15/11/2024

Giải mật tham vọng hạt nhân của Đài Loan

Suốt nhiều năm, Mỹ cương quyết ngăn chặn nỗ lực của Đài Loan nhằm sở hữu công nghệ hạt nhân với mục tiêu phát triển thành vũ khí.

 

Giải mật tham vọng hạt nhân của Đài Loan

 

Suốt nhiều năm, Mỹ cương quyết ngăn chặn nỗ lực của Đài Loan nhằm sở hữu công nghệ hạt nhân với mục tiêu phát triển thành vũ khí.





Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực lò phản ứng trong khuôn viên Viện Trung Sơn - Ảnh: Global Security

Ảnh chụp từ vệ tinh khu vực lò phản ứng trong khuôn viên Viện Trung Sơn – Ảnh: Global Security


Chính phủ Mỹ vừa lần đầu tiên giải mật nhiều tài liệu xung quanh tham vọng sở hữu công nghệ hạt nhân của Đài Loan với tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực vũ khí ở giai đoạn từ giữa thập niên 1960 đến cuối thập niên 1970.
Theo chuyên san The Diplomat, Washington luôn cực kỳ lo ngại việc Đài Bắc theo đuổi chương trình hạt nhân có thể làm dấy lên căng thẳng tột độ dẫn đến hậu quả khôn lường với Trung Quốc đại lục. Quan điểm này hoàn toàn có cơ sở khi Trung Quốc nhiều lần tuyên bố nếu Đài Loan sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ là lý do chính đáng cho “một cuộc tấn công tức thì”.
Về phía Đài Loan, thông tin đại lục thử vũ khí hạt nhân lần đầu tiên vào năm 1964 khiến chính quyền lãnh thổ này khi đó đứng ngồi không yên và tin rằng phải cấp bách tìm cách trang bị vũ khí hủy diệt hàng loạt cho lực lượng phòng vệ.
Manh nha
Các tài liệu vừa được Thư khố An ninh quốc gia Mỹ giải mật đã hé lộ chi tiết về các cuộc trao đổi và hội đàm ngoại giao giữa chính quyền Mỹ dưới nhiều đời tổng thống và thể chế tại Đài Loan về vấn đề hạt nhân.
Theo The Diplomat, vào năm 1955, một số giáo sư tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng của Trung Quốc bỏ sang Đài Loan lập nên Đại học Quốc gia Thanh Hoa và khởi động xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên dành cho mục đích nghiên cứu và đào tạo chuyên gia về năng lượng nguyên tử. Hơn một thập niên sau đó, Tập đoàn năng lượng Đài Loan thiết lập tổ năng lượng hạt nhân đầu tiên để tiến tới mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, dẫn đến việc xây dựng các lò phản ứng lớn.
Sau vụ thử của Trung Quốc năm 1964, Đài Loan bí mật khởi động chương trình vũ khí hạt nhân qua tấm bình phong là Viện Nghiên cứu năng lượng hạt nhân (INER). Mang danh là cơ quan nghiên cứu dân sự độc lập nhưng INER nằm kế cận và phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học công nghệ quốc gia Trung Sơn, cơ quan phát triển vũ khí chủ chốt của Đài Loan. Bằng nỗ lực thu mua hoặc nhận chuyển giao công nghệ qua các kênh “chợ đen” song song với dự án phát triển công nghệ làm giàu hạt nhân nội địa, Đài Loan có được một số lò phản ứng nước nặng và một cơ sở tách plutonium.
Năm 1975, nhà lãnh đạo Tưởng Giới Thạch qua đời, chức vị đứng đầu Đài Loan được trao cho Nghiêm Gia Cam nhưng quyền lực tập trung vào tay con trai ông là Tưởng Kinh Quốc và lãnh thổ này tiếp tục theo đuổi vũ khí hạt nhân trong bí mật. Tuy nhiên, không lâu sau đó, các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phát hiện bằng chứng Đài Loan sản xuất plutonium ở cấp độ vũ khí và làm giàu uranium.
Theo hồ sơ mật, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng kết luận “Đài Loan đang triển khai chương trình hạt nhân quy mô nhỏ và rõ ràng bao gồm tuỳ chọn phát triển vũ khí”, còn nhiều chuyên gia khi đó xếp lãnh thổ này chung với Israel, Hàn Quốc, Nam Phi và Nam Tư vào nhóm “có khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân và tin rằng cần phải có vì nhu cầu an ninh”.
Chính quyền Mỹ lập tức vào cuộc và sau nhiều cuộc thương thảo căng thẳng, hai bên đạt thỏa thuận về chấm dứt tham vọng vũ khí hạt nhân của Đài Loan vào tháng 9.1976, giai đoạn cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Gerald Ford. Khi đó, ông Tưởng Kinh Quốc cam kết Đài Bắc sẽ không xây dựng những cơ sở tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng và sẽ chỉ tập trung vào hạt nhân dân sự.
Xé rào
Sau đó, Mỹ và một số nước khác hỗ trợ cung cấp nguyên liệu hạt nhân cho Đài Loan để nghiên cứu và ứng dụng trong ngành năng lượng đồng thời nỗ lực giám sát việc tuân thủ thoả  thuận nói trên. Lò Phản ứng nghiên cứu Đài Loan (TRR) của INER đặt trong khuôn viên Viện Trung Sơn vẫn được phép hoạt động. Tuy nhiên, theo các điện tín nằm trong số tài liệu vừa được giải mật, vào năm 1977, các thanh sát viên IAEA phát hiện bằng chứng cho thấy Đài Loan có hành vi lấy nhiên liệu đã qua sử dụng từ TRR mang ra một địa điểm bên ngoài, vi phạm các quy định về an toàn hạt nhân.
Đến năm 1978, một nhóm chuyên gia hạt nhân của Mỹ đến Đài Loan và phát hiện một nhà khoa học đảo này bí mật nghiên cứu công nghệ làm giàu uranium bằng công nghệ laser với hướng ứng dụng rõ ràng là nhằm chế tạo vũ khí. Trong một bức điện tín mật khác, chính quyền Tổng thống Jimmy Carter đã cảnh báo: “Nếu Đài Loan tiếp tục khiến thế giới nghi ngờ rằng mình vẫn theo đuổi tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ chương trình năng lượng của Đài Loan”.
Sau đó, công tác giám sát được thắt chặt hơn nữa nhưng do không còn mấy tin tưởng nên vào năm 1988, chính quyền Washington gây áp lực buộc Đài Loan đóng cửa TRR và tách hoạt động của INER xa khỏi Viện Trung Sơn. Theo chuyên san Bulletin of the Atomic Scientists, trong giai đoạn khủng hoảng an ninh eo biển Đài Loan 1995 – 1996, lãnh đạo Lý Đăng Huy từng kêu gọi khôi phục chương trình vũ khí hạt nhân nhưng sau đó đã phải rút lại tuyên bố này do bị chỉ trích từ nhiều phía.
Đến nay, IAEA khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy Đài Loan sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc đang theo đuổi ý định này. Chương trình hạt nhân dân sự vẫn hoạt động bằng nguyên liệu nhập từ bên ngoài với 3 nhà máy điện đặt ở cực bắc và cực nam của hòn đảo cũng như nhiều nghiên cứu ứng dụng trong y tế.
Sau khi Mỹ công bố các tài liệu mật, Hãng tin CNA dẫn tuyên bố của Cơ quan Phòng vệ Đài Loan viết: “Đài Loan đã tuyên bố rõ ràng sẽ tuân thủ các quy ước quốc tế và chính sách không chế tạo, phát triển, sở hữu, tồn trữ hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân, sinh học hoặc hoá học. Lập trường trên sẽ không thay đổi”.
Mỹ xác nhận cất giấu vũ khí nguyên tử tại Okinawa
Giải mật tham vọng hạt nhân của Đài Loan - ảnh 1

Ảnh chụp năm 1962 tại Okinawa, một tên lửa hành trình Mace B mang theo đầu đạn hạt nhân W28 loại 1 MT – Ảnh: Thư khố An ninh quốc gia Mỹ 


Trong đợt giải mật mới, Mỹ cũng chính thức công bố tài liệu liên quan đến một thực tế mà ai cũng biết nhưng chưa bao giờ được xác nhận: nước này cất giấu vũ khí hạt nhân tại Okinawa từ năm 1954 cho đến khi trao trả quyền quản lý đảo này cho Nhật Bản vào năm 1972. Dù được xem là một “bí mật mở”, nhưng đề tài này lâu nay vẫn gây tranh cãi vì giới lãnh đạo Tokyo lẫn Washington đều một mực bác bỏ sự hiện diện của vũ khí huỷ diệt trên lãnh thổ Nhật.
Một bất ngờ khác là nhờ được giải mật, dư luận mới biết hình ảnh bom nguyên tử tại Okinawa đã được công khai nhiều năm trước đây. Theo đó, Thư khố An ninh quốc gia Mỹ đăng tải một vài bức ảnh từng xuất hiện vào năm 1990 nhưng lúc đó chẳng ai biết chúng được chụp trên đất Okinawa.


Thuỵ Miên