Trong khi nhiều phụ nữ Philippines đến TP.HCM đi chợ, nấu cơm… và lãnh lương rất cao thì nhiều người VN vẫn còn mang nặng tâm lý ‘ở đợ’ để ‘không bén mảng’ tới nghề chân chính và đang ‘hót’ này.
Đào tạo ‘người giúp việc kiểu mẫu’
Trong khi nhiều phụ nữ Philippines đến TP.HCM đi chợ, nấu cơm… và lãnh lương rất cao thì nhiều người VN vẫn còn mang nặng tâm lý ‘ở đợ’ để ‘không bén mảng’ tới nghề chân chính và đang ‘hót’ này.
Bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng, nhìn nhận do thị trường giúp việc nhà quá thiếu nhân lực nên nhiều lúc người làm thiếu kỹ năng, chủ nhà cũng phải nhận. Từ đây có thể dẫn tới nhiều chuyện như người giúp việc bị chủ nhà lạm dụng tình dục, đánh đập, mắng chửi hay ngược lại là trộm cắp của gia chủ.
Bỏ ngay tâm lý “ở đợ”
Theo Thanh Ni, một người giúp việc nhà VN đang làm cho chủ người Âu, Mỹ tại khu Thảo Điền (Q.2), ở khu vực này rất đông người Philippines sang làm nghề giúp việc nhà. “Họ có nhiều ưu thế hơn người VN vì được đào tạo chuyên nghiệp về các kỹ năng, biết sử dụng các thiết bị hiện đại, nói tiếng Anh, giao tiếp dễ dàng với chủ nhà. Đặc biệt, người Philippines đã quen nấu các món ăn Âu, Mỹ nên rất thành thạo, là lợi thế cạnh tranh lớn với lao động giúp việc người VN”, Thanh Ni nói.
“Người lao động cần được đào tạo, được trang bị kiến thức về luật pháp để hiểu được vị trí của mình không phải là ở đợ. Về phía người sử dụng lao động cũng cần phải có tinh thần sử dụng lao động đúng đắn hơn, khi tuyển người giúp việc nên xem xét về chứng chỉ, bằng cấp của họ. Có như vậy, nghề này mới trở nên chuyên nghiệp hơn được”, bà Tâm nói.
Ông Đỗ Thanh Vân, Giám đốc cơ sở 2 – Trường cao đẳng nghề TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM), cũng nhận định các nước như Philippines có đội ngũ lao động giúp việc nhà rất chuyên nghiệp, được đào tạo đầy đủ các kỹ năng về làm việc nhà, chăm sóc người già, trẻ em… Vì vậy, khi họ qua VN làm nghề này được trả mức lương rất cao. “VN nên tổ chức các lớp đào tạo nghề giúp việc rộng rãi và chuyên nghiệp hơn. Sau khi xong lớp đào tạo, người lao động được cấp chứng chỉ đào tạo hẳn hoi thì chắc chắn họ ra làm việc sẽ chuyên nghiệp, gia chủ sẽ yên tâm và lương cũng sẽ cao hơn”, ông Hiền nói.
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (CFCD) năm 2015, 90% người giúp việc gia đình ở VN chưa được đào tạo nghề và chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Đây là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhiều mâu thuẫn với gia đình nhà chủ trong quá trình làm việc.
Các tổ chức chuyên về việc làm tại VN cũng thừa nhận sự thua sút của lao động giúp việc nhà trong nước với lao động nước ngoài hiện nay. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhìn nhận lao động Philippines, Malaysia đang chiếm thị phần ngày càng cao trong nghề giúp việc nhà tại các gia đình nước ngoài. “Những lao động này chuyên nghiệp hơn, sử dụng được hết máy móc thiết bị, biết kiềm chế lòng tham, biết nắm bắt tâm tư tình cảm của chủ, xử lý quan hệ gia đình tốt. Quan trọng nhất là họ quan tâm hợp đồng làm việc, thực hiện đúng pháp luật. Trong khi lao động VN đôi khi cứ thấy gia đình khác trả lương cao hơn là tự ý nghỉ việc để qua nhà khác làm, gây mất lòng tin đối với chủ nhà”, ông Tuấn nói.
“Hầu hết người lao động vẫn chưa xác định đây là một nghề nên chưa đầu tư đúng mức cho công việc của mình, thậm chí họ chỉ xem như là một việc làm tạm thời, hay nhảy việc, kén việc”, bà Huyền Tôn Nữ Kim Phụng, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm – Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên TP.HCM, “đúc kết”.
Dạy kỹ năng đảm việc nhà miễn phí
Trong bối cảnh thiếu thốn nơi đào tạo chuyên nghiệp, một số chủ đầu tư về nhà ở đã tự làm việc này, nhằm tạo ra lực lượng giúp việc nhà chuyên nghiệp hơn. Điển hình, từ đầu năm 2016, hệ thống căn hộ và biệt thự Vinhomes (Tập đoàn Vingroup) đã công bố chương trình đào tạo “Người giúp việc kiểu mẫu” tổ chức miễn phí dành cho cộng đồng cư dân nơi đây. Bên cạnh các buổi chia sẻ và hướng dẫn ứng xử văn hoá tại khu đô thị, tại lớp “Kỹ năng đảm việc nhà”, các chuyên gia về giặt ủi, dọn phòng, chăm sóc sức khoẻ trẻ em và người cao tuổi sẽ trực tiếp đứng lớp để phổ biến các nghiệp vụ về chăm sóc và dọn dẹp nhà cửa.
Theo bà Phạm Ngọc Hiền, Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm – Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM, bản thân mỗi đơn vị giới thiệu việc làm cũng cần chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, trong phạm vi của mình, năm 2016 trung tâm sẽ đẩy mạnh việc mở các khoá đào tạo tại mỗi quận, huyện. Các khoá này sẽ dựa trên khảo sát nhu cầu thật sự, qua đó đáp ứng những điều người giúp việc tại địa phương cần nhất.
“Nhưng quan trọng nhất là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức rằng đây là một nghề chính thức, được công nhận như nhiều nghề khác, người lao động có đủ quyền lợi, được pháp luật bảo vệ. Quan hệ của họ với chủ nhà là quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động, chứ không phải là ở đợ như bao năm qua người ta vẫn nghĩ”, bà Hiền nói.