Một lần tại quán cà phê gần Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nghe nhóm sinh viên tán gẫu nhau: “Con đó đúng là không biết thân biết phận. Cái thứ quê mùa mà cũng bày đặt xung phong làm lớp trưởng…”.
Học cách sống hoà đồng
Một lần tại quán cà phê gần Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nghe nhóm sinh viên tán gẫu nhau: “Con đó đúng là không biết thân biết phận. Cái thứ quê mùa mà cũng bày đặt xung phong làm lớp trưởng…”.
Đem câu chuyện này hỏi phản ứng của sinh viên (SV), chúng tôi đều nhận về các câu trả lời tương tự nhau: “Chuyện thường tình đó mà”. Nguyễn Thị Ánh Linh, SV năm 3 Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, giải thích: “Ai giàu rồi cũng ra mặt. SV tỉnh lẻ như bọn em thường bị cho là quê mùa nên rất hay bị trêu chọc. Trong môi trường ĐH thì đầy rẫy những chuyện như vậy”.
Xung quanh chuyện “kẻ giàu, người nghèo”, cũng có khối tình huống “dở khóc dở cười” mà SV các trường chia sẻ với nhau. Như chuyện chọn bạn, những nhóm bạn được xem là giàu có, xài hàng hiệu thường tụ tập chơi với nhau. Những bạn không biết hàng hiệu là gì, điện thoại cổ lỗ, đi xe đạp cọc cạch thì không thể nào bước chung hàng với SV “quý-sờ-tộc”.
Đỗ Văn Ân, SV một trường ĐH tại TP.HCM, cho hay: “Lớp em có một thằng mà suốt mấy năm ĐH nó không tìm được đứa bạn nào vì chẳng ai có thể cùng đẳng cấp với nó. Nó chơi với đứa nào được một thời gian rồi thấy cũng chưa bằng đẳng cấp nên “out” ngay lập tức”.
Cũng có những tình bạn đẹp, nảy nở từ những con người không thuộc cùng một “đẳng cấp” này. H.T.M.H, SV tại TP.HCM, chia sẻ về câu chuyện ý nghĩa trong cuộc đời. Vốn là con nhà khá giả, lại là con gái út, M.H sống như tiểu thư khi còn nhỏ. Cuộc sống nhung lụa tạo cho cô gái này tính cách rất khó gần. Thường thì chẳng chơi được với ai mãi cho đến quãng thời gian SV, cô gái này đã gặp được một người bạn. Mà M.H hay nói “đây là đứa bạn nghèo nhưng tốt nhất của em”. Những lần M.H nói vậy với đứa bạn “tốt nhất” này đều bị đáp lại: “Tại H. trước đây không chịu mở lòng thôi, chứ đứa bạn nghèo nào cũng tốt hết á. Bạn giàu cũng tốt nữa, như H. chẳng hạn. Ai cũng tốt nếu ta biết hòa đồng”.
“Mình quý bạn mình trong từng hành động nhỏ. Gia đình nghèo, ba mẹ ly hôn rồi bỏ đi mỗi người một nơi, bạn ấy sống sống với ông bà ngoại, từ nhỏ đã phải lao động cực nhọc để mưu sinh. Lên đại học cũng tự bươn chải chứ không hề có tiền trợ cấp của gia đình. Từ ngày quen bạn, mỗi lúc có chuyện buồn hay gặp phải khó khăn gì em đều nghĩ đến bạn và cố vượt qua. Em thấy những khó khăn mình đang gặp phải chẳng thấm vào đâu so với đứa bạn của mình”, M.H kể.
Trần Thị Trúc Thu, cựu SV bày tỏ: “Chọn bạn là quyền riêng của mỗi người. Nhưng đâu phải không chơi được với nhau thì khinh khi nhau. Khi còn đi học là quãng thời gian mà chúng ta cần hoà đồng với nhau không chỉ để cùng nhau vui chơi mà còn giúp nhau trong việc học. Khi đi làm thì rất khó để có được những tình bạn đẹp”.
“Mỗi người đều có một ưu thế riêng, như bàn tay năm ngón, tuy không giống nhau nhưng mỗi ngón đều có chức năng của riêng mình. Do đó, cần tôn trọng sự khác biệt của nhau và đối xử với nhau bằng thái độ tôn trọng. Văn hoá, lịch sự chính là biểu hiện của tinh thần “quý tộc” thật sự. Và tất nhiên, khi trao đi cái gì sẽ nhận lại cái đấy thôi”, tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận.