27/12/2024

Ả Rập Xê Út cảnh báo có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân

Ả Rập Xê Út vừa hé lộ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm đối phó kỳ phùng địch thủ Iran trong thời kỳ “hậu trừng phạt”.

 

Ả Rập Xê Út cảnh báo có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân

 

Ả Rập Xê Út vừa hé lộ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm đối phó kỳ phùng địch thủ Iran trong thời kỳ “hậu trừng phạt”.




 

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman – Ảnh: ITV


Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Reuters được đăng tải ngày 20.1, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir cảnh báo việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran theo thoả thuận hạt nhân giữa nước này và các cường quốc sẽ là “một diễn biến nguy hại” vì Tehran “có thể dùng nguồn tiền đến từ việc dỡ bỏ phong toả cho các hoạt động bất chính”.

Khi được hỏi nếu Iran vẫn theo đuổi vũ khí hạt nhân thì liệu Ả Rập Xê Út có hành động phản ứng tương tự hay không, Ngoại trưởng al-Jubeir tuyên bố chính quyền Riyadh sẽ làm “mọi thứ cần thiết để bảo vệ người dân”.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên Ả Rập Xê Út đề cập khả năng sở hữu bom hạt nhân, chủ yếu nhằm kèn cựa với Iran. Hồi tháng 4.2015, phát biểu tại một cuộc hội thảo quốc tế về hạt nhân do Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại Hàn Quốc tổ chức, cựu lãnh đạo tình báo Ả Rập Xê Út Turki bin Faisal tuyên bố thẳng: “Người Iran có cái gì, chúng tôi sẽ có cái đó”.
Ngoài ra, tờ Sunday Times dẫn nhiều nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ Ả Rập Xê Út từ lâu đã có thỏa thuận mua công nghệ vũ khí hạt nhân từ Pakistan nhưng chưa xúc tiến triển khai. “Hoàng gia Ả Rập Xê Út vẫn “treo” thoả thuận với Pakistan như một con bài tẩy để sử dụng trong các thời điểm sống còn về chiến lược”, một cựu quan chức Washington cho biết.
Những tuyên bố nói trên của Ngoại trưởng al-Jubeir là phản ứng trực tiếp đầu tiên từ Ả Rập Xê Út về dỡ bỏ trừng phạt Iran và được đưa ra trong bối cảnh 2 nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite kéo theo những vụ tấn công quá khích nhằm vào Đại sứ quán Ả Rập Xê Út ở Tehran.
Không chỉ được xem là đại diện lớn nhất của 2 dòng Hồi giáo đối nghịch (Sunni và Shiite), Ả Rập Xê Út và Iran hiện còn đang chạy đua trở thành thế lực mạnh nhất khu vực, thông qua việc hậu thuẫn những phe phái kình chống nhau tại Yemen và Syria.
Bên cạnh đó, Israel cũng tiếp tục phản đối kịch liệt thoả thuận về chương trình hạt nhân của Iran và việc giảm căng thẳng ở nước này. Tờ The Washington Post hôm 20.1 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon thẳng thừng tuyên bố rằng nếu phải chọn lựa giữa Iran và Nhà nước Hồi giáo (IS), ông sẽ chọn IS. Vị bộ trưởng lập luận rằng IS sớm muộn cũng bị đánh bại, còn Iran là mối đe doạ lớn nhất đối với nhà nước Do Thái. Vì thế, nếu Syria rơi vào tay một trong 2 thế lực này, ông Ya’alon “thích” đó là IS hơn là Iran hay các nhóm được Tehran ủng hộ.

Trùng Quang