Từ vùng đồi hoang với một trang trại nhỏ, nông dân Nguyễn Văn Nam đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi, trồng trọt để biến nơi đây trở thành nông trại trù phú bậc nhất địa phương với doanh thu hằng năm trên 1 tỉ đồng.
Biến đồi hoang thành trang trại tiền tỉ
Từ vùng đồi hoang với một trang trại nhỏ, nông dân Nguyễn Văn Nam đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi, trồng trọt để biến nơi đây trở thành nông trại trù phú bậc nhất địa phương với doanh thu hằng năm trên 1 tỉ đồng.
Ông Nam (64 tuổi, ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ, TX.An Nhơn, Bình Định) kể câu chuyện làm giàu của mình: “Tôi vốn là nông dân, nên ngay từ thuở nhỏ đã gắn bó với công việc đồng áng. Năm 2000, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết Chính phủ ra Nghị quyết khuyến khích phát triển trang trại. Qua tìm hiểu, tôi thấy phương pháp chăn nuôi gia công cho một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mời gọi là rất có triển vọng, nên đã chọn cách làm này”.
Sau khi nghiên cứu các vùng đất đồi tại địa phương để phát triển kinh tế trang trại, ông Nam quyết định chọn vùng đất đồi gò hoang hóa ở thôn Đông Bình, xã Nhơn Thọ để thực hiện ước mơ làm giàu của mình.
Mô hình khép kín
Ông lý giải, khu đất đồi hoang tại thôn Đông Bình có diện tích khá lớn, lại khá xa khu dân cư, thuận lợi để phát triển trang trại theo quy mô khép kín, chất thải của gia súc, gia cầm được tận dụng để nuôi cá, vừa tránh gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu quả kinh tế; khả năng cách ly dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm rất tốt. Ngay sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận cho thuê đất, ông bắt tay vào việc xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi.
Năm 2010, ông Nguyễn Văn Nam được tặng Giải thưởng “Sao Thần nông”; năm 2012 được T.Ư Hội Nông dân VN tặng Bằng khen về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm liền (2007 -2011). Năm 2013, ông vinh dự trở thành 1 trong 62 nông dân trong cả nước được trao danh hiệu “Nông dân VN xuất sắc 2013”. Năm 2014, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen Hộ gia đình tham gia tích cực phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (2004 – 2013).
Với mô hình chăn nuôi gia công, theo ông Nam, đây là cách làm ăn theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, có sự cộng đồng trách nhiệm giữa hai phía. Nông dân chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở chuồng trại, công chăm sóc; doanh nghiệp đầu tư toàn bộ con giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra… Do vậy, người nông dân không đơn độc. Trong quá trình chăn nuôi, nếu có xảy ra bất trắc gì, nông dân sẽ được hỗ trợ kịp thời.
Hiện trang trại của ông Nam có diện tích 7 ha, gồm khu chăn nuôi gà, heo; khu nuôi cá; khu chăn nuôi bò lai; khu trồng rừng. Nguồn vốn ông đã đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở chuồng trại ước khoảng 10 tỉ đồng. Từ năm 2000 đến năm 2012, với hình thức chăn nuôi gia công, mỗi năm ông Nam thu lãi gần 500 triệu đồng.
Chuyển đổi theo thị trường
Từ năm 2012 đến nay, ông Nam chuyển hướng sang nuôi gà thả vườn lấy trứng giống cung ứng cho một doanh nghiệp khác ở địa phương. Ông Nam lý giải về sự thay đổi cách làm ăn của mình: “Sự biến động liên tục của thị trường vật tư chăn nuôi dẫn đến việc nuôi gia công không còn lợi nhuận cao. Lúc này, trang trại của tôi đã đủ sức tự vươn ra và tìm được hướng sản xuất mới, chuyển sang nuôi gà ta, cung ứng trứng giống cho các cơ sở sản xuất con giống”. Và ông đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng xây dựng cơ sở chuồng trại, mua về 27.000 con gà đồi Yên Thế (Hà Nội) để nuôi lấy trứng giống.
Ông Nam cho biết: “Hiện nay, nhu cầu chăn nuôi gà ta đang phát triển rất mạnh, hầu hết các lò ấp đều rất cần nguồn trứng giống chất lượng tốt để ấp nở. Nắm được thời cơ này, nhận lời đề nghị hợp tác làm ăn của doanh nghiệp, tôi quyết định chuyển từ chăn nuôi gia công sang chăn nuôi gà ta giống. Từ năm 2012 đến nay, doanh thu từ bán trứng giống trên 1,2 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, từ các khoản chăn nuôi bò lai, nuôi heo, nuôi cá, trồng rừng, mỗi năm tôi thu lãi thêm 100 triệu đồng nữa”.