26/12/2024

Xét tuyển 2016 tăng cơ hội, giảm rủi ro cho thí sinh

Những quy định mới dự kiến áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ được thực hiện như thế nào để quy trình xét tuyển đảm bảo chính xác, công bằng, không để xảy ra tình trạng căng thẳng như kỳ tuyển sinh năm 2015?

 

Xét tuyển 2016 tăng cơ hội, giảm rủi ro cho thí sinh

 

 

Những quy định mới dự kiến áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 sẽ được thực hiện như thế nào để quy trình xét tuyển đảm bảo chính xác, công bằng, không để xảy ra tình trạng căng thẳng như kỳ tuyển sinh năm 2015?

 

 

 

 

Xét tuyển 2016 tăng cơ hội, giảm rủi ro cho thí sinh
Thí sinh và phụ huynh rút hồ sơ xét tuyển tại một trường ĐH trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 – Ảnh: Như Hùng
Xét tuyển 2016 tăng cơ hội, giảm rủi ro cho thí sinh

Giải đáp những câu hỏi này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.

* Phương thức đăng ký xét tuyển (ĐKXT) năm nay sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

– Một trong những nguyên nhân gây bất cập trong tuyển sinh năm 2015 là do tâm lý của thí sinh (TS) muốn đến trường nộp hồ sơ cho… yên tâm! Điều này gây tốn kém không cần thiết và gây lộn xộn ở một số trường.

Tâm lý này khó có thể khắc phục được ngay nên năm nay bộ quy định TS nộp phiếu đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện, bằng thư chuyển phát nhanh hay đăng ký trực tuyến qua mạng internet.

Bộ đã thiết kế mẫu phiếu ĐKXT để TS truy cập sử dụng. Khi đăng ký, TS chỉ điền thông tin cần thiết và mã số xét tuyển của mình, không phải gửi kèm hồ sơ hay giấy tờ gì khác.

TS cũng cần hiểu rõ số nguyện vọng được đăng ký trong mỗi đợt xét tuyển. Nguyên tắc chung: dù đăng ký trực tuyến (do TS nhập thông tin ĐKXT vào hệ thống) hay đăng ký qua đường bưu điện (nhà trường nhập thông tin từ phiếu ĐKXT của TS vào hệ thống) thì TS cũng chỉ được số nguyện vọng tối đa quy định đã nhập vào hệ thống trước.

Những nguyện vọng nhập sau đó (quá số nguyện vọng tối đa) thì hệ thống sẽ từ chối. Vì vậy TS cần cân nhắc cẩn thận trước khi quyết định ĐKXT.

* Việc chỉ sử dụng mã số mà không cần đến giấy chứng nhận kết quả thi có đảm bảo công bằng, chính xác, không có gian lận trong xét tuyển? Bộ đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện các giải pháp mới này?

– Bộ GD-ĐT sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu chung để các trường truy cập khi xét tuyển.

Khi có kết quả xét tuyển, bộ quy định rõ: các trường phải cập nhật lên hệ thống để loại trừ danh sách TS đã trúng tuyển, chỉ để lại nguồn xét tuyển các đợt tiếp theo. Các trường được chủ động quy định phương thức xét tuyển giữa các nguyện vọng TS đã đăng ký.

Quy chế năm nay không quy định điểm xét tuyển đợt sau phải cao hơn hay bằng điểm xét tuyển đợt trước, để các trường chủ động cân chỉnh điểm nhận ĐKXT, tránh tình trạng các trường tốp trên nhận hồ sơ từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, gây phức tạp cho công tác tuyển sinh chung.

Đồng thời, về phía TS, quy chế cũng sẽ quy định rõ: TS chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu TS không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Hiện nay bộ đang cập nhật phần mềm tuyển sinh năm 2015 theo các yêu cầu của quy chế tuyển sinh năm 2016, để TS có thể đăng ký trực tuyến ở bất cứ nơi nào có mạng internet.

Bộ cũng yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT mở cửa các phòng máy tính nối mạng của trường để TS có thể thực hiện việc đăng ký trực tuyến.

* Nhiều lo ngại về quy định cho phép trong từng đợt xét tuyển, TS được đăng ký cùng lúc nhiều nguyện vọng và vào 2-3 trường khác nhau sẽ dẫn đến tỉ lệ ảo trong xét tuyển. Bộ đã tính đến giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ các trường xử lý vấn đề này?

– Nguyên tắc lựa chọn phương án tuyển sinh là hài hòa quyền lợi của TS và thuận tiện cho các trường. Nếu tăng quyền lợi của TS thì nhà trường phải khó khăn hơn và ngược lại. Năm 2015 bộ đã áp dụng giải pháp đảm bảo quyền lợi tối đa cho TS (được rút, nộp hồ sơ) và sự thuận tiện tối đa cho các trường (không có ảo) nhưng dư luận xã hội không đồng tình.

Năm 2016, TS đã có thông tin tham khảo của năm 2015 nên sẽ có kinh nghiệm trong việc chọn trường, chọn ngành phù hợp hơn với kết quả thi của mình. Sau khi cân nhắc và lấy ý kiến rộng rãi, chúng tôi đánh giá việc quy định trong đợt 1, TS được ĐKXT vào hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành là phù hợp.

So với năm ngoái, TS vẫn được bốn nguyện vọng nhưng ở hai trường khác nhau, giúp TS tăng cơ hội trúng tuyển nhưng đồng thời cũng tăng cơ hội lựa chọn ưu tiên ngành mình yêu thích.

Đối với các trường, tôi cho rằng mức độ ảo cũng tương đương với những năm thi “ba chung” (TS thường vẫn thi hai trường ĐH với hai khối khác nhau). Mức độ ảo như vậy có thể chấp nhận được, hoàn toàn chỉ là vấn đề kỹ thuật và các trường cũng đã có kinh nghiệm xử lý.

Để các trường có thêm thông tin hạn chế ảo, bộ dự kiến trong phiếu ĐKXT, TS cung cấp thêm thông tin các trường mà mình đã ĐKXT trong đợt. Các trường dựa vào những thông tin này để có thể lựa chọn điểm trúng tuyển phù hợp, có tính đến mức độ ảo.

Để giảm ảo triệt để hơn, quy chế cũng quy định việc tuyển sinh theo nhóm trường. Các trường chủ động lập nhóm tuyển sinh chung và xây dựng đề án quy định rõ cách thức đăng ký của TS, cách thức xét tuyển các nguyện vọng và trách nhiệm của các trường tham gia nhóm. Việc hình thành các nhóm xét tuyển chung như vậy vừa có lợi cho TS vừa thuận tiện cho các nhà trường.

Trong hướng dẫn tuyển sinh, bộ công bố lịch cụ thể các đợt xét tuyển. Dự kiến đợt 1 kéo dài trong 12 ngày; các đợt bổ sung kéo dài trong 10 ngày mỗi đợt. Giữa các đợt sẽ dành thời gian đủ để các trường xử lý kết quả tuyển sinh của đợt trước, quyết định chỉ tiêu còn lại cũng như quy định các điều kiện cho đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo.

Thời gian ĐKXT được bộ dự kiến bắt đầu từ ngày 1-8 đến hết ngày 20-10 đối với hệ ĐH, và đến hết ngày 15-11 đối với hệ CĐ.

* Năm 2015 đã có tình trạng quá tải, nghẽn mạng nghiêm trọng khi TS tra cứu kết quả thi. Năm nay hệ thống dữ liệu điểm thi quốc gia sẽ được cải thiện như thế nào để không lặp lại tình trạng năm ngoái?

– Năm 2015 bộ công bố kết quả thi cho TS ở tám khu vực khác nhau, TS khu vực nào truy cập vào máy chủ của khu vực đó để tra cứu kết quả thi của mình. Chỉ có một địa chỉ TS cả nước có thể truy cập kết quả thi và hệ thống tại đây bị nghẽn mạng. Hệ thống tra cứu ở các khu vực không có trục trặc gì.

Rút kinh nghiệm, năm nay quy chế dự kiến giao cho tất cả các cụm thi công bố kết quả thi TS của cụm. Lượng TS truy cập sẽ được phân tán trong phạm vi rộng, không tập trung như năm ngoái.

Các trường ĐH được giao chủ trì các cụm thi là những trường lớn, có hạ tầng công nghệ thông tin tốt. Những năm tuyển sinh theo hình thức ba chung, các trường này cũng đã công bố kết quả thi của TS thi vào trường mình, với số lượng có khi còn lớn hơn nhiều so với số lượng TS ở cụm thi chủ trì hiện nay.

Vì vậy có thể tin tưởng rằng năm nay sẽ không tái diễn tình trạng nghẽn mạng như năm 2015.

THANH HÀ ([email protected])