19/11/2024

Quan hệ Mỹ – ASEAN nhìn từ Hawaii

Phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại trụ sở chính Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM) ở Hawaii, chuẩn bị đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN.

 

Quan hệ Mỹ – ASEAN nhìn từ Hawaii

 

 

 Phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại trụ sở chính Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ (PACOM) ở Hawaii, chuẩn bị đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN.

 

 

 

 

​Quan hệ Mỹ - ASEAN nhìn từ Hawaii
Đoàn nhà báo ASEAN trong cuộc gặp gỡ đô đốc Harry B. Harris tại trại H.M. Smith – Ảnh: Quỳnh Trung

Người Mỹ đã chuẩn bị khá kỹ cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN lần đầu tiên được tổ chức ở Mỹ trong hai ngày 15 và 16-2 tại trung tâm Sunnylands, bang California.

Đoàn nhà báo ASEAN, trong đó có phóng viên báo Tuổi Trẻ, đã được mời đến thăm doanh trại H.M. Smith – trụ sở chính của PACOM ở Hawaii ngày 11-2 (giờ Việt Nam).

PACOM là một trong sáu “bộ chỉ huy vùng” quan trọng nhất của quân đội Mỹ. Tổ chức này kiểm soát khoảng 50% bề mặt địa cầu từ bờ đông nước Mỹ đến bờ tây của Ấn Độ và từ Nam cực đến Bắc cực, giám sát 36 quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương với hơn 50% dân số toàn cầu.

Hiện có khoảng 360.000 binh sĩ và nhân viên làm việc cho PACOM. PACOM cũng đang sở hữu một số lượng hùng hậu 200 tàu các loại, trong đó có 5 tàu sân bay.

Càng có nhiều hoạt động tuần tra, không chỉ ở Biển Đông mà ở cả khu vực, sẽ giúp giảm căng thẳng và cải thiện sự ổn định
Đô đốc Harry B. Harris (tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Hoa Kỳ)

Tái cân bằng trong tái cân bằng

Đô đốc Harry B. Harris, lãnh đạo PACOM, đã có buổi nói chuyện với đoàn nhà báo ASEAN.

Ông khẳng định Mỹ ngày càng coi trọng mối quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN vì đây là khu vực có nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và dân số hơn 600 triệu người, trong đó 65% dân số có độ tuổi dưới 35, phù hợp với những lợi ích chiến lược của Mỹ.

Nhân việc này, ông nhắc lại lời của đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian: “Chúng tôi quan tâm đến ASEAN vì chính lợi ích của khối này. Chúng tôi đầu tư ở ASEAN nhiều hơn so với Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng ASEAN là một tổ chức ổn định trong một khu vực có sự hiện diện của nhiều cường quốc”.

Ngoài ra, PACOM cũng biệt phái sĩ quan liên lạc và cố vấn quân sự đến ASEAN.

Đô đốc Harris khẳng định Đông Nam Á là “trụ cột” trong chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

Ông gọi mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Mỹ và ASEAN chính là “tái cân bằng trong tái cân bằng” vì theo ông, tái cân bằng Đông Nam Á là một bộ phận quan trọng trong chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á – Thái Bình Dương.

“Tôi cho rằng các lãnh đạo ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự thế giới dựa trên pháp quyền trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. PACOM cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và các nước ASEAN” – đô đốc Harris nhấn mạnh.

Ông cũng nhắc lại Biển Đông là một tuyến đường giao thương hàng hải cực kỳ quan trọng của thế giới và một trật tự dựa trên pháp quyền ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng với an ninh khu vực, sự thịnh vượng về kinh tế – hai nền tảng chính trong chính sách của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương.

“ASEAN rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận Biển Đông. Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy một trật tự ở Biển Đông dựa trên những nguyên tắc pháp quyền, do đó chúng tôi mong muốn Trung Quốc và ASEAN sẽ sớm đạt thoả thuận về một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)” – đô đốc Harris khẳng định.

Trong năm 2015, PACOM tham gia hơn 50 cuộc tập trận chung với các quốc gia ASEAN. Đô đốc Harris khẳng định những cuộc tập trận chung này không nhằm chống lại Trung Quốc, chỉ đơn giản là trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau về các hoạt động quân sự, cứu hộ, cứu nạn…

Ủng hộ tất cả quốc gia tuần tra ở Biển Đông

Dù vậy, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi sát sườn đến quan hệ với Trung Quốc tại khu vực với người đứng đầu PACOM.

Trả lời câu hỏi về cách đối phó với chiến lược cắt lát của Trung Quốc (dần chiếm đóng các bãi cạn và đảo nhỏ để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Đông), đô đốc Harris khẳng định Washington hoàn toàn nhận thức được các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông và cho rằng những hành động này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

“Tôi cho rằng những hành động của Trung Quốc đã góp phần tạo ra cảm giác nguy hiểm. Do đó, một trong những nhiệm vụ chính của Hoa Kỳ là kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy COC” – đô đốc Harris nói.

Người đứng đầu PACOM cho biết thêm Trung Quốc không chỉ áp dụng chiến thuật cắt lát mà còn dùng các chiến thuật bắt nạt từng quốc gia thông qua kênh song phương.

Ông cho rằng ASEAN phải có một quan điểm thống nhất cứng rắn để phản đối các hành động gia tăng căng thẳng của Trung Quốc.

Liên quan đến thông tin do một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức hội đàm về tuần tra hải quân chung trên các vùng biển, trong đó có thể bao gồm cả Biển Đông, đô đốc Harris từ chối tiết lộ cụ thể về thông tin này nhưng khẳng định Mỹ ủng hộ quyền tuần tra trên Biển Đông của tất cả quốc gia vì Biển Đông là tuyến đường giao thương hàng hải quốc tế quan trọng.

“Mỹ đang nỗ lực bảo vệ quyền tự do đi lại vô hại và tự do hàng hải ở Biển Đông. Trước đây, tôi từng nói Mỹ hoan nghênh Nhật tham gia tuần tra chung. Việc Ấn Độ tham gia tuần tra là một điều tích cực vì nước này cũng có lợi ích ở Biển Đông” – đô đốc Harris nhấn mạnh.

QUỲNH TRUNG (từ Hawaii)