Không có chỗ cho tham nhũng ở Đan Mạch
Lần thứ tư liên tiếp, Đan Mạch – vương quốc 5,5 triệu dân – lại dẫn đầu bảng xếp hạng “Những quốc gia minh bạch nhất” trong năm 2015 của Tổ chức Transparency International.
Không có chỗ cho tham nhũng ở Đan Mạch
Lần thứ tư liên tiếp, Đan Mạch – vương quốc 5,5 triệu dân – lại dẫn đầu bảng xếp hạng “Những quốc gia minh bạch nhất” trong năm 2015 của Tổ chức Transparency International.
Người dân Đan Mạch được hưởng nhiều phúc lợi từ một đất nước trong sạch. Họ cũng chính là những người được sống hạnh phúc nhất toàn cầu – Ảnh: AFP |
Vậy mà truyền thông Đan Mạch loan tin này với vẻ… kém phấn khởi vì Đan Mạch “chỉ” được có 91/100 điểm, giảm 1 điểm so với năm trước!
Đan Mạch thành công nhờ có hệ thống tư pháp độc lập với hệ thống chính trị để làm phần việc của mình theo cách đúng đắn |
Tổ chức Transparency International |
Nghiêm lệnh hàng trăm năm trước
Trong năm 2015, tại đất nước Bắc Âu này đã có 15 vụ bê bối về tài chính bị xử phạt hoặc đưa ra ánh sáng, đơn cử như sự kiện Eurovision 2014. Tuy được dư luận quốc tế đánh giá là sự kiện “rất thành công” nhưng Wonderful Copenhagen – đơn vị có nhiệm vụ tổ chức Eurovision 2014 – đã không thực hiện đúng việc bỏ thầu đối với các nhà thầu phụ, có những quyết định sai lầm về địa điểm, khâu tổ chức…
Điều đó khiến chi phí bị đội lên tới 334 triệu kroner (56,7 triệu USD), trở thành kỳ Eurovision đắt thứ hai trong lịch sử cuộc thi này.
Vụ việc bị phanh phui. Lars Bernhard Jørgensen, giám đốc Wonderful Copenhagen, đã phải từ chức và các thành viên hội đồng quản trị tổ chức này bị buộc liên đới bồi thường cho thủ đô Copenhagen 46 triệu kroner (6,68 triệu USD). Xét về mức độ thiệt hại thì vụ việc này nếu xảy ra tại nước khác có lẽ không phải là chuyện quá to tát, nhưng đối với Đan Mạch thì lại khác.
Các nước trong khối Scandinavia đều được đánh giá rất cao về tính minh bạch nhưng điều này không phải tự nhiên mà có. Theo tiến sĩ Mette Frisk Jensen – Đại học Aarhus (Đan Mạch), đây là do quá trình hàng trăm năm chống lại vấn đề lạm dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân.
Từ năm 1660, quốc vương Frederik III đã ban hành sắc lệnh nghiêm trị các quan chức phạm tội tham nhũng, nhận hay đưa hối lộ, gian lận, làm giả chứng từ. Sự kiên quyết của nhà vua đã làm giảm được tình trạng tham nhũng trong quản lý và sau một thời gian áp dụng thì trở thành khuôn khổ cho cả vương quốc (Vương quốc Đan Mạch – Na Uy, từ năm 1524-1814 bao gồm Đan Mạch, Na Uy và Thuỵ Điển).
Cái hay là người dân Đan Mạch đã biết phát huy truyền thống này. Trẻ em từ khi biết nói đã được người lớn dạy là không được chạm vào bất cứ thứ gì không phải của mình và tôn trọng pháp luật. Tại các vùng ngoại ô, nông thôn, người ta vẫn có thói quen đặt những sạp hàng bên đường hay trước cổng, bày bán trái cây, hoa tươi, mật ong… mà không cần người trông coi.
Người mua cứ tự động bỏ tiền vào hộp theo giá niêm yết (tuỳ tổng giá trị hàng hóa mà địa phương sẽ quyết định có thu thuế hay không).
Không có ngoại lệ
Đối với công chúng cũng như báo chí Đan Mạch thì sự minh bạch không có ngoại lệ. Điển hình như nữ hoàng Margrethe đệ nhị, tuy được đại đa số thần dân tôn kính nhưng báo chí vẫn “soi” rất kỹ các khoản chi tiêu của bà và các thành viên hoàng gia.
Trong kỳ bầu cử quốc hội tháng 6-2015, Liên minh các đảng Dân chủ xã hội, Cấp tiến và Nhân dân xã hội của bà Helle Thorning-Schmidt, nữ thủ tướng đầu tiên của Đan Mạch (2011-2015), đã thất bại. Bà Thorning-Schmidt phải từ chức chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội. Một trong những nguyên nhân là bà có một số vấn đề cá nhân, mà ồn ào nhất là chuyện nộp thuế thu nhập của chồng bà – ông Stephen Kinnock.
Ông Stephen Kinnock, con của nguyên chủ tịch Đảng Lao động Anh Lord Kinnock, sống tại Copenhagen với vợ con nhưng làm việc cho Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thuỵ Sĩ). Giữa năm 2010, ông Kinnock bị Bộ Thuế Đan Mạch điều tra vì đã đóng thuế thu nhập cá nhân từ năm 2007-2009 tại Thụy Sĩ (có thuế suất thấp hơn). Theo luật thì ông phải đóng thuế tại Đan Mạch vì thời gian sống ở đây nhiều hơn.
Sự việc này bị báo B.T đưa ra ánh sáng. Một tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử ngày 15-10-2011, báo B.T lại đưa tin bà Thorning-Schmidt đã lạm dụng những khoản khấu trừ thuế để áp dụng cho chồng từ năm 2000-2008, dù ông này không nộp thuế tại Đan Mạch và cũng không có thu nhập tại đây. Khi ông Kinnock bị điều tra, bà Thorning-Schmidt đã nộp lại những khoản tiền được khấu trừ từ năm 2006-2008 (từ năm 2000-2005 thì không phải nộp trả do giới hạn của thời gian trách nhiệm pháp định).
Chuyện trở nên rắc rối vì sau khi bà Thorning-Schmidt trở thành thủ tướng, báo B.T bị cáo buộc là đã vi phạm nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân trong trường hợp các quan chức hoặc chính trị gia liên quan đến Bộ Thuế (Do tại thời điểm báo B.T đưa tin, bà Thorning-Schmidt đang là ứng cử viên thủ tướng nên có khả năng chính phủ đương nhiệm đã cung cấp thông tin cho báo chí để hạ uy tín bà).
Điều này kéo theo các báo khác như Berlingske, Politiken vào cuộc điều tra xem có hay không động cơ chính trị phía sau cũng như sự can thiệp của cả hai chính phủ cũ và mới vào vụ bê bối này.
Do sự việc trở nên quá ầm ĩ, Bộ Tư pháp phải thành lập một uỷ ban điều tra vào tháng 12-2011. Đến tháng 11-2012, khi uỷ ban kết luận các nhà báo và biên tập viên của B.T không phải công khai nguồn thông tin của họ thì mới tạm lắng xuống nhưng uy tín cá nhân của bà Thorning-Schmidt vì thế đã bị ảnh hưởng không ít.
Minh bạch quá cũng khó! Tại Đan Mạch thì chuyện đưa hay nhận hối lộ rất khó xảy ra nên các doanh nghiệp nước này có đầu tư tại nước ngoài rất lúng túng khi gặp phải vấn đề này, nhất là ở các nước đang phát triển. Theo bà Christine Joeke Lobmann – cố vấn trưởng của Hiệp hội Công nghiệp Đan Mạch (Dansk Industri), đó là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Đan Mạch khi họ phải đối mặt với tham nhũng và hối lộ có liên quan đến việc mua sắm công (còn gọi là đấu thầu) và thủ tục hải quan. Bà Lobmann thừa nhận “nếu không có một giải pháp nhất quán và hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề sẽ mất đi một tiềm năng đầu tư khổng lồ”. Minh bạch quá đôi khi cũng khổ! |