23/12/2024

Iran mua sắm tưng bừng ở châu Âu

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa có chuyến công du và mua sắm lớn nhất tại Ý và Pháp, khiến các bên đều hài lòng.

 

Iran mua sắm tưng bừng ở châu Âu

 

 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa có chuyến công du và mua sắm lớn nhất tại Ý và Pháp, khiến các bên đều hài lòng.

 

 

 

 

Iran mua sắm tưng bừng ở châu Âu
Lãnh đạo Airbus Fabrice Bregier (phải) và lãnh đạo Hãng Iran Air Farhad Parvaresh (trái) ký hợp đồng mua máy bay trước sự chứng kiến của tổng thống Iran và tổng thống Pháp tại điện Élysée ở Paris – Ảnh: Reuters

Theo New York Times, trong bối cảnh châu Âu đang loay hoay tìm kế sách giải cứu nền kinh tế đang trên đà suy thoái do các thị trường trọng yếu là Trung Quốc và Nga đều đang trục trặc, “tay chơi mới” Iran rõ ràng đã mang theo một sức hút không thể cưỡng lại, bất kể những nghi ngại còn tồn đọng.

Các công ty Pháp cần chạy đua tới Iran và không nên để lãng phí chút thời gian nào nữa

PIERRE GATTAZ (chủ tịch Liên đoàn Các giới chủ doanh nghiệp Pháp)

Doanh nghiệp hoan hỉ

Ở Ý và Pháp, ông Rouhani đều được tiếp đón với nghi thức long trọng nhất. Tại Pháp hôm 
28-1, ông được tiếp tại một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của Paris là điện Invalides. Trong cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, người ta đã mời ông bước lên thảm đỏ. Cùng ngày sau đó, ông đã gặp Tổng thống François Hollande 
tại điện Élysée.

Thậm chí để không làm mếch lòng vị “khách sộp”, Chính phủ Pháp đã bỏ rượu ra khỏi thực đơn bữa tiệc mừng, còn chính quyền Rome đã ra lệnh che lại những bức tượng khỏa thân của nước này.

Với tất cả chăm chút đó, mọi sự đã diễn ra cực kỳ suôn sẻ. Theo đó, có lẽ chưa bao giờ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ý và Pháp có thể ký kết được những hợp đồng làm ăn mau chóng đến thế.

Cho tới cuối giờ sáng 28-1, tức gần 24 giờ sau khi ông Rouhani đặt chân đến Pháp, Tập đoàn xe hơi Peugeot Citroën của Pháp đã ký kết được hợp đồng trị giá 400 triệu euro (438 triệu USD) với Tập đoàn xe hơi Khodro của Iran.

Tập đoàn dầu khí Total cũng đã ký kết được hợp đồng mua 150.000 – 200.000 thùng dầu mỗi ngày. Tập đoàn Airbus sẽ bán 118 
máy bay cho Iran.

Ngay cả khi các chuyên gia kinh tế cảnh báo thị trường Iran chưa chắc đã “ngon ăn” như nhiều người kỳ vọng, cũng có thể không phải là lời giải cho bài toán vực dậy nền kinh tế châu Âu đang lao đao nhưng dù thế, sức hút kinh tế từ Iran vẫn rất khó cưỡng.

Tại mọi cuộc mua bán, ông Rouhani đều trực tiếp tham dự.

Còn Thủ tướng Pháp Manuel Valls, đứng bên cạnh ông Rouhani trong cuộc họp với Liên đoàn Các chủ doanh nghiệp Pháp ngày 
28-1, tỏ ra hồ hởi: “Nước Pháp đã sẵn sàng với Iran, sẵn sàng điều động các doanh nghiệp của Pháp, sẵn sàng có các kỹ sư và kỹ thuật viên của Pháp, sẵn sàng nhiều nguồn lực khác để góp sức vào quá trình hiện đại hoá của đất nước ông (Rouhani)”.

Sau đó cùng ngày, khi ông Hollande đón tiếp ông Rouhani, mặc dù nhà lãnh đạo Pháp rõ ràng đã “không cười nổi” sau ngày xảy ra việc các nhóm hoạt động nhân quyền biểu tình phản đối tổng thống Iran tới Paris, nhưng vẫn có khoảng 20 hợp đồng đã được ký kết với sự hiện diện của hai vị nguyên thủ.

Trong đó có những cam kết hợp tác trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp, những hợp đồng mua máy bay, xây dựng 
và dược phẩm.

Hơn cả chuyện kinh tế

Trên thực tế, chuyến công du châu Âu của ông Rouhani, theo phân tích của giới chuyên gia, còn ngầm ẩn những ý nghĩa chính trị và có tính biểu trưng.

Việc ký kết hợp đồng và gặp gỡ các chính trị gia phương Tây đã củng cố vị thế cho phái trung hoà của ông Rouhani trong bối cảnh đương đấu với các thành phần bảo thủ mạnh mẽ tại Iran. Phần lớn những hoạt động đó cho thấy Tổng thống Rouhani đang nắm vai trò chủ động trong quá trình xoay chuyển tình hình kinh 
tế khó khăn của Iran.

Giáo sư kinh tế Fereydoun Khavand của Đại học Paris Descartes nhận định: “Để thoát khỏi thế khó khăn này, chiến lược của ông Rouhani là phải bình thường hoá các quan hệ kinh tế giữa Iran và thế giới. Quan điểm của ông được các tầng lớp trung lưu và thị dân ủng hộ”.

Cũng theo ông Khavand, đoàn công tác châu Âu do ông Rouhani lĩnh xướng đã đại diện cho phe ôn hoà tại Iran và “họ muốn cởi mở, vươn ra với thế giới để đảm bảo sự hội nhập của Iran với nền 
kinh tế toàn cầu”.

Các chuyên gia cũng cho rằng chuyến đi của ông Rouhani là một canh bạc có tính toán nhằm chống lại các thành phần bảo thủ đối lập, nó thể hiện ông Rouhani có quyền lực ý chí chi phối mạnh mẽ trong lực lượng của mình.

Chuyên gia Thierry Coville, Viện Chiến lược và quan hệ quốc tế của Pháp, phân tích: “Các đối thủ của ông ấy nói “ông đã làm suy yếu Iran vì thỏa thuận hạt nhân”. Và ông ấy đáp lại rằng “đường lối chính trị bình thường hoá của tôi đã làm tăng vị thế của Iran trên thế giới”. Ông ấy đang nói với dân chúng Iran rằng “chúng ta đang được coi trọng”. Và tôi nghĩ người dân Iran tin điều đó”.

Về phần mình, trong một phát biểu bày tỏ sự hài lòng về việc được tiếp đón trọng thị, Tổng thống Iran Rouhani đã ca ngợi “một quan hệ mới” với nước Pháp và nói ông muốn “mở ra trang mới” trong quan hệ này.

Chính phủ Iran kiểm soát tới 80% nền kinh tế trong nước. Và với dân số Iran khoảng 80 triệu người, phần lớn là dân số trẻ và đang rất háo hức sau nhiều năm tiêu dùng hàng Trung Quốc giá rẻ, các doanh nghiệp của phương Tây rõ ràng không thể chậm trễ trong công cuộc tiếp cận Cộng hoà Hồi giáo.

D.KIM THOA ([email protected])