18/11/2024

IS lấy internet ở đâu ra?

Điều tra của tờ Der Spiegel cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo truy cập được internet nhiều khả năng nhờ chính vệ tinh của các công ty châu Âu.

IS lấy internet ở đâu ra?

 

Điều tra của tờ Der Spiegel cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo truy cập được internet nhiều khả năng nhờ chính vệ tinh của các công ty châu Âu.





Chảo ăng ten vệ tinh dày đặc ở Raqqa, cứ địa của IS tại Syria - Ảnh: Reuters

 

Chảo ăng ten vệ tinh dày đặc ở Raqqa, cứ địa của IS tại Syria – Ảnh: Reuters


Ai cung cấp internet cho Nhà nước Hồi giáo (IS)? Đặc biệt là tại những khu vực bị tàn phá vì giao tranh và hiện do IS kiểm soát ở Syria và Iraq, việc kết nối với “thế giới số” hầu như chỉ có thể nhờ vào dịch vụ internet vệ tinh. Theo Der Spiegel, giá thành của dịch vụ này tuy rất cao nhưng việc đăng ký thuê bao và lắp đặt trang thiết bị như ăng ten chảo rất dễ dàng tại những thành phố Thổ Nhĩ Kỳ giáp giới Syria như Gaziantep hay Antakya.
Trả lời Der Spiegel, đại diện 2 cơ sở chuyên cung cấp mạng internet tại Antakya cho biết họ có khoảng 5.000 khách hàng tại Syria với doanh thu hàng tháng trên dưới 200.000 USD (4,4 tỉ đồng). Hai cơ sở này khẳng định chỉ lắp đặt thiết bị và cung cấp dịch vụ cho “đối tác thương mại” và không thể biết được khách hàng đầu ra sử dụng internet là ai.
Đáng chú ý, theo Der Spiegel, nhiều công ty ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria bán lại dịch vụ internet vệ tinh của các hãng châu Âu như EutelSat (Pháp), SES (Luxembourg) và Avanti Communications (Anh). Như vậy, tại các khu vực cơ sở hạ tầng và mạng lưới viễn thông bị huỷ hoại nặng nề ở Syria, nhiều khả năng IS đang dùng internet trực tiếp từ dịch vụ của các công ty EU.
Cũng như 2 cơ sở ở Antakya, các “đại gia” EU khẳng định không biết khách hàng đầu ra sử dụng internet vệ tinh của mình. Ngoài ra, 3 hãng này cho biết các công ty trung gian bán thiết bị tiếp sóng vệ tinh và gói thuê bao internet trên nguyên tắc bị cấm cung cấp dịch vụ tại Syria. Vậy nhiều khả năng IS đăng ký dịch vụ thông qua nhiều vỏ bọc ở các thành phố biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria, sau đó đưa thiết bị vào những khu vực do tổ chức này kiểm soát.
Theo Hãng SES, có thể định vị các thiết bị truy cập internet vệ tinh, nhưng “đến nay vẫn chưa thấy” vệ tinh của họ bị IS dùng. Hãng này cùng EutelSat khẳng định hiện không cung cấp internet vệ tinh tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, phóng viên Der Spiegel đã nhờ các chuyên gia định vị được nhiều ăng ten vệ tinh tại Raqqa, Deir el-Zor, al-Bab và Mosul – những cứ địa trọng yếu của IS tại Syria và Iraq.
Khủng bố 2.0
Ngoài những lỗ hổng trong quản lý quy trình cung cấp dịch vụ của các hãng viễn thông châu Âu, điều tra của Der Spiegel còn phơi bày năng lực đáng sợ của IS trong “thế giới số”. Tổ chức này không ngại chi bạo và dùng nhiều thủ đoạn che mắt để có thể sử dụng internet vệ tinh tại Iraq, Syria.
IS lấy internet ở đâu ra? - ảnh 1

Hình ảnh từ một đoạn phim quảng bá của IS trên internet – Ảnh: AFP


Cũng dùng internet để chiêu dụ thành viên mới trên khắp thế giới, nhưng đến nay IS tỏ ra hiệu quả hơn hẳn so với al-Qaeda. Theo tờ Le Figaro, mạng xã hội Twitter được IS xem là “mũi nhọn” về truyền thông với chiến lược khá bài bản: dùng tiếng Anh để “đánh” vào thanh niên ở các nước phương Tây; chọn các “từ khoá” (hashtag) thích hợp; mở “chiến dịch PR” trên Twitter với sự tham gia của hàng ngàn thành viên… Thậm chí, IS từng tạo ứng dụng trên hệ điều hành Android nhưng đã bị Google dẹp bỏ.
Riêng tại Syria, “từ khoá” về IS phổ biến hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Jabhat al-Nusra, một nhóm Hồi giáo cực đoan thuộc al-Qaeda. Theo chuyên gia Romain Caillet của Viện Nghiên cứu Trung Đông (Pháp), al-Qaeda vẫn chuộng các phương tiện truyền thống như viết blog hoặc tạo website và khá chậm chân trên mạng xã hội. Trên kênh YouTube, IS cũng có nhiều chiêu trò tinh vi như tung ra các đoạn phim ngắn nhưng có tính bạo lực, gây sốc cực kỳ thu hút đối với các thanh niên có xu hướng cực đoan. Những đoạn phim này ngay lập tức bị YouTube xóa nhưng vẫn kịp lan truyền rất nhanh trên internet.
Trong khi đó, al-Qaeda vẫn trung thành với lối “làm phim” cũ kỹ: phim dài, đôi khi hơn 1 giờ, chủ yếu là phần thuyết giảng của các thủ lĩnh nên dễ gây nhàm chán.
Theo Le Figaro, giới chức chống khủng bố các nước đã điểm mặt được một phần tử tên Rafiq Abu-Moussab, được xem là “giám đốc hình ảnh và truyền thông” của IS với nhiệm vụ điều phối mọi hoạt động của tổ chức này trên mạng.

Lan Chi