26/12/2024

Lỗ hổng an ninh ở nước Pháp

Đúng 1 năm sau vụ tấn công toà soạn tuần báo châm biếmCharlie Hebdo, nước Pháp vẫn đang tiếp tục rà soát lại những khe hở về an ninh và tình báo.

 

Lỗ hổng an ninh ở nước Pháp

 

Đúng 1 năm sau vụ tấn công toà soạn tuần báo châm biếmCharlie Hebdo, nước Pháp vẫn đang tiếp tục rà soát lại những khe hở về an ninh và tình báo.





Thông điệp tưởng nhớ nạn nhân vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo -  Ảnh: Lan Chi

Thông điệp tưởng nhớ nạn nhân vụ tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo – Ảnh: Lan Chi


Tại quảng trường République ở thủ đô Paris ngay sau khi xảy ra chuỗi tấn công liên hoàn ngày 13.11.2015, giữa hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân, vẫn có thể dễ dàng nhận ra vài tấm giấy dán phía trên tượng đài trung tâm với thông điệp “Je suis Charlie” (“Tôi là Charlie”) rõ mồn một. Thời gian chưa kịp xoá dấu tích của cơn ác mộng vào tháng 1.2015 ở báo Charlie Hebdo thì một thảm kịch khác lại ập tới. Chỉ trong vòng vài tháng, ngành an ninh và tình báo Pháp đã để “lọt lưới” 2 vụ tấn công cực kỳ nghiêm trọng ở ngay giữa Paris.

Ngày 7.1, nhân dịp tưởng niệm 1 năm vụ xả súng ở Charlie Hebdovà siêu thị Do Thái Hyper Chacher, gia đình của các nạn nhân vẫn tỏ ra bất bình vì cho rằng còn nhiều điểm chưa được làm sáng tỏ. AFP dẫn lời vợ của họa sĩ Georges Wolinski, một trong những người thiệt mạng tại tòa soạn báo này, nhận định: “Trước khi vụ tấn công xảy ra, báo Charlie Hebdo tiếp tục bị đe dọa nhưng ai đó đã quyết định giảm bớt các biện pháp bảo vệ. Vì sao lại thế?”. Theo cựu Giám đốc Tổng cục Tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) Alain Juillet, 2 vụ khủng bố trong năm 2015 cho thấy nhiều khe hở về thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin của ngành an ninh nước này.
Phản ứng chậm
Theo tờ Libération, sau vụ việc vào đầu tháng 1.2015, hệ thống an ninh, tình báo của Pháp đã không thực hiện ngay những kế hoạch cải cách. Mãi đến hơn 5 tháng sau, dư luận rúng động vì vụ tài xế Yassin Salhi chặt đầu ông chủ của hắn ta tại tỉnh Isère, đông nam nước này theo đúng kiểu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Khi ấy, Bộ Nội vụ Pháp mới quyết định thành lập một bộ tham mưu tác chiến với vai trò tập trung mọi nguồn tin tình báo về trung ương để xử lý.
Tuy nhiên, bộ phận này chưa kịp phát huy vai trò thì đã xảy ra chuỗi tấn công liên hoàn ngày 13.11 làm 130 người thiệt mạng và hơn 600 người bị thương. Đáng chú ý là kẻ chủ mưu Abdelhamid Abaaoud đã có thể vừa lập kế hoạch, vừa trực tiếp tham gia xả súng ở Paris. Cựu nhân viên DGSE Claude Moniquet nhận xét trênLibération: “Mối đe doạ khủng bố ngày càng lớn và phức tạp. Chẳng hạn, một chuỗi tấn công được phối hợp thực hiện chính xác như vụ việc hồi tháng 11 phải mất từ 4 – 8 tháng để chuẩn bị”.
Nhiều chuyên gia cho rằng một dấu hiệu cảnh báo đã không được xử lý “tới nơi tới chốn”. Ngày 11.8.2015, công dân Pháp Reda Hame bị bắt giữ sau khi quay về từ Syria. Reda bị Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI) thẩm vấn và thú nhận đã được huấn luyện tại trại Raqqa “để tấn công một phòng hoà nhạc và giết càng nhiều người càng tốt”. Kế hoạch này bị phát hiện kịp thời nhưng 3 tháng sau vẫn trở thành hiện thực tại nhà hát Bataclan.
Kế hoạch cải tổ gây tranh cãi
Vì sao DGSI lại để vuột mất dấu hiệu cực kỳ quan trọng nói trên? Theo Libération, tất cả khởi đầu từ chương trình “quy hoạch” lại các cơ quan tình báo Pháp vào năm 2008, dưới thời của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Ông Sarkozy đã cho sáp nhập Tổng cục Tình báo (RG) với Cục Giám sát an ninh lãnh thổ (DST) thành Cơ quan Tình báo nội vụ trung ương (DCRI, đến năm 2014 chuyển thành DGSI).
Mục tiêu sáp nhập là để các cơ quan này không giẫm chân nhau và xa hơn là xây dựng một “FBI kiểu Pháp”. Tuy nhiên, Libérationdẫn lời một cựu nhân viên RG nhận định: “Thực tế đến nay cho thấy cuộc sáp nhập đã phá huỷ mạng lưới nguồn tin mà RG bỏ công thiết lập từ nhiều năm qua. Chúng tôi có nhiều mối quan hệ, có thể khai thác thông tin từ nhiều thành phần xã hội khác nhau, như các giáo sĩ Hồi giáo, giáo viên, trợ lý xã hội… RG làm công tác “thực địa” rất tốt, có thể nói rành rẽ tên từng con đường, khu phố, toà nhà nơi những đối tượng cần theo dõi sinh sống hoặc thường lui tới. Giải tán RG là một sai lầm chiến lược nghiêm trọng, đặc biệt là trong quá trình sáp nhập, nhiều tài liệu, hồ sơ đã bị xếp lại”.
Trước làn sóng chỉ trích, một quan chức Bộ Nội vụ Pháp giải thích: “Thực tế cho thấy đối tượng cần theo dõi hiện đã mở rộng rất nhiều. Ngày nay, chúng tôi phải để mắt đến cả những tên trộm vặt bất ngờ có xu hướng cực đoan, những kẻ tâm thần muốn xách dao tấn công căn cứ hải quân hay một số thanh thiếu niên sống biệt lập. Gần đây nhất là làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ vào châu Âu. Chừng đó mục tiêu là quá nhiều đối với DGSI”.
Để giảm bớt gánh nặng cho cơ quan này, cuối năm 2013, chính phủ Pháp thành lập Cơ quan Tình báo lãnh thổ (RT), có vai trò tương tự RG nhưng số lượng nhân viên chỉ bằng 60%. Ngoài ra, theo Libération, phương thức hoạt động của DST sau khi sáp nhập với RG vẫn ảnh hưởng lớn đến DCRI (sau này trở thành DGSI). DST vốn là một cơ quan phản gián nổi tiếng của Pháp nên quen hành động theo các sứ mệnh kéo dài, tuyệt mật và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Trong khi nhiệm vụ chống khủng bố lại có yêu cầu khác hẳn: xử lý thông tin cấp thời và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu để phối hợp hành động.
Cũng từ năm 2008, Sách Trắng quốc phòng và an ninh Pháp nhấn mạnh phải “đầu tư cho công nghệ để phục vụ tình báo”. Việc thu nhận thông tin từ internet được chuyển tải bằng hệ thống cáp quang được tăng cường. Và trong danh sách tuyển dụng của DGSI và DGSE, những ứng viên là kỹ sư, nhà toán học bắt đầu “lấn sân” những nhà phân tích an ninh có kinh nghiệm. Tuy nhiên, chuyên gia Claude Moniquet cảnh báo: “Trong tình báo, máy móc, công nghệ chỉ nên xem là công cụ, vai trò phân tích, thăm dò, thu thập thông tin tại chỗ của con người mới quan trọng. DGSE trước đây vốn chuyên về phân tích dữ liệu, được hỗ trợ bởi tiềm lực về công nghệ đáng kể. Nếu quá chú trọng mặt kỹ thuật mà xem nhẹ các nhà phân tích thì hiệu quả công việc có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Hợp tác an ninh lỏng lẻo

Tờ Libération dẫn lời một chuyên gia phân tích: “Bạn hãy tưởng tượng nước Mỹ không có Cơ quan Tình báo trung ương (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Cục Điều tra liên bang (FBI) hay quân đội, thay vào đó là khoảng 50 cơ quan nhỏ lẻ phối hợp tạm bợ với nhau. Một thảm hoạ phải không? Nhưng đó chính là tình hình của EU hiện nay khi tình báo, an ninh, tư pháp và quốc phòng chủ yếu vẫn “đèn nhà ai nấy sáng”.
Trong khi đó, các nước châu Âu đều hiểu biên giới không thể ngăn chặn được khủng bố hoặc các băng nhóm tội phạm. Các nước EU cũng cố gắng đẩy mạnh việc hợp tác, chẳng hạn, về an ninh có Europol. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ có 912 viên chức và 185 “sĩ quan liên lạc” trên tổng dân số châu Âu là 500 triệu người.
Theo điều phối viên về chống khủng bố của EU Gilles de Kerchove, việc trao đổi thông tin tình báo phải đợi đến khi xảy ra vụ tấn công toà soạn báo Charlie Hebdo ở Paris mới được các nước ở khu vực này đẩy mạnh.


Lan Chi