23/12/2024

Vui xuân nhưng không quên… chuyện học

Sau bài viết “Nghỉ tết, đừng giao bài tập về nhà” (Tuổi Trẻ ngày 28-1), trang Giáo dục đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc là người trong cuộc xoay quanh câu chuyện này.

 

Vui xuân nhưng không quên… chuyện học

 

 

Sau bài viết “Nghỉ tết, đừng giao bài tập về nhà” (Tuổi Trẻ ngày 28-1), trang Giáo dục đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc là người trong cuộc xoay quanh câu chuyện này.

 

 

 

 

Ngoài sách vở ra, ngày tết các cháu thiếu gì cái để học. Học gói bánh, dọn dẹp nhà cửa, giúp bố mẹ, đến chúc tết họ hàng cũng là học cách cư xử, mạnh dạn trong giao tiếp…

 

 

Trước tết, tôi gọi điện dặn dò các con khi cho cháu về quê, nhớ không mang sách vở về theo nữa. Nhưng con trai tôi nói: “Các cháu đang tuổi học, với lại năm nay cuối cấp rồi, tết cũng phải học, bà ạ”.

Tôi giải thích: “Biết là cuối cấp, nhưng tết các con còn muốn nghỉ ngơi, chúc tết anh em, họ hàng, thì các cháu cũng thèm được xả hơi sau một năm đèn sách vất vả chứ? Đấy, các con coi, cả hai đứa cháu đứa nào cũng mang cặp kính cận, gặp họ hàng cũng chẳng biết chào hỏi ra sao, thì mẹ chẳng hiểu là cha mẹ mà sao các con không xót?”.

Con trai tôi cự cãi: “Nếu tết mà được thoải mái, sau tết các cháu uể oải, ngại học, sẽ không đuổi kịp bạn, bà ơi”.

“Có mấy ngày nghỉ tết, các cháu có cặm cụi học thì cũng chẳng khá thêm được bao nhiêu” – nghe tôi nói thế, con dâu tôi phân bua: “Chồng con nói đúng đấy bà, hầu như nhà nào cũng ép con học kể cả mấy ngày nghỉ tết, vừa quản được con dễ dàng, lại khiến cho các con vào nề nếp kể 
cả trong ngày tết”.

Các con cho rằng để cháu rong chơi gần chục ngày thì sốt ruột lắm. Con dâu tôi còn nói, kể cả cô giáo không giao bài tập thì phụ huynh cũng sẽ giao bài tập riêng cho con mình.

Nghĩ cảnh các cháu học quần quật suốt ngày đêm, đến mấy ngày nghỉ tết cũng không được chơi với ông bà, 
tôi thấy buồn quá.

Không phải chỉ riêng năm nay, mà cảnh này năm nào cũng lặp lại: các cháu về quê ăn tết nhưng vẫn mỗi đứa một balô sách vở, với khối lượng bài tập lớn phải giải quyết trong mấy ngày tết. Thế mà các con tôi xem đó là chuyện thường, vẫn “bình chân như vại” – vui vẻ ăn uống nhậu nhẹt, mặc kệ các cháu lúc nào cũng cắm mặt vào bài vở…

Các cháu cứ hở ra chơi một chút là lại bị cha mẹ la mắng nên lại ngoan ngoãn ngồi vào bàn học. Thấy cảnh này tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Mấy ngày tết ít ỏi, các cháu tôi đâu thể tiến bộ hay học giỏi thêm được bao nhiêu, nếu như không muốn nói là cha mẹ đang giam chân con bên bàn học một cách vô bổ, phí phạm.

Nhớ năm ngoái, các cháu nội muốn được cùng bố mẹ đi chúc tết họ hàng ở quê, vậy mà rốt cuộc vẫn phải ở nhà học vì bài tập chưa làm xong. Còn nhà con gái tôi thì cho con đi theo đấy, nhưng câu cửa miệng lúc nào cũng dọa dẫm: “Chơi đi, lát nữa rồi về 
học cho mẹ”.

Dù tôi thuyết phục kiểu gì, các con tôi vẫn bảo thủ cho rằng tết cũng như ngày thường, trẻ phải học thì mới mong tiến bộ, để không bị quên bài vở.

Thế nên, dù cháu nội tôi đứa lớn học lớp 12, đứa nhỏ học lớp 9 nhưng vẫn lúng túng không biết chào hỏi ra sao với họ hàng: bác lại gọi là chú, cô lại chào là chị. Tôi đã nhắc nhở điều này để các con tỉnh ngộ nhưng vẫn không ăn thua.

Đi chúc tết cũng là cơ hội để mẹ cha giáo dục con, để con hiểu thêm các mối quan hệ họ hàng. Còn vui xuân mà các cháu tôi cứ mang nặng áp lực học tập thì tết có cũng như không. Nhốt con trẻ bên đống sách vở, học miệt mài cả mấy ngày tết, liệu có học khá lên được không?

Chưa tết năm nào chúng con thoát khỏi học cả!

(Thư gửi mẹ)

Mẹ!

Tết, con muốn được cùng cả nhà đi chúc tết, cùng đi chơi, cùng về quê quây quần bên ông bà. Nhưng mẹ bảo: “Vui tết nhưng không được quên nhiệm vụ học tập”.

Thế là cái tết của chị em con chỉ biết có học thôi.

Mẹ còn gọi điện cho cô giáo nhờ cô giao thêm bài tập, để con củng cố kiến thức trong mấy ngày tết. Mặc dù cô giáo từ chối, mẹ vẫn cố tình năn nỉ. Mẹ đưa ra đủ thứ lý do để cô không thể từ chối ý nguyện của mẹ.

Ngay cả khi cô nói: “Chị thật kỳ lạ, phụ huynh khác thì lo lắng khi cô giao bài tập nhiều ngày tết, còn chị thì lại xin thêm bài tập để con làm. Chị có biết làm như vậy là chúng ta đã đánh cắp những ngày tết cổ truyền vui vẻ của con hay không?”.

Cô giáo nói thế nào mẹ cũng bỏ ngoài tai. Với mẹ thì con có thêm bài tập để làm, nghĩa là tết đó không bị bỏ phí thời gian. Mặc kệ những tiếng thở dài của con, mặc kệ lời phản đối của bố, mẹ vẫn giữ nguyên quan điểm “học ngày học đêm, học tết học hè còn chẳng ăn ai, huống hồ chơi thả ga”.

Tết năm nào cũng vậy, chị em con chỉ biết lủi thủi một mình ở nhà làm bạn với đống sách vở là vì thế.

Hôm qua mẹ còn khoe: “Mẹ vừa gọi điện cho cô Yến dạy toán và cô Linh dạy lý của con rồi. Cô sẽ giao thêm bài tập để mấy hôm tới nghỉ tết con luyện thêm. Môn toán và lý là hai môn con học yếu nhất, nên phải chịu khó con ạ”.

Con ỉu xìu. Mẹ biết thế nên vỗ vai: “Mẹ cũng muốn con được nghỉ ngơi nhưng con thấy đấy, so với các bạn trong lớp, con học toán và lý gần như kém hơn 
hẳn. Mẹ là mẹ lo cho con”.

Con ậm ừ, khe khẽ cất tiếng dạ yếu ớt trong cổ họng, lại nghĩ đến viễn cảnh tết gồng mình với đống bài vở cô giao. Bao dự định về quê ăn tết với ông bà nội lại bị phá sản hoàn toàn.

Mẹ an ủi: “Chơi mấy ngày tết chả bõ bèn gì so với tương lai của con. Tết năm nay không được ăn ngon miệng thì tết năm sau, lo gì hả con?”.

Mẹ nói thế nhưng mẹ cũng thừa biết là với mẹ, chuyện học luôn được đặt lên hàng đầu, tết năm nào chẳng giống năm nào. Sẽ là cảnh chị em con chăm chỉ làm bài tập, sẽ là những câu nói quen thuộc của mẹ: “Các con cứ học đi, tết năm sau mẹ bù”.

Có bao cái tết mẹ hứa, nhưng rồi chẳng năm nào chúng con được thoát khỏi nhiệm vụ học cả.

QUANG HƯNG

MINH THÁI