27/12/2024

Giàu lên từ nuôi cá lồng bè trên biển

Hơn chục năm nay, nhiều hộ dân ở thôn Hải Minh, P.Hải Cảng (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã thay đổi đời sống kinh tế gia đình nhờ việc nuôi cá lồng bè trên biển.

 

Giàu lên từ nuôi cá lồng bè trên biển

 

Hơn chục năm nay, nhiều hộ dân ở thôn Hải Minh, P.Hải Cảng (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã thay đổi đời sống kinh tế gia đình nhờ việc nuôi cá lồng bè trên biển.





Ông Nguyễn Văn Điện cho cá ăn – Ảnh: Tiến Huy


Công việc này đã đem lại thu nhập ổn định, giải quyết được công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Theo ông Trương Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Ngư dân P.Hải Cảng, trước đây khi chưa nuôi cá lồng bè trên biển, bà con ở thôn Hải Minh chủ yếu sống bằng nghề khai thác san hô. Sau đó, nghề này bị cấm do ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên cũng như làm cạn kiệt hệ sinh thái biển nên bà con chuyển dần qua việc nuôi trồng thuỷ sản. Các loại cá đang được nuôi nhiều nhất ở các lồng bè của ngư dân là cá mú, cá bớp, cá chim, cá chẽm, cá hồng… cho sản lượng và giá thành cao.



Giàu lên từ nuôi cá lồng bè trên biển - ảnh 1
Nếu thời tiết và nguồn nước thuận lợi, mỗi năm việc nuôi cá có thể cho thu nhập 100 – 150 triệu đồng. Mỗi ngày, người nuôi chỉ phải cho cá ăn một lần vào buổi sáng, thời gian còn lại họ có thể kiếm thêm thu nhập từ công việc khác
Giàu lên từ nuôi cá lồng bè trên biển - ảnh 2

Người nuôi cá ở thôn Hải Minh

Hiện nay, ở thôn Hải Minh có tất cả 86 hộ nuôi cá lồng bè với hơn 1 ha diện tích mặt nước, gồm 176 bè. Vốn ban đầu tuỳ theo khả năng của từng hộ nuôi, quy mô nhỏ chừng 70 triệu, lớn hơn thì khoảng 200 triệu đồng cho chi phí lồng, bè… Ông Nguyễn Văn Điện (60 tuổi, trưởng nhóm nuôi cá lồng bè thôn Hải Minh) cho biết: “Việc nuôi cá đòi hỏi công chăm sóc cao, chịu khó theo dõi chúng. Mấy năm trước, chúng tôi lo nhất là chất lượng con giống không đảm bảo. Nay thì đỡ rồi, những cơ sở cung cấp giống hiện đã làm ăn uy tín, ổn định đầu vào cho chúng tôi. Mỗi mùa thả chừng 50 – 60 triệu đồng tiền con giống, thả xen canh và thu hoạch luân phiên khoảng 2 – 3 tháng một lần”.

Theo các chủ hộ nuôi cá ở đây, nếu thời tiết và nguồn nước thuận lợi, mỗi năm việc nuôi cá có thể cho thu nhập 100 – 150 triệu đồng. Mỗi ngày, người nuôi chỉ phải cho cá ăn một lần vào buổi sáng. Thời gian còn lại, họ có thể kiếm thêm thu nhập từ công việc khác. “Nhờ mấy cái lồng trên biển này mà vợ chồng tôi nuôi được 4 đứa con ăn học nên người, có đứa đã là đại úy công an đang làm ở tỉnh. Giờ con cái đã lớn, chúng tôi còn sức nên vẫn tiếp tục bám trụ với nghề. Việc cũng nhàn mà cho thu nhập cao, sao lại không làm”, ông Điện hồ hởi.
Bí quyết cá bán giá cao
Thức ăn cho cá nuôi lồng bè của các hộ ở đây đều là cá tươi, loại nhỏ từ các ghe giã cào. Ông Điện phân tích: “Nuôi cá mà cho ăn thức ăn tươi thì thịt cá sẽ dai, ngon hơn rất nhiều so với việc nuôi cá bằng thức ăn công nghiệp như một số tỉnh thành khác. Giá hai loại cá này cũng chênh lệch khoảng 15.000 đồng/kg nhưng thương lái vẫn thích mua cá nuôi bằng thức ăn tươi hơn vì dễ bán. Tuy nhiên, thức ăn tươi thì nhọc công hơn và nếu so về giá cả thì ít lời hơn nuôi bằng thức ăn công nghiệp”.
Theo ông Trương Thanh Hùng, vấn đề mà các hộ nuôi cá lồng bè hay gặp phải là sự phụ thuộc lớn vào nguồn nước. “Năm 2013 xảy ra sự cố tràn dầu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cá nuôi lồng bè của các hộ dân chết sạch, mất trắng đến 2 tỉ đồng. Nếu trên thượng nguồn, các nhà máy công nghiệp xả thải chảy ra biển thì cá cũng dễ chết. Hoặc có loại như cá mú không chịu được nước lụt, người nuôi cũng dễ trắng tay nếu thời tiết thất thường”, ông Hùng cho biết.
Khó khăn và thuận lợi đan xen, nhưng rõ ràng công việc nuôi cá lồng bè trên biển đã đem lại nhiều đổi thay cho các hộ dân ở thôn Hải Minh, giúp họ cuộc sống ổn định và khấm khá hơn.

Tâm Ngọc