Cảnh báo hàng hiệu thể thao nhiễm độc
Tổ chức Greenpeace vừa cảnh báo quần áo và nhiều sản phẩm khác của các thương hiệu nổi tiếng có chứa hợp chất PFC gây hại cho sức khoẻ và môi trường.
Cảnh báo hàng hiệu thể thao nhiễm độc
Tổ chức Greenpeace vừa cảnh báo quần áo và nhiều sản phẩm khác của các thương hiệu nổi tiếng có chứa hợp chất PFC gây hại cho sức khoẻ và môi trường.
Trong đó, nguy hiểm nhất là per/poly-fluorinated chemicals (PFC) – hợp chất được dùng trong công nghiệp với công dụng chống dính và chống thấm nước, thường dùng để sản xuất nhiều loại bao bì.
Theo thông cáo của Greenpeace, PFC có thể gây hại cho sức khoẻ và được tích trữ trong mô. Nhiều nghiên cứu trên động vật cho thấy PFC ảnh hưởng gan và các hoóc môn sinh dục, gây rối loạn nội tiết, làm thay đổi sự phát triển của cơ thể, thậm chí có thể tạo điều kiện cho các khối u phát triển… Đáng lo ngại là hợp chất này rất khó bị phân huỷ nên tồn tại rất lâu trong môi trường, có thể lên đến 50.000 năm và dễ dàng xâm nhập vào chuỗi thức ăn.
90% mẫu thử nhiễm độc
Theo Đài Europe 1, từ tháng 4 – 6.2015, Greenpeace đã khảo sát 8 khu vực núi đồi hoang dã trên thế giới, từ Nga, Trung Quốc đến các dãy Alps ở Tây Âu hay Patagonia ở Nam Mỹ. Tất cả các mẫu tuyết và nước lấy từ những địa điểm này đều nhiễm PFC.
Tình trạng hợp chất này xuất hiện đồng loạt tại những khu vực hoang dã rất ít người qua lại đã gây nhiều nghi vấn và Greenpeace quyết định điều tra sâu hơn. Tổ chức này mua 40 sản phẩm quần áo, giày, lều, ba lô, túi ngủ… của 11 thương hiệu lớn chuyên sản xuất trang phục và dụng cụ dã ngoại, leo núi… gồm Arc’teryx, Blackyak, Columbia, Haglöfs, Jack Wolskin, Mammut, Norrona, Patagonia, Salewa, The North Face và Vaude.
Tất cả đều là hàng chính hãng được Greenpeace mua ở hệ thống phân phối chính thức hoặc trên website bán hàng trực tuyến của những hãng này. Kết quả cho thấy PFC hiện diện trong 36/40 món. Đặc biệt, có đến 18 món chứa PFOA, một dạng PFC chuỗi dài, vốn bị Cơ quan Quản lý hóa chất châu Âu xếp vào loại “cực kỳ đáng lo ngại”.
Trả lời Đài Europe 1, đại diện của Greenpeace cho biết: “PFC được các hãng sản xuất trang phục thể thao ngoài trời dùng trong công nghệ chống thấm, chống bám bụi bẩn. Tuy nhiên, các “đại gia” đã không minh bạch về thông tin. Trên sản phẩm thường không ghi rõ hóa chất dùng trong sản xuất. Thậm chí nhiều hãng còn quảng cáo là không dùng PFC”.
Sau khi Greenpeace công bố nghiên cứu nói trên, tờ Le Devoir dẫn thông cáo của Hãng The North Face cho biết từ nay đến năm 2020 hãng sẽ loại bỏ hoàn toàn PFC ra khỏi quy trình sản xuất. Trước mắt, hãng sẽ thay thế PFC chuỗi dài bằng PFC chuỗi ngắn để giảm nguy cơ gây hại cho sức khoẻ. Một phát ngôn viên của Greenpeace bình luận: “Phản ứng của The North Face là tín hiệu tích cực nhưng việc đặt thời hạn đến tận năm 2020 vẫn gây thất vọng”.
Chiến dịch Detox
Nghiên cứu vừa công bố nằm trong chiến dịch Detox được Greenpeace khởi xướng từ năm 2011 nhằm kêu gọi các hãng thời trang nổi tiếng loại bỏ hoá chất độc hại trong quy trình sản xuất. Trong hơn 4 năm qua, Greenpeace đã nhiều lần thực hiện nghiên cứu để cho thấy quần áo chính hãng của nhiều thương hiệu lớn có chứa chất độc.
Hồi tháng 1.2014, tổ chức này công bố kết quả phân tích 82 sản phẩm may mặc và giày dép dành cho trẻ em của 12 thương hiệu nổi tiếng, bao gồm Adidas, American Apparel, Burberry, C&A, Disney, GAP, H&M, Lining, Nike, Primark, Puma và Uniqlo. Tất cả nhiễm ít nhất một trong số các hợp chất độc hại như nonylphenol ethoxylates (NPE), phthalates, organotins, PFC… NPE là chất tẩy có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng sự tăng trưởng của cơ thể và khả năng sinh sản. Báo cáo công bố sau đó 1 tháng cũng cho thấy quần áo trẻ em của các thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Christian Dior, Hermes… chứa NPE.
Chiến dịch Detox đến nay ít nhiều mang lại kết quả khả quan vì có 18 thương hiệu như Puma, Nike, Adidas, H&M, Burberry… cam kết “giải độc” cho sản phẩm của mình. Nhiều hãng bắt đầu ghi rõ thành phần hoá chất trên nhãn mác và lên kế hoạch cụ thể để thay thế các hoá chất độc hại. Ngoài ra, hồi tháng 7.2015, EU thông qua luật cấm nhập quần áo có chứa NPE. Một số quốc gia như Indonesia, vốn có nhiều cơ sở gia công cho các thương hiệu lớn, cũng đưa NPE vào danh sách cần theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hơn.
Hàng chính hãng không phổ biến tại VN
Trả lời Thanh Niên ngày 2.2, bà Anh Nguyên, đại diện Công ty United Sports chuyên nhập khẩu dụng cụ, quần áo thể thao và phân phối sỉ tại Việt Nam, cho biết những nhãn hàng nói trên không phổ biến tại thị trường Việt Nam và nếu có thì chủ yếu dưới mác “hàng xuất khẩu” hoặc hàng nhái. “Các công ty lớn là đại lý hoặc chuyên nhập quần áo thể thao thường không mặn mà với các thương hiệu này.
Lý do người tiêu dùng Việt chỉ chọn những thương hiệu thời trang thể thao như Nike và Adidas và Việt Nam cũng đang gia công nhiều cho 2 nhãn hàng này. Thị trường châu Âu lại rất chuộng các nhãn hàng như The North Face và Jack Wolfskin, ở Việt Nam có chăng chỉ một số hàng đồ ấm và ba lô của Wolfskin, The North Face…”, bà Anh Nguyên cho biết.
Nguyên Nga
|
Lan Chi