27/12/2024

Liên Hiệp Quốc điều tra vụ bao vây Madaya làm dân chết đói

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang xem xét sự kiện thảm họa nhân đạo do tình trạng bao vây thị trấn Madaya của Syria gây ra có phải “tội ác chiến tranh” hay không.

 

Liên Hiệp Quốc điều tra vụ bao vây Madaya làm dân chết đói

 

 

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang xem xét sự kiện thảm họa nhân đạo do tình trạng bao vây thị trấn Madaya của Syria gây ra có phải “tội ác chiến tranh” hay không.

 

 

 

 

Hình ảnh cắt từ video cho thấy trẻ em kiệt sức vì đói ngày càng nhiều ở Madaya - Ảnh: Reuters
Hình ảnh cắt từ video cho thấy trẻ em kiệt sức vì đói ngày càng nhiều ở Madaya – Ảnh: Reuters

Theo truyền thông Mỹ, ngày 12-1 khi các nhân viên cứu trợ tới được bên trong Madaya, họ đã chứng kiến những gì là thảm cảnh khủng khiếp nhất trong cuộc nội chiến kéo dài gần năm năm qua tại Syria. Họ tận mắt thấy những người dân đang chết vì đói theo đúng nghĩa đen trên đường phố.

Từ Damascus, điều phối viên cứu trợ nhân đạo Yacoub el Hillo của LHQ cho biết: “Chúng tôi đã thấy những người cùng khổ; những người bị lạnh, đói; những người gần như không còn chút hi vọng về việc thế giới sẽ quan tâm tới thảm cảnh của họ”.

Theo LHQ, khoảng 400.000 người Syria đang sống trong các khu vực bị lực lượng các bên bao vây. Hàng triệu người đang sống ở những nơi mà bên cứu trợ rất khó tiếp cận.

Khi lực lượng nổi dậy kiểm soát Madaya thì quân đội Chính phủ Syria bao vây xung quanh thành phố, khiến người dân không thể chạy thoát khỏi nơi này. Chính phủ Syria chỉ cho phép vận chuyển hàng cứu trợ đợt duy nhất tới Madaya ngày 11-1.

Ông Paulo Pinheiro, người đứng đầu Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh của LHQ tại Syria, cho biết ở Madaya đang xảy ra nạn đói trầm trọng với những người dân thuộc nhóm dễ tổn thương nhất.

Theo ông Pinheiro, việc bao vây của các lực lượng đã tước đi của họ những quyền tiếp cận các dịch vụ cơ bản nhất như lương thực và thuốc men.

Bà Elizabeth Hoff thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả lại: “Tôi cảm thấy rất kinh hoàng. Người dân tập trung ở chợ. Bạn có thể thấy rất nhiều người đói ăn. Họ gầy guộc, mệt mỏi, kiệt quệ. Không có nụ cười nào hết. Thậm chí những đứa trẻ chúng tôi có dịp trò chuyện cho biết chúng không còn đủ sức vui chơi nữa”.

WHO đã mang tới gần 8 tấn thuốc men, còn Cơ quan phụ trách vấn đề người tị nạn của LHQ chuyển tới những xe lương thực. WHO cũng đã phân phát gần 4 tấn đồ dùng y tế cho hai làng Foua và Kafray thuộc tỉnh Idlib đang bị quân nổi dậy bao vây.

Các quan chức LHQ cho biết họ hi vọng có thể vận chuyển một đợt hàng cứu trợ khác tới Madaya trong những ngày tới. Hội Chữ thập đỏ quốc tế khẳng định đang tham gia các cuộc đàm phán “rất phức tạp” để có thể sơ tán hàng trăm người đang cần chăm sóc y tế đặc biệt.

Tuy nhiên ông Bashar Jaafari, đại sứ Syria tại LHQ, khi trả lời báo giới ngày 11-1 lại nói “không hề có chuyện chết đói xảy ra tại Madaya”, đồng thời bác bỏ thông tin Tổ chức Thầy thuốc không biên giới nói rằng 28 người trong thị trấn này đã bị chết đói.

Trả lời phỏng vấn báo Bild của Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng “lực lượng nổi dậy và những bên ủng hộ chúng ở nước ngoài” phải chịu trách nhiệm về những cái chết của người dân ở Syria, chứ không phải chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

D.KIM THOA