27/12/2024

Mỹ có thể dùng 8 căn cứ mới ở Philippines

Quân đội Philippines đề xuất cho Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này sau khi thoả thuận quốc phòng mới được phê chuẩn.

 

Mỹ có thể dùng 8 căn cứ mới ở Philippines

 

Quân đội Philippines đề xuất cho Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này sau khi thoả thuận quốc phòng mới được phê chuẩn.





Tàu ngầm hạt nhân USS Topeka của Mỹ tại cảng Subic ngày 12.1 - Ảnh: Inquirer

 

Tàu ngầm hạt nhân USS Topeka của Mỹ tại cảng Subic ngày 12.1 – Ảnh: Inquirer


Ngày 13.1, Reuters dẫn lời phát ngôn viên quân đội Philippines Restituto Padilla cho biết nước này đã đề xuất để Mỹ sử dụng 8 căn cứ để triển khai khí tài và quân nhu dựa trên Thoả thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) mới giữa hai nước.

“Danh sách này đã được chuẩn bị trong các cuộc thảo luận từ nhiều tháng trước”, đại tá Padilla nói với các phóng viên và cho biết thêm các căn cứ bao gồm 5 sân bay quân sự, 2 căn cứ hải quân và 1 doanh trại huấn luyện trong rừng sâu. Ông cũng nhấn mạnh đề xuất này cần được phê chuẩn và “chúng tôi sẽ tiếp tục có những cuộc thương thảo cuối cùng”.
Theo Reuters, trong số 8 căn cứ nói trên có sân bay Clark từng là căn cứ của không quân nằm trên đảo Luzon và 2 cơ sở nằm trên đảo Palawan gần Biển Đông. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang tìm cách tiếp cận 3 hải cảng và sân bay dân sự ở Luzon, bao gồm vịnh Subic. Trước khi bị đóng cửa năm 1992, nơi đây từng là căn cứ quân sự lớn nhất ở hải ngoại của Mỹ và đến nay vẫn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược của nước này ở khu vực. Khoảng 100 tàu chiến Mỹ cập cảng Subic hồi năm ngoái và chỉ trong 2 tuần đầu năm 2016 đã có 2 tàu ngầm hạt nhân ghé thăm.
Philippines và Mỹ ký ECDA từ năm 2014 nhưng phải tới nay mới bắt đầu được triển khai sau khi Tòa án tối cao Philippines ngày 12.1 phán quyết thoả thuận này không vi phạm hiến pháp. Theo giới quan sát, bước tiến này cho phép Mỹ có được những căn cứ quân sự nhất thời ở Philippines và coi như đã khôi phục được hiện diện quân sự trên lãnh thổ đồng minh như trước năm 1992.
Các động thái của Philippines được tiến hành trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có nhiều biến động theo chiều hướng căng thẳng xuất phát từ hành động của Trung Quốc, mới nhất là việc triển khai các chuyến bay phi pháp, đe doạ an toàn hàng không khu vực đến Trường Sa.
Ngày 13.1, sau những phản ứng cương quyết của VN, đến lượt Bộ Ngoại giao Philippines trao công hàm phản đối các chuyến bay nói trên, theo Reuters. Phát ngôn viên Charles Jose của cơ quan này nhấn mạnh: “Trung Quốc đã có những hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không, làm gia tăng căng thẳng và gây lo ngại trong khu vực, vi phạm tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Cũng trong ngày 13.1, Hãng thông tấn Antara của Indonesia dẫn lời Tư lệnh Tác chiến không quân Yuyu Sutisna tuyên bố nước này sẵn sàng ứng phó mọi diễn biến, kể cả nguy cơ xung đột, trên Biển Đông. Ông Yuyu cho biết thêm các bước nâng cấp những cơ sở không quân, bao gồm căn cứ Natuna ở Biển Đông, vừa qua là nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước. Indonesia không trực tiếp tham gia tranh chấp ở Biển Đông nhưng vùng biển Natuna của nước này cũng bị gom vào bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc.

Trọng Kha