Trung Quốc bực tức nói Mỹ-Ấn Độ không quân sự hoá Biển Đông
Trung Quốc đã phản ứng tức tối trước thông tin Mỹ và Ấn Độ cân nhắc tuần tra chung trên Biển Đông, cho rằng “các nước bên ngoài khu vực” không nên quân sự hoá Biển Đông.
Trung Quốc bực tức nói Mỹ-Ấn Độ không quân sự hoá Biển Đông
Trung Quốc đã phản ứng tức tối trước thông tin Mỹ và Ấn Độ cân nhắc tuần tra chung trên Biển Đông, cho rằng “các nước bên ngoài khu vực” không nên quân sự hoá Biển Đông.
Reuters hôm 10.2 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên tiết lộ Washington và New Delhi đã thảo luận về việc tuần tra chung trên biển trong năm 2016.
“Các quốc gia không nên có sự hợp tác nào nhằm vào bên thứ ba”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay trong email gửi cho Reuters ngày 12.2.
“Những nước bên ngoài khu vực phải chấm dứt đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, chấm dứt những hành động mượn danh tự do hàng hải đe doạ chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia những nước ven biển, làm ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi kỳ vọng các bên có liên quan thảo luận và hành động một cách thận trọng, tránh can thiệp vào vấn đề Biển Đông, nhất là tránh bị một số quốc gia khác kích động để phục vụ lợi ích cho những quốc gia này”, ông Hồng cho biết thêm.
Trong khi đó, tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cũng dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết Ấn Độ-Mỹ đã “hội đàm chính thức” về việc tiến hành những cuộc tuần tra chung trên biển, nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức. Thông tin của Hindustan Times đưa ra hoàn toàn trái ngược với thông tin của Reuters.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 1.2 cũng đã cáo buộc Mỹ mượn cớ tự do hàng hải để giành quyền bá chủ Biển Đông, sau vụ tàu khu trục Mỹ USS Curtis Wilbur hôm 30.1 áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng.
Trong khi đó, Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, với những đường băng trên đảo nhân tạo mà theo Mỹ là nhằm phục vụ quân đội Trung Quốc, bất chấp sự phản đối từ Mỹ, Việt Nam và một số quốc gia khác.
Phúc Duy