Ảm đạm thị trường xe hơi ASEAN
Thị trường xe hơi của sáu nền kinh tế chủ lực trong ASEAN được dự báo sẽ chững lại trong năm 2016 vì các quy định về thuế và các rào cản khác.
Ảm đạm thị trường xe hơi ASEAN
Thị trường xe hơi của sáu nền kinh tế chủ lực trong ASEAN được dự báo sẽ chững lại trong năm 2016 vì các quy định về thuế và các rào cản khác.
Theo tờ Nikkei Asian Review, ước tính có khoảng 3,1 triệu đơn vị xe sẽ được bán ra tại khu vực ASEAN, giảm 10% so với con số kỷ lục đạt được vào năm 2013. Trong 2 năm qua, số lượng xe bán ra cũng giảm đều mỗi năm.
Thị trường xe hơi Thái Lan có thể sẽ tăng trưởng chậm chạp do một loại thuế đánh vào khí thải mới được đưa ra hồi tháng trước. Theo đó, xe càng thải ra nhiều khí CO2 thì càng bị đánh thuế cao. Còn thị trường lớn nhất khu vực là Indonesia cũng sẽ phục hồi chậm chạp một phần do đồng rupiah yếu.
“Tình hình bán hàng từ đầu năm nay khá ảm đạm”, một nhân viên kinh doanh tại một đại lý của Toyota Motor ở Bangkok nói với Nikkei Asian Review. Toyota Thái Lan dự báo số lượng xe hơi bán ra ở nước này sẽ giảm 10% còn 720.000 chiếc năm nay. Thuế đánh vào khí thải có thể sẽ làm giảm mạnh doanh số bán xe SUV, loại xe thải ra nhiều khí CO2, trong khi loại xe này lại là mẫu xe duy nhất bán chạy năm 2015. Mức thuế đánh vào xe SUV sẽ buộc người mua xe phải chi thêm khoảng 30.000 baht (khoảng 18 triệu đồng) cho mỗi xe. Rất nhiều người đã đổ xô đi mua xe này từ tháng 12 năm ngoái trước khi loại thuế trên được áp dụng.
Tổng doanh số bán hàng của sáu nước ASEAN (gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, VN và Singapore) năm ngoái giảm 3%, còn hơn 3 triệu xe, đặc biệt do sự sụt giảm tới 16% của Indonesia (còn hơn 1 triệu xe) và 9% của Thái Lan (gần 800.000 xe).
Đáng chú ý, thị trường VN tăng trưởng tới 62%, đạt 70.033 xe, và thị trường Philippines tăng trưởng 20% để đạt con số kỷ lục 320.000 xe. Tuy nhiên, tăng trưởng ở những thị trường nhỏ này được cho là sẽ không giúp cứu vãn được sự sụt giảm của các thị trường lớn hơn. Thị trường lớn thứ ba khu vực là Malaysia gần như giẫm chân tại chỗ với con số hơn 666.000 xe.
Thị trường Indonesia có khả năng tăng trưởng 4% để đạt doanh số 1,05 triệu xe vào năm 2016, nhưng con số này không là gì so với đà tăng trưởng trước đây. Mới đây, Hãng xe Ford Motor thông báo sẽ ngưng hoạt động tại thị trường Indonesia vào cuối năm nay. Doanh số bán hàng của hãng này tại Indonesia đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 5.000 xe vào năm 2015 do giá cao và suy thoái kinh tế. Thị trường xe hơi Malaysia được dự báo sẽ giảm 3% xuống doanh số 650.000 xe, theo Hiệp hội Ô tô Malaysia.
Thị phần ô tô Nhật Bản ở Đông Nam Á giảm còn 74% vào năm 2015 so với 80% năm 2013. Các hãng xe Nhật sẽ nỗ lực kích cầu bằng cách tung ra các sản phẩm mới, nâng cấp dịch vụ và cải thiện giá cả nhằm thu hút giới nhà giàu.
Triển vọng thị trường VN
VN là thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Doanh số bán xe của VN năm rồi tăng trưởng vượt qua các nước trong khu vực mặc dù xuất phát điểm thấp hơn nhiều. Tốc độ đô thị hoá nhanh chóng và thu nhập tăng lên cho phép có thêm nhiều người Việt sở hữu, tận hưởng sự thoải mái cũng như an toàn của xe hơi thay vì phương tiện phổ biến là xe máy.
Hơn một nửa số lượng xe trên đường ở VN được sản xuất bởi các công ty nội địa mà dẫn đầu là Tập đoàn Trường Hải (Thaco). Tập đoàn này đồng thời lắp ráp ô tô cho các hãng Kia, Madza và Peugeot. Vài năm gần đây đã có sự tăng đột biến các xe nhập khẩu, hiện chiếm khoảng 40% doanh số xe hơi. Đặc biệt có sự tăng trưởng mạnh ở dòng xe sang phục vụ giới doanh nhân và quan chức.
Lấy ví dụ là doanh số bán xe Mercedes-Benz tăng trưởng 43% trong năm 2014, đưa VN trở thành thị trường tăng trưởng nhanh thứ hai trên toàn cầu của hãng xe Đức này. Hồi năm ngoái Rolls-Royce và Bentley cũng mở đại lý ở VN. Tuy nhiên, giá xe nhập khẩu được dự đoán sẽ tăng từ năm nay sau khi Chính phủ ban hành quy định mới về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào tất cả các loại xe nhập khẩu dưới 24 chỗ. Một nghiên cứu của báo Financial Times ước tính giá xe sẽ tăng lên 12%.
Kể từ ngày 1.1.2016, các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) đã bắt đầu phải chịu cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới. Giá bán lẻ của CBU không còn được tính trên giá CIF (giá tại cửa khẩu của bên nhập) cộng với thuế nhập khẩu như trước đây mà phải tính trên giá bán buôn của nhà nhập khẩu, do đó sẽ bị đẩy lên.
Ngay trong tháng 1.2016, sức ép của chính sách thuế đã ảnh hưởng tới tình hình nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) cho biết lượng ô tô được nhập khẩu về nước trong tháng 1.2016 chỉ đạt khoảng 7.000 chiếc, tương ứng với mức giá trị kim ngạch 175 triệu USD, giảm đến một nửa về số lượng so với tháng 12.2015.
Một loạt mẫu xe nhập khẩu đã bắt đầu tăng giá. Tuy nhiên, tờFinancial Times cho rằng người tiêu dùng VN đã quen với việc phải chi nhiều tiền cho xe hơi (trung bình giá xe ở VN cao hơn các nước trong khu vực 20%) nên chính sách thuế sẽ không làm giảm tăng trưởng của kinh doanh xe hơi.
Nissan lắp ráp xe hơi ở Myanmar
Tập đoàn Nissan Motor của Nhật Bản mới đây thông báo sẽ bắt đầu lắp ráp xe hơi tại Myanmar trong năm nay, trở thành hãng xe hơi mới nhất hoạt động tại đất nước Đông Nam Á này, theo Reuters.
Trong một thông báo đưa ra tuần qua, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai ở Nhật Bản cho biết trước mắt họ sẽ sử dụng một cơ sở hiện hữu của đối tác Malaysia là Tập đoàn Tan Chong Motor Group để lắp ráp mẫu xe sedan Sunny trước khi chuyển hoạt động sản xuất đến một nhà máy mới ở vùng Bago, cách trung tâm thương mại Yangon 80 km về phía đông bắc. Nhà máy này dự kiến sẽ có 300 công nhân, với công suất lên đến 10.000 xe/năm.
Công Chính
|
Đoàn Hằng