27/12/2024

Tuyển sinh 2016: Nên điều chỉnh những gì?

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, xã hội sẽ đón nhận dự thảo về quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ với những kỳ vọng về sự thay đổi hợp lý.

 

Tuyển sinh 2016: Nên điều chỉnh những gì?

 

Chỉ còn vài ngày nữa thôi, xã hội sẽ đón nhận dự thảo về quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ với những kỳ vọng về sự thay đổi hợp lý.




Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


Các thông tin ban đầu cho thấy những người có trách nhiệm trong việc soạn thảo quy chế này đã có những điều chỉnh theo hướng tích cực, hướng đến thí sinh (TS) và lấy cái gốc là hướng nghiệp chứ không phải “hướng trường” như năm trước.

Là cầu nối giữa nhà trường và TS, là người trong cuộc, tôi có 4 kỳ vọng cho những điều chỉnh hợp lý.
Cơ bản nên giữ nguyên kỳ thi này với những thay đổi nhỏ
Khách quan mà nhìn nhận, đánh giá về kỳ thi “2 trong 1” vừa qua được tổ chức tốt và được xã hội đánh giá cao, đặc biệt là giảm được chi phí cho TS, gia đình và xã hội. Khảo sát sinh viên năm thứ nhất (vừa tham gia kỳ thi THPT năm 2015), hầu hết đều đánh giá khá cao việc tổ chức thi như năm ngoái. Chúng tôi đề nghị cơ bản giữ nguyên kỳ thi này với những thay đổi nhỏ, cố gắng tiến tới trắc nghiệm hoàn toàn các môn thi thì càng tốt. Thời gian thi vẫn giữ nguyên từ 1 – 4.7, bất kể là ngày thường hay ngày nghỉ, có thể xem đây là ngày hội truyền thống thi cử mang tầm quốc gia hằng năm.
Nên giao các cụm thi và các trường công bố kết quả thi
Cảm xúc về khâu công bố kết quả thi năm 2015 vẫn còn rất “ấn tượng” với những cung bậc: lo lắng, hồi hộp, đồng cảm rồi lại lo lắng hơn… Nhiều người vẫn cứ băn khoăn vì nếu cho 38 cụm thi quốc gia chứ không phải 8 điểm truy cập xem điểm thì sẽ giảm tình trạng nghẽn mạch. Có người còn mạnh miệng nói rằng “nghẽn” không phải mạng mà là “nghẽn tắc” về quản lý. Năm nay, có thông tin sẽ sử dụng phần mềm của nhà cung cấp khác (?). Cũng được thôi nhưng hãy lường trước dư luận: nếu mọi việc tốt đẹp thì không sao, nếu trục trặc lại mang tiếng… thử nghiệm. Việc quan trọng là xem trục trặc ở khâu nào để điều chỉnh ngay khâu đó, sẽ hợp lý hơn là tìm cái mới hoàn toàn.
Xét tuyển phải dựa vào cái gốc là chọn ngành
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Chính phủ đã nhiều lần khẳng định chắc chắn sẽ giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường. Dư luận đã và đang hoan nghênh định hướng này. Trước hết, các trường xét tuyển phải có dữ liệu tuyển sinh đầy đủ và kịp thời. Việc xét tuyển này phải do các trường tự giải quyết tuỳ theo đặc thù của trường, ngành. Làm sao để cuộc tuyển chọn này theo nguyên tắc cạnh tranh về điểm cao hay thấp, chứ không cạnh tranh về thời gian để vào được ngành học phù hợp năng lực sở trường của TS. Quy chế xét tuyển phải dựa vào cái gốc là việc chọn ngành, nguyện vọng của TS vẫn theo thứ tự ưu tiên nhưng không nhất thiết phải bắt buộc cùng một trường. Tốt hơn nếu việc xét tuyển hoàn toàn trực tuyến theo tài khoản của TS, đăng ký vào ngành phù hợp, theo hướng điểm chuẩn từ trên xuống, khi nào chạm đáy chỉ tiêu, đó là mức điểm chuẩn. Muốn vậy, cơ sở hạ tầng phải ổn, cơ sở dữ liệu phải đáp ứng tốt nhất.
Cần lấy hướng nghiệp làm gốc
Với những sự thay đổi gần như toàn diện về quy chế tuyển sinh, thời gian, phương cách tổ chức trong các khâu: đăng ký hồ sơ xét tuyển, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển…, liệu công tác tư vấn hướng nghiệp có thay đổi theo? Hướng nghiệp và tuyển sinh tuy hai mà là một. Hướng nghiệp là vấn đề lớn hơn và cần phải đi trước một bước. Nếu việc chọn lựa xuất phát từ năng lực, sở trường của bản thân thì thường sẽ bền vững hơn. Việc chọn nghề, chọn ngành không phù hợp ảnh hưởng rất lớn (theo hướng tiêu cực) đối với việc học hành và công việc của các TS sau này.
Từ năm 2015 cách thức nộp hồ sơ xét tuyển, chọn ngành học của TS thay đổi. Nếu trước đây TS phải chọn ngành của trường để đăng ký thi thì nay TS cứ tập trung học để có kết quả tốt nhất rồi hãy chọn ngành phù hợp.

Tiến sĩ Trần Đình Lý 
(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)