27/12/2024

Mỹ – Hàn sẵn sàng lá chắn đối phó Triều Tiên

Hàn Quốc – Mỹ triển khai sớm chiến thuật phủ đầu ứng phó nguy cơ hạt nhân, đồng thời đặt đơn vị chống vũ khí hạt nhân – sinh hoá vào tình trạng cảnh giác cao độ.

 

Mỹ – Hàn sẵn sàng lá chắn đối phó Triều Tiên

 

Hàn Quốc – Mỹ triển khai sớm chiến thuật phủ đầu ứng phó nguy cơ hạt nhân, đồng thời đặt đơn vị chống vũ khí hạt nhân – sinh hoá vào tình trạng cảnh giác cao độ.




 

Một đợt tập huấn của Tiểu đoàn Hóa học số 23 tại giới tuyến liên Triều - Ảnh: AFP

 

Một đợt tập huấn của Tiểu đoàn Hoá học số 23 tại giới tuyến liên Triều – Ảnh: AFP


Tuyên bố “thử thành công vũ khí nhiệt hạch” của CHDCND Triều Tiên cách đây 2 tuần đã đặt 28.000 quân nhân Mỹ đang đóng dọc theo giới tuyến liên Triều vào tình trạng cảnh giác cao độ. Trong đó, áp lực đang đè lên vai Tiểu đoàn Hoá học số 23, tuyến phòng thủ đầu tiên bảo vệ Hàn Quốc trước những vụ tấn công bằng vũ khí hoá học, sinh học và hạt nhân.

Hiện lực lượng này đang tích cực luyện tập sẵn sàng triển khai chiến thuật mới mang tên Chiến thuật 4D của Hàn Quốc và Mỹ nhằm đối phó nguy cơ từ vũ khí huỷ diệt hàng loạt từ miền Bắc.
Hiểm hoạ trong lòng đất
Theo tờ Stars and Stripes, Tiểu đoàn Hoá học số 23 được thành lập năm 1944 và từng tham chiến tại bán đảo Triều Tiên trong thập niên 1950. Đến năm 1988, đơn vị này được triển khai trú đóng tại Hàn Quốc nhưng được rút về căn cứ hỗn hợp Lewis-McChord, bang Washington vào năm 2005 sau khi Triều Tiên và các bên đạt được một số thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, đến năm 2013, Triều Tiên bất ngờ tuyên bố “sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân tấn công các mục tiêu chiến lược trên đất Mỹ” và Tiểu đoàn Hoá học số 23 lập tức được đưa trở lại Hàn Quốc. Theo CNN, đơn vị này thuộc Trung đoàn Hoá học 48 – lực lượng chống vũ khí hủy diệt hàng loạt đang trực chiến duy nhất hiện nay của lục quân Mỹ – và có quân số đông đảo nhất vì nguy cơ mà họ phải đối diện được đánh giá là nghiêm trọng nhất hiện nay.
“Một khi đã gia nhập Tiểu đoàn Hoá học số 23, các binh sĩ của chúng tôi phải tập luyện vất vả hơn bất cứ đơn vị nào khác mà họ từng tham gia. Hiện nay thì còn thường xuyên hơn nữa”, CNN dẫn lời chỉ huy Tiểu đoàn Adam W.Hilburgh cho hay.
Trong các cuộc diễn tập, một đội gồm 4 quân nhân mặc đồ bảo hộ tận răng bao gồm trang phục đặc biệt với mặt nạ chống độc và giày kháng hoá chất điều khiển robot tiến vào đường hầm dẫn sâu xuống lòng đất, được giả định là kho chứa vũ khí huỷ diệt của Triều Tiên, bao gồm vũ khí hạt nhân và sinh hoá. Khi phát hiện mẫu vật khả nghi hoặc dấu vết hoá chất, họ lập tức tiến hành phân tích cấp tốc tại chỗ rồi gửi thông tin về bộ chỉ huy để triển khai tên lửa, máy bay đến phá huỷ.
Những bài diễn tập này được thiết kế theo thông tin tình báo mới nhất cho thấy những cơ sở vũ khí huỷ diệt của Triều Tiên hiện được đặt dưới lòng đất để tránh tầm quan sát của các vệ tinh và máy bay không người lái.
Dù thế giới đang tập trung chú ý vào chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trung sĩ Greg Moxcey thuộc Tiểu đoàn Hoá học số 23 cho rằng hiểm hoạ lớn nhất đến từ vũ khí sinh hoá. Lý do là trong khi các chuyên gia khẳng định Triều Tiên chưa đạt được công nghệ để triển khai đầu đạn và bom hạt nhân, nước này đã làm chủ vũ khí hoá học từ lâu và “không ai nắm được số lượng của chúng lẫn các mục tiêu tấn công của Bình Nhưỡng”, ông Moxcey nói.
Theo CNN, ngoài các khí tài chuyên dụng chống vũ khí huỷ diệt, Tiểu đoàn Hoá học số 23 còn được ưu ái trang bị xe tăng Stryker được cải tiến đặc biệt cho phép điều khiển từ xa và khả năng phát hiện bức xạ và chất hoá học ở khoảng cách lên đến 3 km.
Chiến thuật 4D
Những hoạt động hiện nay của Tiểu đoàn Hoá học số 23 được cho là nhằm chuẩn bị cho quá trình triển khai chiến thuật tấn công phủ đầu nhằm vào năng lực hạt nhân của miền Bắc. Theo tờ The Telegraph, từ tháng 11.2015, Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí về nâng cấp kế hoạch bảo vệ miền Nam trước các mối đe doạ tên lửa, hạt nhân, hoá học và sinh học.
Được biết đến với cái tên Khái niệm Chiến thuật 4D, kế hoạch mới được thiết kế để phát hiện (detect), bẻ gãy (disrupt), phá huỷ (destroy) và phòng thủ (defend). “Đây là công thức hoàn chỉnh được thống nhất để đối phó miền Bắc vào bất cứ lúc nào”, tờ The Korea Times dẫn lời chuyên gia Park Hwee-rhak thuộc Đại học Kookmin nhận định.
Nói một cách đơn giản, nếu CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, liên quân Hàn – Mỹ có thể phát hiện tên lửa này trong vòng 1 phút, khoanh vùng mục tiêu, kích hoạt vũ khí chống tên lửa trong vòng từ 1 – 3 phút. Ngay sau đó, Tiểu đoàn Hoá học số 23 cùng thiết giáp Stryker sẽ được triển khai ở tuyến đầu tiến thẳng lên miền Bắc với sự yểm trợ của những lực lượng khác nhằm phát hiện và vô hiệu hoá những cơ sở cất giữ, triển khai vũ khí huỷ diệt.
Chiến thuật 4D vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng sau cuộc thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, liên quân Hàn – Mỹ quyết định triển khai sớm hơn dự kiến. Tờ Chosun Ilbo dẫn nguồn tin cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay 2 nước đang thảo luận cách thức phối hợp để lần đầu tiên áp dụng các phần của chiến thuật này trong cuộc tập trận chung thường niên diễn ra vào tháng 3 để tiến tới phát triển thành hệ thống tác chiến hoàn chỉnh.
Cũng theo nguồn tin, Washington và Seoul sẽ cùng các đồng minh khu vực vạch ra kế hoạch phản ứng những tình huống bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm nguy cơ tấn công bằng vũ khí hạt nhân, miền Bắc đổ quân chính quy vào miền Nam hoặc xảy ra biến cố lớn tại Triều Tiên.
Mỹ tăng cường hệ thống tên lửa đánh chặn
Reuters dẫn lời chỉ huy Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ James Syring nhận định cuộc thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hôm 6.1 “không cho thấy nước này đạt được thêm tiến bộ kỹ thuật nào trong chế tạo vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, Mỹ vẫn theo dõi sát sao mọi diễn biến và sẽ tăng cường lá chắn phòng thủ trên lãnh thổ của mình. Cụ thể, Phó đô đốc Syring cho hay Mỹ sẽ triển khai 37 hệ thống đánh chặn trên bộ tại Alaska và California vào cuối năm nay và thêm 44 hệ thống nữa vào cuối năm 2017.

Thuỵ Miên