Thế nào là thành phố đáng sống ?
Sau nhiều năm được mệnh danh là ‘Thành phố đáng sống’, lần đầu tiên Đà Nẵng khởi xướng, kêu gọi xây dựng bộ tiêu chí để định vị ‘thế nào là đáng sống’…
Thế nào là thành phố đáng sống ?
Cầu Rồng, một trong những biểu trưng của Đà Nẵng ẢNH: KHẢ HOÀ
Đà Nẵng lung linh về đêm ẢNH: HOÀNG SƠN |
Ngược lại, theo ông Huỳnh Phước, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP, nếu xây dựng TP phát triển bền vững thì Đà Nẵng không có gì đặc thù. “Xây dựng “TP đáng sống” là ước vọng của lãnh đạo và hiện cũng là của người dân. Đó là một ước vọng thành khát vọng. Bạn bè của tôi khi đến đây, người ta thừa nhận được tính trội của Đà Nẵng so với TP khác. Cho nên, xác định để đạt được về môi trường, hạ tầng và nhất là xây dựng về hành vi văn hoá của người dân để ai cũng thấy đáng sống. “TP đáng sống” đã có từ thời anh Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy) và nhiều người nhìn nhận đó là diện mạo riêng của TP. Tôi nghĩ cần phải củng cố và phát triển”, ông Phước nhấn mạnh.
Đoàn xe Tổng thống Mỹ Donald Trump qua cầu Rồng – biểu tượng của Đà Nẵng trong sự kiện APEC 2017
ẢNH: HOÀNG SƠN
|
Dân lắp hơn 100 camera phục vụ du lịch, an ninh
Ngày 31.3, anh Trần Hữu Đức Nhật, Trưởng nhóm dự án Phát triển Đà Nẵng (tập hợp những cá nhân yêu TP.Đà Nẵng), cho biết sau gần 3 năm triển khai, đến nay nhóm đã lắp đặt hơn 100 camera tại các địa điểm công cộng. Theo anh Nhật, camera giám sát được lắp đặt tại những điểm tham quan du lịch, danh lam thắng cảnh, những góc quan sát đẹp của TP, như cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, bãi biển Mỹ Khê… “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi khi lắp camera đó là phục vụ du lịch. Người dân có thể xem thời tiết các địa điểm mình muốn đến hoặc đôi khi là nhìn ngắm TP. Dần dần camera giám sát còn góp phần chấn chỉnh ý thức, đôi khi chỉ từ các hành vi văn hóa nhỏ như xả rác nơi công cộng, tham gia giao thông nghiêm chỉnh hơn. Nhiều vụ mất cắp tài sản, tai nạn giao thông đã được lực lượng chức năng xử lý, nhanh chóng tìm được nguyên nhân nhờ hình ảnh camera”, anh Nhật nói và cho biết nhóm đã tích hợp số điện thoại vào mỗi camera, khi phát hiện các vụ việc bất thường, người dân có thể thông qua số điện thoại này để báo cho ngành chức năng.
|
Ý KIẾN
“Đáng sống” với tất cả cộng đồng
“Đáng sống” thì không có chuẩn mực chung và mỗi cộng đồng sẽ có những chuẩn mực riêng. Vì thế, thành lập một “TP đáng sống” thì trước tiên phải xác định tiềm năng phát triển cộng đồng, như cộng đồng người Đà Nẵng, người nhập cư từ Hà Nội, TP.HCM, cộng đồng của những người nước ngoài làm việc tại TP như Bắc Mỹ, Úc… Mỗi cộng đồng sẽ có nhu cầu riêng, và phát triển đô thị đáng sống thì phải đáp ứng nhu cầu của họ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Mỗi cộng đồng có những bản sắc riêng nhưng nằm trong một tổng thể chung là đô thị đáng sống của Đà Nẵng, với mục đích là phát triển một Đà Nẵng đa bản sắc. Bản sắc trọng tâm chắc chắn là của Đà Nẵng nhưng phải có những bản sắc khác cũng cần được tạo điều kiện.
Đáng sống không chỉ là phương tiện, hạ tầng cũng không phải là quản lý mà quan trọng nhất là sự đóng góp của người dân. Đà Nẵng là mảnh “đất lành chim đậu” và người dân đến sinh sống ngày càng đông. Hiện nay, các cộng đồng đa bản sắc vẫn chưa hình thành cụ thể và vẫn phân tán. Trong quy hoạch tương lai cần tạo điều kiện cho những nhóm dân cư, đáp ứng nhu cầu sống dân cư, gia tăng bản sắc cho Đà Nẵng và hiệu quả kinh tế…
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn
Người nghèo cần được quan tâm hơn
Sau 20 năm chia tách tỉnh, TP.Đà Nẵng đã phát triển và cũng “đáng sống” lắm. Từ chỗ có hàng loạt nhà chồ nhếch nhác thì đến nay đã có diện mạo TP hiện đại. Thế nhưng đời sống người lao động nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Hằng ngày, vợ chồng tôi ngồi ngay đường Yên Bái và Trần Quốc Toản để mưu sinh. Tôi chạy xe ôm, vợ tôi bán hàng. Thu nhập mỗi ngày chỉ 200.000 đồng. Nghề xe ôm truyền thống giờ lắm vất vả vì cạnh tranh quyết liệt. Tôi muốn chuyển đổi nghề cũng khó vì tuổi cao. Tôi cũng mong lãnh đạo TP để phát triển “TP đáng sống” thì cần quan tâm hơn việc chuyển đổi nghề cho người dân, để có thu nhập tốt hơn.
Tôi mong muốn lãnh đạo TP quan tâm hơn đến lao động nghèo để Đà Nẵng đều đáng sống với tất cả mọi người chứ không riêng gì người có điều kiện, du khách…
Ông Trần Văn Tình, chạy xe ôm ở Đà Nẵng
|
TP.HCM hướng tới chất lượng sống tốt, nghĩa tình
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về Bộ tiêu chí TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình (gọi tắt là bộ tiêu chí).
Theo đó, bộ tiêu chí gồm 6 nhóm nội dung, 25 tiêu chí (chỉ tiêu), 129 tiêu chí thành phần (chỉ tiêu thành phần). Trong đó, nhóm nội dung chính trị và quản lý nhà nước gồm 5 tiêu chí và 25 tiêu chí thành phần: xây dựng chính quyền kiến tạo; cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo cuộc sống an toàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể và hiệp hội; nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác hữu nghị.
Nhóm kinh tế gồm 5 tiêu chí và 24 tiêu chí thành phần: tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại; phát huy nguồn lực đầu tư từ phía người dân; hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; tạo nhiều việc làm có chất lượng.
Nhóm văn hóa và xã hội gồm 5 tiêu chí và 29 tiêu chí thành phần: xây dựng lối sống văn minh đô thị; tạo lập nhiều không gian văn hoá; giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; phát triển thông tin và truyền thông hướng đến đô thị thông minh; phát triển thể dục thể thao. Nhóm y tế và giáo dục gồm 4 tiêu chí và 22 tiêu chí thành phần: trung tâm y tế chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe người dân; hiện đại hoá cơ sở vật chất ngành giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhóm đô thị và môi trường gồm 3 tiêu chí và 20 tiêu chí thành phần: quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị; quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ tốt môi trường.
Nhóm nghĩa tình gồm 3 tiêu chí và 9 tiêu chí thành phần: thực hiện tốt các chính sách xã hội; hoạt động tương thân, tương trợ; tinh thần hào sảng, nghĩa hiệp, nhân hậu, dễ mến của người dân TP.HCM.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, bộ tiêu chí thể hiện tính hội nhập và phát triển, nhấn mạnh quan điểm phát triển vì cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nội hàm TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại có thể so sánh với hệ thống chung về TP sống tốt của các đô thị phát triển trên thế giới, còn nội hàm nghĩa tình là nét đặc trưng riêng của TP.HCM, mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hoá của người VN nói chung và TP.HCM nói riêng.
Văn phòng UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục thu thập ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, người dân để hoàn chỉnh bộ tiêu chí với tầm nhìn chiến lược dài hạn, góp phần tạo lập một đô thị lớn theo tiêu chuẩn VN nhưng có tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới và vươn lên ngang tầm các đô thị hiện đại trong khu vực. Khi bộ tiêu chí được thông qua, TP triển khai thực hiện tiêu chí cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.
Đình Phú
|
HOÀNG SƠN