Ngoại trưởng Mỹ đến Lào
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du Đông Á với chặng dừng chân đầu tiên ở Lào.
Ngoại trưởng Mỹ đến Lào
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du Đông Á với chặng dừng chân đầu tiên ở Lào.
Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm Sứ quán Mỹ ở Rihadhad (Saudi Arabia) ngày 24-1 – Ảnh: Reuters |
Ông Kerry đến thăm nước đóng vai trò chủ tịch ASEAN năm 2016 sau khi dự Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos (Thuỵ Sĩ) và ghé thăm Saudi Arabia ngày 24-1.
Theo lịch trình của chuyến công du mang tính “rượt đuổi” này, ông Kerry ghé thăm Lào rồi đến Campuchia trong ngày 25-1 và tiếp tục đến Bắc Kinh ngày 27-1 để hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tại Vientiane, ông Kerry kêu gọi sự đoàn kết trong khối ASEAN trước những đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông. Một quan chức giấu tên nói với Hãng tin Reuters: “Kỳ vọng của tôi rằng Lào sẽ là một nước chủ tịch ASEAN có trách nhiệm trong năm 2016”.
Trong chuyến công du đến Lào, ông Kerry cùng thảo luận với Vientiane về việc tăng viện trợ của Mỹ, bao gồm cả việc tài trợ cho công tác phá huỷ bom mìn của Mỹ còn sót lại từ thời chiến tranh. Ông có cuộc gặp với Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith.
Trong các chủ đề thảo luận có cả một hội nghị cấp cao đặc biệt giữa 10 nước ASEAN với Mỹ vào giữa tháng 2 ở California (Mỹ). “Washington khẳng định sự ủng hộ dành cho Lào với tư cách là nước chủ tịch ASEAN năm nay và bày tỏ sự quan tâm của Mỹ đối với việc thắt chặt quan hệ song phương” – tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ thăm Lào cuối năm nay khi nước này tổ chức hội nghị ASEAN. Đây sẽ là chuyến thăm Lào đầu tiên của một tổng thống Mỹ. Quan hệ giữa Lào và Mỹ được nói đã cải thiện trong nhiệm kỳ của ông Obama.
Trong chuyến thăm đến Campuchia hôm nay 25-1, ông Kerry sẽ gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Bộ trưởng Ngoại giao Hor Nam Hong.
Ở Bắc Kinh, ông Kerry dự kiến gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng cần có một mặt trận thống nhất trong việc đáp lại vụ thử bom vừa qua của CHDCND Triều Tiên thông qua các vòng cấm vận bổ sung của Liên Hiệp Quốc và một phản ứng cứng rắn, đơn phương từ phía Trung Quốc, đồng minh chính và láng giềng của Bình Nhưỡng.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ đi cùng ông Kerry nói: “Điều quan trọng là phải đưa ra được một mặt trận thống nhất nhưng mặt trận này phải là một thứ chắc chắn chứ không phải cái gì đó èo uột”. Quan chức giấu tên này nói điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc phải nỗ lực nhiều hơn: “Mặc dù Chính phủ Trung Quốc có nỗ lực và sự quyết đoán nhưng rõ ràng họ có thể làm nhiều hơn thế” .
Tại Bắc Kinh, ông Kerry cũng dự định sẽ có cuộc thảo luận sâu về vấn đề Biển Đông, vốn đang làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước ASEAN và Mỹ sau khi Bắc Kinh xây dựng trái phép các đảo nhân tạo.
Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ thảo luận chiến lược Ngày 22-1, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel cho biết hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á dự kiến diễn ra tại Sunnylands, bang California (Mỹ) trong hai ngày 15 và 16-2, dù không mang tính chính thức song sẽ là “cuộc thảo luận chiến lược” với trọng tâm thúc đẩy sự đổi mới và tinh thần kinh doanh ở vành đai Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, ông Russel nhấn mạnh tại hội nghị cấp cao tới “các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cách thức thúc đẩy hội nhập trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN mới, đề cập đến thương mại và đầu tư cũng như cách thức hợp tác để thúc đẩy sự đổi mới và tinh thần kinh doanh, những lĩnh vực có thể mang lại cơ hội và sự thịnh vượng cho vành đai Thái Bình Dương”. Trao đổi với báo giới, ông Russel cho rằng hội nghị lần đầu tiên được Mỹ đăng cai dành cho các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ được tổ chức theo kiểu không chính thức để khuyến khích các cuộc thảo luận mang tính chiến lược và cởi mở, khác với kiểu hội nghị ngoại giao thông thường với chương trình nghị sự chặt chẽ. Theo ông, hình thức hội nghị như vậy phản ánh “mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ mà Tổng thống Obama đã xây dựng được với mỗi nhà lãnh đạo” của ASEAN, và đây là kết quả của nỗ lực vươn tới châu Á của tổng thống Mỹ. Đối với vấn đề Biển Đông, trợ lý ngoại trưởng Mỹ kêu gọi tất cả các bên liên quan giảm bớt căng thẳng tại đây; kêu gọi các bên làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình theo luật pháp quốc tế; đồng thời sử dụng các cơ chế ngoại giao và luật pháp để giải quyết tranh chấp. |