Chính quyền “xử” tranh chấp thương hiệu thay toà?
Từ lá đơn phản ảnh của doanh nghiệp này tố doanh nghiệp kia, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt một doanh nghiệp 500 triệu đồng.
Chính quyền “xử” tranh chấp thương hiệu thay toà?
Từ lá đơn phản ảnh của doanh nghiệp này tố doanh nghiệp kia, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt một doanh nghiệp 500 triệu đồng.
Hai mẫu nhãn hiệu của bột ngọt Ajino – Takara và Ajinomoto – Ảnh: Trường Trung |
Doanh nghiệp bị phạt cho rằng: “UBND TP Đà Nẵng ra quyết định như vậy không sòng phẳng, không đúng luật. Để biết ai sai, ai đúng cứ để hai doanh nghiệp kéo nhau ra toà”.
Nhùng nhằng nửa năm
Sự việc bắt đầu vào tháng 3-2015 khi Công ty Ajinomoto Việt Nam gửi đơn đến Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đề nghị kiểm tra, xử lý bột ngọt nhãn hiệu Ajino – Takara của Công ty TNHH sản xuất – thương mại Hà Trung Hậu (trụ sở tại phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM – sau đây gọi là Công ty Hà Trung Hậu) do nhận thấy nhãn hiệu Ajino – Takara và hình của Công ty Hà Trung Hậu giống và trùng lắp với nhãn hiệu Ajino – Moto của Tập đoàn Ajinomoto Nhật Bản đã được đăng ký bảo hộ độc quyền.
Sau khi có kết luận giám định về sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (kết luận 1), Đội quản lý thị trường số 8 (Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng) kiểm tra chi nhánh Công ty Hà Trung Hậu tại Đà Nẵng, tạm giữ nguyên liệu bột ngọt nhập khẩu từ Thái Lan (trên nhãn có ghi ba chữ tiếng Nhật Bản), thành phẩm bột ngọt đóng gói ghi nhãn Ajino – Takara và một số dụng cụ.
Ngày 28-7-2015, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ có kết luận lần 2, trong đó nhận định: “dấu hiệu “ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mì chính của Công ty Hà Trung Hậu là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “ba chữ tượng hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Ajinomoto”.
Cho rằng cả hai bản kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chưa khách quan, giải thích chung chung nên Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng có công văn gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học – công nghệ).
Ngày 10-9, Cục Sở hữu trí tuệ có văn bản trả lời: dấu hiệu ba chữ Nhật Bản bị coi là tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 169.
Từ đó, Đội quản lý thị trường số 8 lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Nên để ra toà hay xử phạt?
Tại cuộc họp do Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết chủ trì ngày 7-10 -2015 bàn về biện pháp xử lý đối với Công ty Hà Trung Hậu, ông Lữ Bằng – chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng – cho rằng cả hai kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và ý kiến chuyên môn của Cục Sở hữu trí tuệ đều không làm rõ dấu hiệu ba chữ Nhật Bản của Công ty Hà Trung Hậu tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty Ajinomoto.
Đồng thời, Công ty Hà Trung Hậu đã khiếu nại kết luận của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Cục Sở hữu trí tuệ. Do vậy, ông Bằng cho rằng nên dừng thủ tục xử lý vi phạm và đề xuất yêu cầu hai công ty đưa nhau ra toà án dân sự để giải quyết.
Trong khi đó ông Võ Nguyên Chương, phó trưởng phòng nội chính – pháp chế Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho rằng theo thông tư 11 của Bộ Khoa học – công nghệ thì Viện Khoa học sở hữu trí tuệ với Cục Sở hữu trí tuệ có chức năng giám định và nếu hai đơn vị này xác định có vi phạm, việc xử lý là có căn cứ.
“Việc chuyển hồ sơ cho tòa án giải quyết theo đề nghị của Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng là không đúng do xuất phát gốc từ đơn yêu cầu xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ mà Công ty Ajinomoto Việt Nam gửi đến Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng. Do vậy cần làm thủ tục để UBND TP Đà Nẵng xử lý” – ông Chương nói.
Tuy nhiên, ông Phùng Tấn Viết tiếp tục yêu cầu Sở Khoa học – công nghệ tham khảo ý kiến Cục Sở hữu trí tuệ để tham mưu TP giải quyết dứt điểm vụ việc.
Sau đó, Sở Khoa học – công nghệ TP Đà Nẵng có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng khẳng định Công ty Hà Trung Hậu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định điều 129 Luật sở hữu trí tuệ và đề nghị TP Đà Nẵng chỉ đạo xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt 500 triệu đồng đối với Công ty Hà Trung Hậu do đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Ông Nguyễn Thành Đông, giám đốc chi nhánh Công ty Hà Trung Hậu tại Đà Nẵng, cho rằng cán bộ Đội quản lý thị trường số 8 kiểm tra công ty thiếu khách quan khi nội dung ban đầu là kiểm tra hành chính (chứng nhận đăng ký kinh doanh), nhưng không kiểm tra nội dung đó mà lại kiểm tra nội dung xâm phạm quyền nhãn hiệu.
Ông Đông cũng cho biết đã gửi đơn lên TAND TP Đà Nẵng khởi kiện quyết định của đội quản lý thị trường và quyết định xử phạt của UBND TP Đà Nẵng.
“Việc làm trên của cơ quan chức năng Đà Nẵng xuất phát từ đơn của Công ty Ajinomoto Việt Nam. Từ đó chính quyền vào cuộc và xử lý công ty chúng tôi thiếu khách quan, không thuyết phục. Nếu chính quyền Đà Nẵng nhận thấy chúng tôi có xâm hại nhãn hiệu của Công ty Ajinomoto Việt Nam thì cứ để hai công ty kéo nhau ra toà. Lúc đó ai đúng, ai sai sẽ biết” – ông Đông nói.
Tạm đình chỉ việc thi hành xử phạt TAND TP Đà Nẵng cho biết ngay sau khi thụ lý đơn khởi kiện của Công ty TNHH sản xuất – thương mại Hà Trung Hậu và xem xét các chứng cứ liên quan, toà đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “về việc tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ ngày 19-10-2015 của phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng”. |
* Luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng): Chính quyền can thiệp quá sâu Qua nội dung vụ việc có thể nhận thấy ngay từ đầu các bên chưa xác định được dấu hiệu của việc vi phạm trong tranh chấp. Nhưng chỉ cần đơn đề nghị của một bên tranh chấp mà Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng vào cuộc tiến hành các bước để xử lý như thế thì có dấu hiệu can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Rất bất thường ở chỗ cơ quan quản lý hành chính nhận được đơn thư của một chủ thể đang tranh chấp lại đi thụ lý đơn, thu thập chứng cứ rồi đưa ra phán xử theo hướng xử lý bên này để bảo vệ bên kia thì thực chất đang làm thay việc của toà án. Đây là biểu hiện hành chính hoá quan hệ kinh tế không đáng có. |