Cần chương trình quốc gia về khởi nghiệp
Năm 2016 Việt Nam đã ký Hiệp định TPP và là năm chuẩn bị cuộc hội nhập thế kỷ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), nói:
Cần chương trình quốc gia về khởi nghiệp
Năm 2016 Việt Nam đã ký Hiệp định TPP và là năm chuẩn bị cuộc hội nhập thế kỷ. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), nói:
Không chỉ khởi nghiệp, cũng cần tạo môi trường để doanh nghiệp phát triển. Trong ảnh: Công ty TNHH giấy Chánh Dương (Bến Cát, Bình Dương) chuẩn bị những lô hàng đầu tiên giao cho đối tác đầu năm mới – Ảnh: Xuân An |
– VN đã ký TPP và đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển nhưng thách thức cũng không hề nhỏ và không thể có bước lùi.
Thị trường VN đã liên thông không chỉ với các quốc gia ASEAN mà cả với những nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản… Rào cản cơ bản không còn.
Vì vậy con đường đi đến phồn vinh không thể là sản xuất hộ nhỏ lẻ được nữa, mà phải là một đội ngũ doanh nghiệp làm ăn bài bản, cạnh tranh được với thế giới trên cơ sở sáng tạo.
Chúng ta cần nhớ lại bài học Nhật Bản, Hàn Quốc suốt thời gian dài trọng dụng doanh nghiệp tư nhân nên chỉ khoảng 25 năm họ đã giàu có. Hay Israel, quốc gia nhỏ bé giữa hoang mạc, bốn bề là các đối thủ thù địch, nhưng họ là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp quật cường, có tỉ lệ doanh nghiệp trên đầu người cao bậc nhất thế giới. Và họ giàu có, vững vàng |
|
Ông VŨ TIẾN LỘC |
Môi trường kinh doanh phải minh bạch
* Liệu thời điểm này nói đến khởi nghiệp có quá trễ và có đủ cho VN trước thách thức mới?
– Doanh nghiệp VN vừa trải qua cơn sóng gió. Khi chúng ta vui mừng có 900.000 doanh nghiệp được thành lập thì số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động mấy năm qua đã khoảng 400.000.
Tốc độ phát triển doanh nghiệp đang chậm lại, số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng lên. Vì vậy, việc phát động năm khởi nghiệp và chương trình quốc gia về khởi nghiệp là cần thiết.
Hiện bình quân gần 200 người dân VN mới có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển 15-20 người dân có 1 doanh nghiệp. Hơn 70% lực lượng lao động VN sống ở nông thôn và gần 45% lực lượng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp với năng suất thấp và thiếu việc làm.
Muốn nâng năng suất cần phải chuyển đội ngũ này sang khu vực doanh nghiệp. Hơn nữa, một trong những lĩnh vực chúng ta không có thế mạnh trong khi các nước TPP lại cực mạnh là nông nghiệp.
Có thể hàng chục triệu lao động nông nghiệp sẽ phải rời khỏi khu vực này khi quá trình tái cấu trúc nông nghiệp diễn ra. Trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước và công chức sẽ phải thu hẹp và không có khả năng thu hút thêm lực lượng lao động.
Tôi cho rằng VN cần phát động một phong trào khởi nghiệp, đồng thời với nó là một chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp với mục tiêu đến năm 2020 đưa VN trở thành một quốc gia khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu đất nước ít nhất có 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
* Ở VN thành lập doanh nghiệp đã dễ rồi, nhưng để nó lớn lên mới khó?
– Đăng ký thành lập doanh nghiệp đã dễ, nhưng đúng là để nó lớn lên, phát triển bằng sức sáng tạo, năng lực cạnh tranh thật sự không đơn giản.
Doanh nghiệp VN đang nhỏ đi. Tôi cho rằng chương trình quốc gia khởi nghiệp ở VN phải theo nghĩa rộng, chứ không chỉ như từ “start up” – một dạng khởi nghiệp.
Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm để phát huy tinh thần khởi nghiệp của toàn dân và giúp những tinh thần khởi nghiệp đó không bị chết yểu bởi các rào cản không đáng có.
Tới đây, tôi cho rằng môi trường kinh doanh phải minh bạch, công bằng hơn. Không chỉ là học tập nữa, mà tới đây những mô hình nào các nước làm tốt VN nên mạnh dạn áp đặt vào.
Thể chế phải đảm bảo vị thế của doanh nhân
* Để thành quốc gia khởi nghiệp, theo ông cần phải làm gì?
– VN cần ban hành một chương trình quốc gia về khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Cần kiến nghị Trung ương Đảng hoặc Bộ Chính trị có một nghị quyết về vấn đề này. Sau đó Chủ tịch nước hoặc Thủ tướng tuyên bố chương trình quốc gia khởi nghiệp.
Tất cả các cấp chính quyền, từng bộ, ngành, địa phương phải có đề án, chương trình hành động với nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu và giải pháp cụ thể thực hiện.
Phải thấy rằng VN đang chịu áp lực rất lớn: áp lực bị bỏ xa từ các quốc gia phát triển hơn, nhưng cũng chịu áp lực bắt kịp và bị vượt qua bởi các nước đi sau.
Nếu như trước đây toàn dân đánh giặc thì trong bối cảnh hiện nay nếu toàn hệ thống chính trị không vào cuộc, tạo ra làn sóng toàn dân làm kinh tế để tạo thế và lực mới, chúng ta dễ tụt lại.
* Nội dung chương trình quốc gia về khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp nên như thế nào?
– Sẽ rất rộng. Mỗi ngành cần có đề án riêng cho mục tiêu này. Tuy nhiên, có những điểm mấu chốt không thể không thay đổi. Dù đã có những bước tiến nhưng cải cách thể chế, nói thật, vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Cần ban hành ngay Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cuộc khảo sát gần đây của VCCI cho thấy tín hiệu đáng lo ngại là doanh nghiệp càng lớn, kinh doanh càng thành công thì chi phí tuân thủ càng cao, càng bị thanh tra, kiểm tra nhiều.
Mà đã kiểm tra, theo nhiều doanh nhân, cơ chế hiện nay kiểu gì cũng ra lỗi. Rồi đủ thứ cơ quan hỏi thăm, từ đóng góp quỹ phường đến những áp lực từ công chức chính quyền.
Đây là một trong những nguyên nhân lý giải tại sao các doanh nghiệp VN không thể lớn lên. Thể chế phải đảm bảo vị thế của doanh nhân không thể thấp, dễ dàng lâm vào khó khăn, thậm chí thê thảm vì thay đổi cơ chế, vì không có mối quan hệ…
* Tự bỏ tiền khởi nghiệp thì dễ, nhưng doanh nghiệp sáng tạo hay có năng lực ở VN đôi khi lại rất khó phát triển bởi cơ chế, hay công ty sân sau chẳng hạn…?
– Có rất nhiều việc khó phải làm. Như phải có cơ chế để người dân có ý tưởng được hỗ trợ từ phòng thí nghiệm đến nơi thiết kế, thử nghiệm sản phẩm. Rồi vấn đề bản quyền, quỹ đầu tư mạo hiểm, không hình sự hoá các quan hệ kinh tế… và đặc biệt là môi trường kinh doanh bình đẳng.
Văn kiện đại hội Đảng vừa được thông qua xác định “Đến năm 2020, phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế”.
Phải kiên quyết thực hiện mục tiêu trên để chúng ta đi trên con đường chung của nhân loại. Điều này có nghĩa sẽ không thể có bao cấp, khoanh giãn nợ cho doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả.
Cách phân bổ vốn của Nhà nước cũng không thể phân biệt thành phần. Không thể có lĩnh vực nào ngoài an ninh quốc phòng, doanh nghiệp nhà nước được làm còn doanh nghiệp tư nhân thì không. Cũng không thể có chuyện phải có phong bì đến công chức thì việc mới xuôi…
Phải đảm bảo người làm ăn bài bản sẽ giàu có Theo ông Vũ Tiến Lộc, muốn có được một lực lượng doanh nhân đông đảo, không chụp giật thì điều kiện là phải có thể chế đảm bảo người nào có ý tưởng tốt, làm ăn bài bản sẽ giàu có. Nếu để những doanh nghiệp nhà nước vẫn có những đặc quyền hoặc lợi thế áp đảo trong tiếp cận đất đai, vốn, các dự án công, để rồi có những doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp sống bằng mối quan hệ… thì đó là cách nhanh nhất phá tan các nỗ lực khởi nghiệp. Khi đó người ta sẽ theo “thị trường quan hệ, công nghệ phong bì”. Thể chế cần khiến những người sống bằng quan hệ sẽ chịu rủi ro lớn. Có thế người VN mới quan tâm đến nghiên cứu, sáng tạo, đầu tư vào khoa học – công nghệ, thay vì đổ tiền vào bất động sản hay kinh doanh chớp nhoáng… |