Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE, năm 2015 khép lại với tổng lượng giao dịch cao nhất lịch sử của ngành bất động sản từ trước đến nay, ước tính đã tiêu thụ 36.160 căn hộ, tăng 98% so với năm trước.
Bất động sản ‘tỉnh giấc’
Theo thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE, năm 2015 khép lại với tổng lượng giao dịch cao nhất lịch sử của ngành bất động sản từ trước đến nay, ước tính đã tiêu thụ 36.160 căn hộ, tăng 98% so với năm trước.
Nhận định về triển vọng thị trường, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE, tiết lộ: Mặc dù giá cao, các dự án vẫn đang được tiêu thụ nhanh và các hoạt động mở bán vẫn diễn ra nhộn nhịp, điều đó chứng tỏ thị trường đã bước vào một chu kỳ mới.
Trong năm 2016, dự kiến một số dự án trọng điểm ở khu trung tâm TP.HCM sẽ được mở bán với mức giá trên 7.000 USD/m2. “Vậy là sau bảy năm trầm lắng, cuối cùng chúng ta có thể thấy chủ đầu tư đã lấy lại đủ tự tin và tiến lên một tầm cao mới trong việc phát triển các dự án cao cấp và hạng sang”, bà Dung nói.
Trên thực tế, năm 2015 cũng chứng kiến sự bứt phá của phân khúc bình dân “chất lượng cao” và trung cấp vì đây chính là nhu cầu thực của người mua để ở. “Với gói kích cầu mới Chính phủ hỗ trợ cho người mua nhà trung cấp, cùng với sự lớn mạnh của các chủ đầu tư trong nước quen thuộc như Đất Xanh, Nam Long, Khang Điền… những công ty đang cạnh tranh với nhau trong việc thâu tóm quỹ đất, tìm nguồn vốn, tái định vị thương hiệu và sản phẩm, nâng cao chất lượng bằng cách cung cấp thêm các tiện ích nội khu và các dịch vụ hậu mãi hoặc công tác quản lý chuyên nghiệp hơn, thì chúng tôi thực sự tin rằng 2016 sẽ là năm đầy hứa hẹn cho thị trường nhà ở”, bà Dung cho hay.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cũng cảnh báo, khi thị trường tăng trưởng quá nhiều, quá nhanh, quá nóng thì “chúng ta rất dễ đi trật đường ray”. Nhiều ý kiến cũng lo ngại, với đà tăng này, năm 2016 dễ xảy ra bong bóng bất động sản.
Tuy nhiên, bằng thâm niên của mình, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, khẳng định rất khó xảy ra điều này. Bởi vì các điều kiện khách quan và chủ quan làm phát sinh bong bóng bất động sản, như nền kinh tế đất nước phát triển quá nóng dẫn đến khả năng kiếm tiền nhanh, nhiều và chuyển sang mua bất động sản; nhà nước buông lỏng chính sách tài khóa, tín dụng dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại cho vay dưới chuẩn, dễ dãi và không kiểm soát được dòng tiền vay sử dụng sai mục đích; khi có sự phát triển lệch pha trên thị trường, chủ yếu là phân khúc bất động sản cao cấp; có sự gia tăng rất lớn nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp, đi đôi với tình trạng tăng giá bất hợp lý, quá đáng trên thị trường; có sự xuất hiện của những nhà đầu cơ chuyên nghiệp tạo các đợt sóng liên tục… Nhưng thực tế thị trường năm 2015 và xu thế phát triển năm 2016 không có những dấu hiệu này.
Tuy vậy, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, cần tiếp tục quan sát, theo dõi kỹ các nhân tố bất ổn đang tích tụ tăng dần theo thời gian, để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, có nhân tố có thể gây bất ổn thị trường trong thời gian tới lại bắt nguồn từ chính sách hiện hành, ví dụ trước đây không ít người mua nhà đã nhận nhà nhiều năm mà chưa được cấp chủ quyền.
Theo quy định cũ thì lại không được chuyển nhượng. Nhưng luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã cho phép chuyển nhượng nhằm bảo vệ quyền lợi của các đối tượng này. Điều này có tác động tốt và tích cực trong ngắn hạn, giúp cho thị trường phục hồi, vượt qua giai đoạn đóng băng. Nhưng về dài hạn, quy định này có thể bị những người đầu cơ lợi dụng để bao chiếm nhiều nhà ở nhằm thủ lợi cao nhất, và có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường.
Năm 2016 dự kiến sẽ chào đón hơn 45.000 căn hộ từ 90 dự án thuộc mọi phân khúc trên khắp TP.HCM.
Trong đó, tỷ trọng nguồn cung các dự án thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ tăng thêm 20% so với năm vừa qua.
Trước nguồn cung dồi dào sẽ được chào bán ở thang giá cao hơn, chắc chắn diễn biến cạnh tranh sẽ ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêu thụ tại các dự án, nhất là những dự án nằm ở các vị trí không nổi bật và sản phẩm kém cạnh tranh.