế giới chú tâm nhiều về những diễn tiến ở Trường Sa, thì đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ lâu đã là tâm điểm quân sự hoá.

Là đảo lớn và có ý nghĩa chiến lược nhất, Phú Lâm có diện tích đủ lớn để triển khai các loại vũ khí và khí tài hiện đại.

Cơ sở hạ tầng ở Phú Lâm được Trung Quốc đầu tư nhiều năm vừa qua bao gồm bến cảng với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng tối đa là 5.000 tấn; sân bay với đường băng dài 2.500m, đủ sức triển khai các loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 như J-10, J-11, JH-7 hay Su-30.

Án ngữ cửa ngõ phía bắc Biển Đông, những điểm nút tại Hoàng Sa giúp hải quân Trung Quốc có thể triển khai lực lượng từ Hải Nam tới các đảo mà không bị ngắt quãng.

Điều này giảm thiểu những hạn chế trong công tác tiếp tế hay tiếp liệu. Đây còn là những căn cứ quan trọng cho các hoạt động thu thập tình báo, theo dõi và giám sát hoạt động của các tàu dân sự cũng như quân sự của các quốc gia xung quanh.

Lợi thế của Phú Lâm sẽ gia tăng đáng kể độ rủi ro khi hải quân Mỹ muốn tác chiến tại vùng biển này. Trong kịch bản xung đột, không chỉ không thể tiếp cận chiến trường, hải quân Mỹ còn khó có khả năng hỗ trợ cho các nước đồng minh một cách hiệu quả.

Trong kịch bản thời bình, khả năng kiểm soát và phòng thủ trên thực tế cho phép Trung Quốc giám sát chặt chẽ các hoạt động của tàu thuyền, qua đó chứng tỏ “chủ quyền” trên thực địa.

HUY VŨ

Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN tại Lào

Ngày 26-2, tại thủ đô Vientiane của Lào đã diễn ra Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) ASEAN để chuẩn bị cho Hội nghị hẹp ngoại trưởng ASEAN. Tham dự hội nghị có trưởng SOM ASEAN đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Ban thư ký ASEAN. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung làm trưởng đoàn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lào Alounkeo Kittikhoun cho biết mục đích của hội nghị là để chuẩn bị cho Hội nghị hẹp ngoại trưởng ASEAN diễn ra trong ngày 27-2.

Trong một ngày diễn ra hội nghị, các quan chức SOM ASEAN sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là cách thức và những biện pháp để thực hiện một cách hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, bao gồm việc tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể Cộng đồng chính trị ASEAN – cũng như các mối quan hệ với các đối tác đối thoại ASEAN. Hội nghị cũng sẽ được thông báo về tiến triển của kế hoạch liên kết ASEAN sau năm 2015 và chuẩn bị cho Sáng kiến liên kết ASEAN giai đoạn 3. Năm 2016 là một năm hết sức quan trọng với ASEAN cũng như Lào, vì đây là năm đầu tiên hình thành Cộng đồng ASEAN và cũng là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2015.

Trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 25-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông đều sẽ được nêu ra tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN ngày 27-2.

TTXVN

MỸ LOAN ([email protected])