14/11/2024

Gay cấn cuộc chiến Apple – FBI

Quốc hội Mỹ đã bị lôi vào cuộc chiến giữa Apple và Cục Điều tra liên bang trong khi “nhà táo” yêu cầu toà án rút lại quyết định gây tranh cãi.

 

Gay cấn cuộc chiến Apple – FBI

 

Quốc hội Mỹ đã bị lôi vào cuộc chiến giữa Apple và Cục Điều tra liên bang trong khi “nhà táo” yêu cầu toà án rút lại quyết định gây tranh cãi.





Lãnh đạo Apple Tim Cook (trái) sẽ tiếp tục “so găng” với Giám đốc FBI James Comey - Ảnh: CNBC

 

Lãnh đạo Apple Tim Cook (trái) sẽ tiếp tục “so găng” với Giám đốc FBI James Comey – Ảnh: CNBC


Cuộc chiến pháp lý về phán quyết của toà án liên bang ở California hồi tuần trước yêu cầu Apple bẻ khóa một điện thoại iPhone đã trở nên căng thẳng hơn vào hôm qua 26.2. Theo AFP, đại gia công nghệ Mỹ đã chính thức nộp đơn yêu cầu tòa dỡ bỏ phán quyết buộc hãng “hỗ trợ” Cục Điều tra liên bang (FBI) điều tra vụ khủng bố làm 14 người chết và 22 người bị thương tại TP.San Bernardino hồi tháng 12.2015.
Cùng ngày, FBI cũng có hành động leo thang khi kêu gọi quốc hội đứng ra dàn xếp câu hỏi mang tính chất quyết định: Khi nào cơ quan hành pháp được quyền truy cập dữ liệu cá nhân của công dân? Tờ The New York Times dẫn lời Giám đốc FBI James B.Comey nhấn mạnh trong cuộc điều trần trước Uỷ ban Tình báo Hạ viện rằng đây là câu hỏi dành cho quốc hội và đã vượt phạm vi của toà án.
Tranh cãi chưa có hồi kết
Những sự kiện liên tiếp hôm qua 26.2 cho thấy dường như các bên đã không còn kiên nhẫn, kể từ khi thẩm phán Sheri Pym của tòa liên bang thuộc quận trung tâm California ra lệnh Apple cung cấp một phần mềm tùy chỉnh để làm suy yếu chức năng an ninh trong chiếc điện thoại iPhone 5C của Syed Farook, một trong 2 kẻ xả súng tại San Bernardino.
Trong suốt thời gian qua, FBI tìm mọi cách vẫn không thể vượt qua bức tường mật khẩu để xâm nhập dữ liệu trong chiếc điện thoại. Trở ngại lớn nhất là chức năng tự xoá sạch mọi dữ liệu nếu nhập mật khẩu sai quá 10 lần. Vì thế, cơ quan này muốn Apple cung cấp một phần mềm giúp huỷ chức năng tự xoá.
 
 
Ngoại trừ giới công nghệ, có vẻ như dư luận chung tại Mỹ lại không đứng về phía Apple. Báo mạng Business Insiderdẫn kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy 51% người được hỏi ủng hộ những nỗ lực pháp lý của chính quyền Washington nhằm buộc Apple mở khoá chiếc iPhone của Farook, trong khi tỷ lệ ủng hộ “nhà táo” là 39%.
 

Apple lập tức phản ứng quyết liệt. Trong đơn chống án nộp hôm 26.2, hãng này lập luận phán quyết của tòa đã vượt quá quyền hạn của luật All Writs Act (đạo luật đã tồn tại hơn 200 năm qua, cho phép toà án liên bang ra bất cứ phán quyết và trát đòi nào cảm thấy cần thiết và hợp pháp) cũng như vi phạm Hiến pháp. “Apple cực lực ủng hộ và tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của cơ quan hành pháp trong việc theo đuổi công lý chống bọn khủng bố và các dạng tội phạm khác, cũng như quan điểm của Apple trong trường hợp hiện tại và nhiều vụ khác. Tuy nhiên, mệnh lệnh chưa từng có từ chính quyền không hề có cơ sở về luật pháp và vi phạm Hiến pháp”, theo tuyên bố của Apple.

CNN dẫn lời Tổng giám đốc Tim Cook khẳng định nếu tuân theo đòi hỏi của chính quyền sẽ tạo ra “tiền lệ nguy hiểm”, mở toang cửa cho các cơ quan hành pháp ép buộc những hãng công nghệ tạo điều kiện xâm phạm thông tin của công dân. Đó là chưa kể hình ảnh của Apple sẽ bị ảnh hưởng cũng như nguy cơ phần mềm lọt vào tay các đối tượng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia, một lý do khác khiến Apple cương quyết phản ứng là lâu nay, “bảo mật và quyền riêng tư của người dùng” được xem là một trong những thế mạnh lớn nhất của hãng trước các đối thủ cạnh tranh. Nếu giúp FBI bẻ khoá điện thoại thì chẳng khác nào “nhà táo” tự chặt tay mình.
Trong khi đó, Giám đốc FBI Comey cho rằng công nghệ mã hoá ngày càng tinh vi đang làm suy yếu năng lực chống tội phạm của các cơ quan hành pháp và điều tra. Ông cũng khẳng định không đòi hỏi Apple cung cấp công cụ bẻ khoá mọi thiết bị mà chỉ yêu cầu được hỗ trợ trong vụ việc cụ thể với đối tượng duy nhất là chiếc iPhone của hung thủ Syed Farook.
Apple sẵn sàng đấu tới cùng
Vụ việc một lần nữa làm gia tăng tranh cãi chưa có hồi kết về quyền riêng tư, sự tự do của công dân và các vấn đề an ninh quốc gia. Cuộc chiến giữa Apple và FBI được đánh giá là thời khắc quan trọng trong cuộc xung đột giữa một bên là các hãng công nghệ nắm trong tay thông tin của khách hàng với bên còn lại là chính phủ luôn muốn sục sạo kho dữ liệu khổng lồ này.
Apple hoàn toàn không đơn độc khi hàng loạt những tên tuổi nặng ký trong làng công nghệ như Microsoft, Google, Twitter, Facebook và Yahoo đều lên tiếng ủng hộ. Ngày 26.2, tờ USA Today dẫn lời Chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý Microsoft – Brad Smith cho hay sẽ nộp kiến nghị ủng hộ Apple. Ông đặc biệt chỉ trích luật All Writs Act quá “cổ lỗ sĩ” để áp dụng trong các tình huống liên quan đến công nghệ hiện đại.
Trước đó, lãnh đạo Google, Facebook và Twitter cũng thông báo sẽ cùng đứng đơn nộp kiến nghị tương tự. Đa số đều lo ngại nếu Apple khuất phục thì sớm muộn gì cũng tới mình. Tuy nhiên, người sáng lập Microsoft là Bill Gates tỏ ra trung dung hơn. TheoUSA Today, ông kêu gọi thảo luận kỹ càng, toàn diện về bảo vệ quyền riêng tư và bảo đảm an ninh, nhưng đồng thời cũng chỉ rõ “FBI chỉ yêu cầu hỗ trợ trong một vụ việc cụ thể”.
Theo AFP, dự kiến vào ngày 1.3, Uỷ ban Tư pháp Hạ viện sẽ tổ chức cuộc điều trần lớn với đại diện của tất cả các bên. Với sự ủng hộ của các đồng nghiệp, lãnh đạo Apple Tim Cook tự tin nhận định vụ việc có thể dần lên tới Toà án tối cao và “chúng tôi sẽ chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để theo đến cùng”.

Thuỵ Miên