Dự giờ là… diễn kịch?
Thời gian diễn ra tiết dự giờ, cả thầy và trò hầu hết luôn cảm thấy căng thẳng như đang… trình diễn, khiến những tiết học này khác xa với giờ học bình thường.
Dự giờ là… diễn kịch?
Thời gian diễn ra tiết dự giờ, cả thầy và trò hầu hết luôn cảm thấy căng thẳng như đang… trình diễn, khiến những tiết học này khác xa với giờ học bình thường.
Đề nghị học sinh “quậy phá” nghỉ học
Bà Trần Thị Quế (giáo viên (GV) môn hoá một trường THPT ở Q.10, TP.HCM) cho biết theo quy định hằng năm mỗi GV đều phải thực hiện những tiết dạy để trường dự giờ, qua đó đánh giá năng lực chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá GV trong suốt cả năm học. Vì vậy, hầu hết GV khá chăm chút cho những giờ dạy này, dặn dò học sinh (HS) kỹ lưỡng. Bản thân GV cũng tập dượt trước làm cho tiết dự giờ khác xa với những tiết học bình thường.
Bà Quế cho biết thêm, theo quy định thông thường, mỗi năm GV phải thực hiện khoảng dưới 10 tiết dự giờ. Tuy nhiên, nhiều GV “bị” dự giờ 20 tiết, thậm chí hơn. Có GV còn so sánh tiết dự giờ giống như khi nhà có khách, ba mẹ thường không la lối con em mình. Nội dung dạy và học cũng có khác.
Tiết dự giờ thường được báo trước nên GV có thời gian chuẩn bị khá kỹ. Nguyễn Thị Thanh (dạy văn ở Bình Dương) cho biết: “Khi nhận được thông báo dự giờ, GV sẽ biết tiết này thuộc bài nào. Sau đó đẩy bài đó lên học trước. Đồng thời dặn dò HS chuẩn bị bài thật kỹ và chỉ định những HS ngoan, giỏi trong lớp phát biểu xây dựng bài. Thậm chí có GV còn đặt sẵn câu hỏi và soạn câu trả lời đưa HS học thuộc trước”. Bà Thanh nói rõ hơn: “Những tiết học bình thường có thể không có nhiều hoạt động nhóm nhưng khi dự giờ thì buộc phải có. Để tránh sự lúng túng, chúng tôi thường công bố chủ đề trước để HS chuẩn bị, đồng thời tìm luôn đáp án cho HS để đảm bảo an toàn”.
Nhiều GV còn đề nghị phụ huynh của những HS thường xuyên quậy phá cho con nghỉ học khi tới tiết dự giờ. “Khi đón con, tôi được cô giáo dặn mai phụ huynh cho cháu ở nhà giúp cô nhé. Vì mai có tiết dự giờ mà bé quậy quá sợ làm ảnh hưởng tới giờ dạy và các bạn khác…”, ông H., phụ huynh có con học Trường tiểu học Lam Sơn Q.5 (TP.HCM), buồn bã nói.
Đứng trước thực tế này, bà Bùi Thị Thùy Linh (GV môn tiếng Anh Trường THCS Thổ Tang, Vĩnh Phúc) lo ngại: “Khi học theo kiểu đối phó, HS sẽ quen với cách dối trá và nghĩ rằng đã phát biểu là phải đúng, phải chính xác, từ đó ngại phát biểu vì tâm lý sợ sai và mất dần sự tự tin, điều mà ngành giáo dục đang cố gắng bồi đắp cho các em”.
“Sốc” khi dự giờ đột xuất
Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến đặt vấn đề nếu tiết dự giờ không phản ánh đúng thực chất thì liệu có nên duy trì?
Ông Phan Văn Quang, Tổ trưởng Tổ phổ thông, Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình (TP.HCM), xác nhận: “Việc GV trình diễn trong tiết dự giờ là có. Hiện nay, việc dự giờ được xem là hoạt động mang tính kiểm tra nội bộ được giao cho trường tự tổ chức nên phụ thuộc vào cách làm của ban giám hiệu tại các trường”. Ông Quang cho biết thêm trong năm 2015 Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình thực hiện kiểm tra dự giờ đột xuất theo chủ trương của Sở GD-ĐT nhưng khi thực hiện thì gặp phải phản ứng từ phía GV. Nhiều người còn cho rằng việc kiểm tra đột xuất là quá đáng và làm họ bị “sốc”. Chính vì thế, hiện tại việc dự giờ đột xuất chưa mang tính bắt buộc mà khuyến khích là chính.
Ông Quang cho rằng đến năm 2018 khi học theo chương trình sách giáo khoa mới sẽ đưa ra những phương pháp đánh giá chất lượng dạy và học theo kiểu mới. Từ đó, hy vọng việc dạy và học sẽ tương tác sát thực tế hơn.
Ông Nguyễn Bá Hải, Phó giám đốc Trung tâm GDTX Q.10 (TP.HCM), cho rằng: “Hoạt động dự giờ có vai trò quan trọng, là một trong những cách truyền thống để đánh giá năng lực chuyên môn của GV. Tuy nhiên, với những tiết dự giờ nặng về hình thức, không phản ánh đúng thực tế giờ dạy thì cần phải có hướng thay đổi để hoạt động này đạt được hiệu quả thật sự”.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng dự giờ nhắm vào việc đánh giá sẽ khiến GV bối rối, căng thẳng, nên hoạt động này cần phải bám vào đối tượng HS là chính, để giảm áp lực cho GV và tiết dự giờ sẽ không còn quá căng thẳng nữa.
Theo ông Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (Cần Thơ), các tiết dự giờ không nên quá dàn trải hay tổ chức hình thức như hiện nay mà chỉ nên nhắm vào GV cụ thể. Trong quá trình quản lý, nếu nhận thấy ai cần phải thanh tra dự giờ thì chỉ nên tập trung vào những GV ấy. Trường cũng sẽ giảm áp lực đánh giá GV. Còn GV cũng có thời gian để tập trung cho chuyên môn hơn.
Thực tế này cho thấy cần có sự thay đổi trong cách đánh giá GV. Cụ thể, thay vì dự giờ thì có thể trực tiếp kiểm tra trình độ của một số HS bất kỳ trong lớp, so sánh với kết quả học tập trong sổ học bạ trước đó. Ngoài ra, có thể đánh giá GV dựa trên các phiếu điều tra mức độ yêu thích môn học, sự hứng thú của HS trong các tiết học cụ thể. Từ đó sẽ giảm những hoạt động chỉ mang tính hình thức như tiết dự giờ lâu nay.
Lam Ngọc