24/12/2024

Làm nông trên phố: Vườn rau, ao cá trên không

Người dân thành phố đang có phong trào làm vườn để tự cung cấp rau sạch nhằm đối phó với vấn đề thực phẩm mất an toàn hiện nay.

 

Làm nông trên phố: Vườn rau, ao cá trên không

 

 

Người dân thành phố đang có phong trào làm vườn để tự cung cấp rau sạch nhằm đối phó với vấn đề thực phẩm mất an toàn hiện nay.





Chị Nguyễn Thị Thu Hiền tại vườn nhà - Ảnh: Đ.N.Thạch

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền tại vườn nhà – Ảnh: Đ.N.Thạch


Chị Nguyễn Thị Thu Hiền ở Q.10, TP.HCM vừa dẫn chúng tôi lên sân thượng tham quan vườn rau, ao cá vừa khoe mới thu hoạch một đợt dưa leo trái to, dài, suôn đẹp lắm. Dù vừa thu hoạch nhưng tại vườn vẫn còn lại một trái dài khoảng gang tay và to như loại người ta thường bán ở chợ. Ngoài dưa leo, chị còn trồng thêm nhiều loại rau như xà lách, rau muống, mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt, rau thơm… Ở vườn phía sau, một giàn mướp xanh tốt có chừng hơn chục trái lớn nhỏ đung đưa trong gió. Phía dưới giàn mướp là kệ trồng rau được đặt cao hơn so với mặt sàn chừng 1,5 m và dưới kệ rau là hồ nuôi các loài nước ngọt như cá rô, cá lóc, cá trê, rô phi… Nước trong hồ cá có hệ thống bơm dùng để tưới rau, nước tưới rau sau đó được “thu gom” trả về hồ cá. Đây là một hệ thống vòng tròn khép kín.
Rau hữu cơ nhà trồng
Chị Hiền cho biết do có con nhỏ nên mua rau ở ngoài chị không yên tâm. Sau khi tìm hiểu một số mô hình trồng rau hữu cơ tại nhà, hồi tháng 8 năm ngoái, chị đầu tư cùng lúc 2 hệ thống vừa hồ cá, vừa kệ trồng với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng. “Chi phí đầu tư ban đầu có cao nhưng đổi lại mình yên tâm. Bây giờ 3 đứa nhỏ nhà tôi chỉ ăn rau hữu cơ nhà trồng thôi”, chị hào hứng nói.
Chúng tôi đến thăm vườn của anh Đặng Quốc Văn, P.An Lạc A, Q.Bình Tân (TP.HCM) tròn một tháng ngày anh lập vườn. Những cọng rau muống đã cao bằng hai gang tay, xanh mượt, óng ả. Các loại cải xanh, cải ngọt, xà lách… bé hơn một chút nhưng cũng mơn mởn nhìn mướt mắt. Mấy dây bầu, bí đã được nửa mét bắt đầu trổ những bông đầu tiên. Anh Văn cho biết đầu tư giàn trồng rau này hơn 20 triệu đồng. “Rau chưa ăn được lần nào nhưng từ khi đầu tư hệ thống trồng rau nuôi cá này mình thấy có nhiều cái lợi về mặt tinh thần. Thứ nhất sân thượng trước đây rất nóng nhưng giờ cũng mát mẻ. Thứ hai, qua vườn rau này có thể dạy 2 đứa con các kiến thức về tự nhiên, quá trình sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật”, anh Văn nói và cho biết các con anh được giao nhiệm vụ mỗi sáng phải cho cá ăn, theo dõi sâu bệnh cho vườn rau. “Sáng nào chúng cũng cho cá ăn và thăm vườn rau trước khi đi học. Tối trước khi đi ngủ cũng soi đèn pin thăm cá. Qua đó tôi muốn dạy chúng tinh thần trách nhiệm đối với gia đình”, anh Văn tâm sự.
Trồng đơn giản
Mô hình trồng rau, nuôi cá có nhiều ưu điểm so với các hình thức khác là vừa thu hoạch được rau vừa được cá. Những người có kinh nghiệm cho biết, mô hình này ít tốn công chăm sóc. Hệ thống này có nhiều công ty cung cấp, có đủ các kích cỡ tuỳ không gian của mỗi gia đình. Sau khi được lắp đặt chỉ cần gieo hạt giống chờ thêm 3 – 4 tuần là bắt đầu cho thu hoạch. Nước được tưới tự động theo chế độ hẹn giờ. Nước từ hồ cá sẽ được bơm lên các kệ trồng rau và lượng nước thừa được hệ thống thu gom xử lý trả lại hồ cá, tạo thành một vòng tròn khép kín, nước không thoát ra khỏi hệ thống.
Công việc cần thiết nhất chính là mỗi ngày cho cá ăn từ 1 đến 2 lần. Ngoài ra, để rau tươi tốt hơn có thể dùng các chế phẩm sinh học để bổ sung dinh dưỡng cho cây với liều lượng thích hợp. Đối với các loại rau có thể gieo hạt với mật độ cao sau đó tỉa những cây phát triển tốt thu hoạch dần. Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân hoá học sẽ ảnh hưởng đến cá. Nếu rau bị sâu bệnh có thể dùng các chế phẩm sinh học theo hướng dẫn.

Chí Nhân