26/12/2024

Củ Chi sẽ mời các công ty sữa bàn cách hỗ trợ nông dân

Đây cũng là lý do khiến nhiều nông dân nuôi bò sữa gặp khó khăn hơn trước trong ký hợp đồng mới với các công ty sản xuất sữa…

 

Củ Chi sẽ mời các công ty sữa bàn cách hỗ trợ nông dân

 

 

Đây cũng là lý do khiến nhiều nông dân nuôi bò sữa gặp khó khăn hơn trước trong ký hợp đồng mới với các công ty sản xuất sữa…

 

 

 

 

Củ Chi sẽ mời các công ty sữa bàn cách hỗ trợ nông dân
Người chăn nuôi không phải lo lắng đầu ra khi đã ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty chế biến sữa – Ảnh: Thanh Tùng

Các công ty sản xuất sữa lớn đều khẳng định đã tổ chức mua 100% sữa bò của nông dân đã ký hợp đồng, còn những hộ chăn nuôi gặp khó trong việc bán sữa là do chăn nuôi tự phát, không ký hợp đồng với nhà máy hoặc chất lượng không đảm bảo.

Ngày 19-2, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – chủ tịch UBND huyện Củ Chi – cho biết sau buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM và trao đổi với đại diện của Công ty CP sữa VN (Vinamilk), ông đã chỉ đạo các phòng ban liên quan thống kê hiện trạng chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện.

Trong đó tập trung làm rõ số lượng sữa bò mà người dân không bán được và nguyên nhân cụ thể. Dự kiến trong vài ngày tới có số liệu cụ thể, UBND huyện Củ Chi sẽ mời các công ty sản xuất sữa tới bàn cách hỗ trợ nông dân nuôi bò đạt chuẩn.

Theo ông Phú, các hộ dân nuôi bò sữa ký hợp đồng mua bán với các đơn vị sản xuất sữa đều bán được sữa theo các điều khoản trong hợp đồng.

Những trường hợp khó bán sữa là những hộ dân nuôi tự phát, không có hợp đồng từ trước với các công ty cũng như một số nguyên nhân khác. Chính quyền và doanh nghiệp sẽ tìm ra nguyên nhân cũng như cách hỗ trợ để nông dân nuôi bò đúng chuẩn.

“Có những nông dân nuôi bò không đảm bảo, chất lượng sữa không tốt thì doanh nghiệp không thể mua được” – ông Phú cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Hương – giám đốc điều hành của Vinamilk – cho biết công ty cũng sẵn sàng cùng với các công ty sữa khác tham gia hỗ trợ cho những hộ dân nuôi tự phát, không có hợp đồng từ trước theo quy định của công ty.

Tuy nhiên, trước hết chính quyền địa phương cần có thống kê cụ thể về số lượng đàn bò, sản lượng sữa…, sau đó các công ty và chính quyền sẽ cùng ngồi lại bàn biện pháp giải quyết.

Trong khi đó, ông Lưu Văn Tân – trưởng phòng phát triển ngành sữa của Công ty FrieslandCampina (Dutch Lady cũ) – cho biết lượng sữa bò mà công ty này ký hợp đồng với nông dân đã vượt quá nhu cầu sản xuất nên công ty chưa có ý định ký hợp đồng mới với nông dân.

“Không ai đợi đến khi mua bò về nuôi đến khi cho sữa rồi mới tìm chỗ tiêu thụ, bởi để đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà máy, nông dân phải được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi đảm bảo điều kiện ít nhất 3-6 tháng” – ông Tân cho biết.

Theo một chuyên gia ngành chăn nuôi, giá sữa bò trên thế giới giảm mạnh thời gian qua, hiện giá bán sữa từ các quốc gia như Úc, New Zealand, châu Âu chỉ còn khoảng 8.000-10.000 đồng/kg, tức là chỉ bằng 60-80% giá sữa tại VN.

Do đó, ngoài lượng sữa tươi thanh trùng và tiệt trùng cần phải dùng nguồn sữa bò trong nước, các doanh nghiệp sẽ nhập nguyên liệu sữa từ nước ngoài với giá rẻ hơn nhiều để sản xuất sữa bột và các loại sữa nước khác.

Đây cũng là lý do khiến nhiều nông dân nuôi bò sữa gặp khó khăn hơn trước trong ký hợp đồng mới với các công ty sản xuất sữa, đặc biệt là bị siết chặt về các chỉ tiêu chất lượng sữa.

“Các công ty sẽ chọn mua loại nguyên liệu có giá thấp nhất. Đây là điều mà các nhà quản lý nông nghiệp của VN cần tính đến để nâng cao sức cạnh tranh của bò sữa VN trong thời gian tới khi TPP có hiệu lực” – vị này nói.

Theo ông Nguyễn Văn Chệt – phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện hiện hơn 60.000 con.

Trong đó, phần lớn các hộ ký hợp đồng tiêu thụ sữa với Vinamilk và FrieslandCampina, được hai đơn vị này tổ chức mua theo cam kết. Riêng những hộ nuôi tự phát hoặc tổ chức nuôi mới khó được ký hợp đồng, đầu ra cho sản phẩm sữa gặp khó.

TRẦN MẠNH