Giá bán lẻ xăng A92 sau khi được điều chỉnh chiều qua là 13.752 đồng/lít.
Xăng giảm ầm ầm giá cước vẫn nín thinh
Giá bán lẻ xăng A92 sau khi được điều chỉnh chiều qua là 13.752 đồng/lít.
Đây là lần giảm giá xăng thứ 4 trong năm nay và hiện giá xăng bán lẻ trên thị trường đang ở mức thấp kỷ lục trong vòng 6 năm qua, kể từ mức 15.000 đồng/lít vào năm 2009. Trong khi đó, giá cước vận tải vẫn nín thinh.
Chiều qua (18.2), liên bộ Công thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giảm 961 đồng/lít giá bán lẻ xăng RON 92, còn 13.752 đồng/lít; giá xăng sinh học (E5) giảm 942 đồng/lít, về mức giá tối đa 13.321 đồng/lít. Giá bán các mặt hàng dầu giữ nguyên mức hiện hành. Liên bộ cũng quyết định chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu với dầu diesel là 539 đồng/lít; với dầu hoả là 689 đồng/lít và dầu ma zút các loại trích 35 đồng/lít.
Như vậy, chưa đầy 2 tháng đầu năm, giá xăng giảm gần 15%. Nếu tính trung bình giá xăng dầu chiếm 25 – 37% giá cước vận tải, với đợt giảm giá lần này, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo giá cước có thể giảm trung bình 5%. Chẳng hạn, tính ki lô mét đầu tiên của taxi là 12.000 đồng, giá taxi nếu “bám sát” giá xăng trên thị trường sẽ phải giảm gần 600 đồng/km.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, chuyên gia xăng dầu, nhận định giá xăng xuống thấp là cơ hội rất lớn cho nền kinh tế sau thời gian dài chịu tác động của khủng hoảng toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là làm sao phải kéo giá cước vận tải giảm tương ứng với việc giảm giá xăng dầu. Có như thế mới tác động tích cực lên nền kinh tế như mong đợi.
Không giảm vì sợ “xăng tăng bất thường”
Không cần bắt doanh nghiệp kê khai, đăng ký giá nữa. Nếu thấy giá cước bất hợp lý thì ngay lập tức tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt thật nặng
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần điện tử Asanzo (TP.HCM), cho rằng giá xăng giảm mạnh như vậy, nếu các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực vận tải đồng lòng giảm giá cước, chắc chắn giá thành nhiều sản phẩm sản xuất sẽ giảm theo. Hiện trung bình mỗi tháng Công ty Asanzo tiêu tốn khoảng 150 triệu đồng tiền xăng dầu phục vụ chở hàng hoá thị trường từ Nha Trang trở vào, chiếm 20% nhu cầu, 80% còn lại phải thuê dịch vụ vận tải. “Một số linh kiện chúng tôi nhập từ nước ngoài về thường thuê chở từ cảng về nhà máy. Giá vận tải trước tết là 2,8 triệu đồng/container 40 feet, chúng tôi đã có đề nghị giảm xuống 2,5 triệu đồng/container nhưng họ hẹn tháng sau tết giải quyết. Riêng cước vận tải chở hàng của công ty đến các siêu thị được tính 380.000 – 400.000 đồng/m3, công ty cũng đã đề xuất giảm xuống 320.000 – 360.000 đồng nhưng chưa có kết quả. Hy vọng lần này DN vận tải sẽ chịu giảm đồng hành với DN sản xuất”, ông Tam nói.
Đây cũng là kỳ vọng của rất nhiều DN sản xuất trước lần điều chỉnh giá xăng lần này. Thế nhưng, nhiều DN vận tải lại cho rằng chưa có bất kỳ kế hoạch nào để giảm giá lúc này bởi “thị trường vận tải đang trong giai đoạn căng nhu cầu của tháng giêng”. Ông Trần Nguyễn Lê Văn, chủ trang vexere.com, cho biết: “Giá xăng giảm trong thời điểm dịch vụ vận tải đang vào mùa nên hầu như chẳng có DN nào nghĩ đến chuyện giảm giá lúc này”. Nhiều DN vận tải thì đổ lỗi thủ tục xin điều chỉnh tăng, giảm giá “nhiêu khê”, nếu điều chỉnh giá giảm ngay mà sau đó có đột biến về giá xăng dầu lại không xin phép tăng giá ngay được thì thiệt hại…
Bắt tay ngầm định giá cước
Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Quỳnh, lâu nay cơ quan quản lý không đưa ra khung cơ cấu giá vốn hình thành nên giá cước phí của các công ty vận tải, trong đó bao nhiêu phần trăm là giá xăng dầu, bao nhiêu phần trăm là giá các chi phí khác. Vì thế, đã không xử lý được tình trạng giá xăng dầu tăng thì giá cước nhanh chóng điều chỉnh tăng, ngược lại giá xăng dầu giảm giá cước không giảm tương ứng. “Nếu có công thức để tính và nhà nước quản lý được điều này sẽ dễ dàng điều tiết được giá cước phí vận tải”, ông Quỳnh phân tích.
Ông Quỳnh cho rằng, thị trường giá cước vận tải ở VN hiện nay là không sòng phẳng, không công bằng với người sử dụng dịch vụ. Trong khi nhà nước chưa quản lý một cách khoa học, còn thị trường giá cước lại không có tính cạnh tranh bởi có dấu hiệu ngầm bắt tay nhau ấn định giá. Vấn đề hiện nay là phải có cơ quan nhà nước đưa ra khung giá để áp vào các DN vận tải nhằm giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm, nếu DN không chấp hành phải bị chế tài nghiêm túc.
Cùng quan điểm, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, khẳng định: “Hiện nay không có barem cơ cấu chi phí giá xăng dầu trong giá cước vận tải, mà cơ quan quản lý chỉ áng chừng một cách cảm tính. Vì thế, mỗi lần thanh tra vào cuộc để kiểm tra giá cước thì phải 1 – 2 tháng sau mới có thể xử lý được các hãng vận tải vi phạm. Cho nên, ngay bây giờ, cơ quan chức năng phải tính toán barem, trên cơ sở đó mới có thể buộc DN vận tải điều chỉnh giá chính xác. Chuyện này cũng như các cơ quan công quyền quy định mức sử dụng nhiên liệu cho xe công, ví dụ đi 100 km thì mất bao nhiêu lít xăng để làm cơ sở thanh toán”.
Ngoài ra, theo ông Long, gốc gác của việc các DN chây ì giảm giá cước vận tải nằm ở cơ chế. Mỗi lần tăng giảm giá cước vận tải DN phải đăng ký kê khai, thông qua thanh kiểm tra rồi mới được điều chỉnh, in lại vé, mở niêm phong… Chính cái này là cản trở lớn nhất. “Không cần bắt DN kê khai, đăng ký giá nữa. Nếu thấy giá cước bất hợp lý thì ngay lập tức tiến hành thanh kiểm tra và xử phạt thật nặng. Nếu xăng dầu giảm mà giá cước không giảm tương ứng thì mọi chuyện trở nên công cốc”, ông Long nhấn mạnh.