Người Trung Quốc gom đất gần sân bay
Phần lớn các công ty gom đất nằm dọc sân bay quân sự Nước Mặn, Đà Nẵng đều có người Trung Quốc hoặc doanh nghiệp Trung Quốc đóng góp cổ phần với tỉ lệ khá lớn.
Người Trung Quốc gom đất gần sân bay
Phần lớn các công ty gom đất nằm dọc sân bay quân sự Nước Mặn, Đà Nẵng đều có người Trung Quốc hoặc doanh nghiệp Trung Quốc đóng góp cổ phần với tỉ lệ khá lớn.
Các khu đất dọc sân bay Nước Mặn được nhiều doanh nghiệp hoặc người Trung Quốc thu gom – Ảnh: V.Hùng |
Theo tìm hiểu, trong 246 lô đất nằm dọc sân bay quân sự Nước Mặn (phường Mỹ Khê, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), có 7 công ty thu gom đến 77 lô đất. Phần lớn các công ty này đều có người Trung Quốc hoặc doanh nghiệp Trung Quốc đóng góp cổ phần với tỉ lệ khá lớn.
Đây là các công ty hoạt động đa lĩnh vực, được Sở Kế hoạch – đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ đầu năm 2013, đúng vào thời điểm TP Đà Nẵng có quyết định chuyển nhượng những lô đất chạy dọc sân bay Nước Mặn.
Bỏ nhiều tiền nhưng không làm chủ
Ngày 5-1 tại vệt đất dọc sân bay Nước Mặn, nơi các công ty mua đất để làm trụ sở như đăng ký với cơ quan chức năng, trong 77 lô đất chỉ có một công ty xây dựng trụ sở làm việc. Đó là Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng do Công ty Hong Kong Hankey Enterprises Limited (đóng tại Hong Kong, Trung Quốc) góp vốn 9,8 tỉ đồng, chiếm 49% (thành viên chính).
Thế nhưng chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc công ty là một người Việt Nam, bà P.T.H.D. (trú xã Điện Minh, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Dù công ty này thu gom đến 10 lô đất với hơn 2.020m2 nhưng chỉ xây dựng vỏn vẹn tòa nhà 3 tầng trên một lô đất.
Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi (địa chỉ trụ sở chính ở lô 56 đường Võ Nguyên Giáp, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) chỉ là một bãi đất trống.
Công ty có vốn điều lệ gần 200 tỉ đồng, do Công ty Harvest View Inc Limited (Hong Kong) đóng đến 84,6 tỉ đồng, chiếm 42,35% (cao nhất). Giám đốc công ty là một người Việt gốc Trung Quốc, ông Trác Duy Phúc, đóng góp 50 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 25% tổng vốn điều lệ. Ông Phúc cũng có 3 lô đất ở vệt đất ven biển này.
Công ty TNHH thương mại du lịch & dịch vụ V.N.HO.LI.DAY (ở địa chỉ khu B2.2 đường Trương Văn Hiến, P.Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cũng đang có đến 24 lô đất (gần 4.600m2) ở vệt đất sát sân bay Nước Mặn.
Công ty này do Li Jinan (trú Quảng Đông, Trung Quốc) đóng góp 19,2 tỉ đồng, chiếm 48% số cổ phần. Bà N.T.P.T. (28 tuổi, trú TP Huế) có 17% số cổ phần trong vốn công ty làm giám đốc. Một nhân viên ở đây cho biết bà T. đang nghỉ sinh, còn Li Jinan thì dăm bữa nửa tháng mới qua Việt Nam.
Còn ở địa chỉ lô 21 đường Võ Nguyên Giáp – nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính của Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp – thì không có công ty này, nơi đây là trụ sở của Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng.
Tương tự, Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp do Công ty Ching On Holdings Limited (trú Hong Kong) sở hữu đến 49% cổ phần trong công ty nhưng lại do bà P.T.P.A. (trú TP Đà Nẵng) có 34% cổ phần làm chủ tịch hội đồng thành viên kiêm giám đốc. Công ty này có 7 lô đất ở khu vực sát sân bay Nước Mặn.
Không đóng thuế
Theo ông Lê Hà – chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Ngũ Hành Sơn, Công ty TNHH TM&DV Hoàng Gia Trung (có đến 12 lô đất, hoạt động tháng 10-2013) và Công ty TNHH du lịch thương mại & dịch vụ Golden Wynn (có 3 lô đất, hoạt động tháng 1-2013) nhưng mỗi năm chỉ đóng từ 1-3 triệu đồng thuế môn bài, họ khai đang đầu tư khách sạn, không có doanh thu nên không đóng thứ thuế nào nữa.
Trên thực tế, Công ty TNHH TM&DV Hoàng Gia Trung đăng ký đến 25 ngành nghề kinh doanh với hàng trăm lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.
Còn Công ty TNHH du lịch thương mại & dịch vụ Golden Wynn đăng ký 11 ngành nghề kinh doanh với hơn 50 lĩnh vực hoạt động, từ kinh doanh lưu trú du lịch, bán vé máy bay đến ăn uống, buôn bán phụ tùng môtô, xe máy, ôtô…
Trong khi đó, ông Trần Văn Miên – cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng – không cho biết tình trạng hoạt động và đóng thuế của Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp, Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng, Công ty TNHH thương mại du lịch & dịch vụ V.N.HO.LI.DAY, Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi.
Ông Miên cho hay tại thời điểm này chưa thể cung cấp số tiền thuế của doanh nghiệp đã đóng. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay, khi nào có kết quả sẽ cung cấp sớm cho báo chí biết. Bây giờ mình chưa kiểm tra tình hình hoạt động, chấp hành các quy định về thuế của doanh nghiệp mà cung cấp thông tin thì họ có thể kiện mình” – ông Miên nói.
Tại sao nhờ người Việt đứng tên? Tại sao người Trung Quốc không đứng tên làm chủ đầu tư mà phải nhờ người Việt? Liệu tính pháp lý có đảm bảo khi có trường hợp người Việt “lật kèo”? Một cán bộ quản lý doanh nghiệp cho biết có tình trạng này, bởi nếu người Trung Quốc đứng tên làm chủ đầu tư thì họ được xếp vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, phải chịu nhiều ràng buộc, nhất là không được quyền sử dụng đất đai như người Việt Nam. Còn chuyện ràng buộc giữa người Trung Quốc và người Việt nhiều khi trên giấy tờ viết tay hoặc một hình thức hợp đồng liên doanh, liên kết nào đó, khi có sự cố xảy ra thì họ xử lý theo nhiều cách thức trong xã hội, có khi hiệu lực còn hơn quy định pháp luật. Lý giải vì sao có tình trạng người Trung Quốc đứng đằng sau pháp nhân người Việt thu gom đất tại khu vực sân bay Nước Mặn, vị cán bộ này nói tập quán của người Trung Quốc thường hay sinh sống, làm ăn cùng với nhau, như “buôn có bạn, bán có phường” nên họ muốn thu gom đất cùng khu vực gần nhau. Tại khu đất thu gom được họ sẽ xây dựng khách sạn, nhà hàng, làm dịch vụ cho chính người Trung Quốc đang làm việc, du lịch ở khu phức hợp nghỉ dưỡng Silver Shores International Resort. |
Không cho xây dựng công trình cao tầng Tại cuộc họp báo mới đây, trả lời báo chí, ông Huỳnh Đức Thơ – chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – nói hiện tượng người Trung Quốc đứng ra gom đất ven biển, nhờ người Việt đứng tên mà dư luận phản ảnh, qua theo dõi vẫn chưa có bất cứ vi phạm nào. Riêng việc mua bán, giao dịch các lô đất qua nhiều chủ là quyền của công dân, luật pháp không cấm. Chính quyền chỉ khuyến cáo người dân khi mua bán phải thận trọng, đừng để những tranh chấp về sau. Theo ông Thơ, hiện TP có quyết định không cho phép ghép các thửa đất để xây dựng các công trình cao tầng ở khu vực dọc tuyến đường ven biển sát sân bay Nước Mặn. Vệt đất đó chỉ được phép xây dựng biệt thự hoặc nhà đơn lẻ và cao không quá 3 tầng. |