25/12/2024

Saudi Arabia “bóp” Iran bằng giá dầu

Quan hệ Iran – Saudi Arabia đang căng thẳng nhưng đòn cân não giá dầu rẻ có thể đánh gục sức phản kháng của Iran.

 

Saudi Arabia “bóp” Iran bằng giá dầu

 

 

Quan hệ Iran – Saudi Arabia đang căng thẳng nhưng đòn cân não giá dầu rẻ có thể đánh gục sức phản kháng của Iran.

 

 

 

 

Người dân Iran lại xuống đường rầm rộ chiều 8-1 ở Tehran chống việc xử tử giáo sĩ al-Nimr - Ảnh: Reuters
Người dân Iran lại xuống đường rầm rộ chiều 8-1 ở Tehran chống việc xử tử giáo sĩ al-Nimr – Ảnh: Reuters

Chính quyền Saudi Arabia đã có những biện pháp trả đũa nhanh chóng với Iran, ngay sau khi tòa nhà đại sứ quán nước này ở Tehran bị đốt phá.

Các quyết định hệ trọng được công bố nhanh đến chóng mặt từ phía Saudi Arabia đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng và quan hệ giữa hai nước lớn ở đôi bên bờ vịnh Persic này rơi vào tình trạng thù địch khó bề kìm hãm.

Chúng tôi hi vọng Saudi Arabia có thể lắng nghe tiếng nói 
của lý trí

Ngoại trưởng Iran MOHAMMAD ZARIF

Trù tính kỹ

Dường như những diễn biến kể trên nằm trong một kế hoạch do Saudi Arabia soạn sẵn kịch bản. Khi quyết định tử hình Nimr al-Nimr – giáo sĩ có quan hệ mật thiết với Iran và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Shiite tại Saudi Arabia cũng như ở khu vực Đông Ả Rập – vương triều Saudi đã tính đến các phương án phải đối phó với phản ứng từ phía Iran và cộng 
đồng Shiite.

Dường như chuyện đại sứ quán ở Tehran và tổng lãnh sự quán ở Mashhad bị “quần chúng biểu tình” tấn công đốt phá cũng nằm trong các phương án mà Saudi Arabia đã dự tính.

Bởi thế, trước khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và trục xuất đoàn ngoại giao Iran tại Riyadh, toàn bộ êkip ngoại giao của Saudi Arabia ở Iran đã được rút về Dubai (UAE) an toàn, để những nơi bị đốt phá chỉ còn là trụ sở không người.

Bước đi quyết liệt “cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại” là đỉnh điểm của cả một chuỗi hành động mà Saudi Arabia đã thực hiện từ năm ngoái đến nay nhắm vào Iran.

Việc thay đổi đường lối với Iran không phải diễn ra tức thời, mà đã có một quá trình diễn biến kể từ đầu năm 2015, khi nhà vua Salman bin Abdulaziz lên ngôi và bổ nhiệm cả một thế hệ trẻ trung vào những vị trí cao nhất của chính quyền vương triều.

Nhà vua Salman hành động mau lẹ để chủ động ứng phó với tình hình khi ấy đang chuyển biến nhanh chóng theo hướng mà Saudi Arabia cho rằng hoàn toàn có lợi cho Iran trong khu vực.

Theo quan điểm của vương triều Salman, thoả thuận hạt nhân giữa Iran với P5+1 đạt được hồi giữa tháng 7-2015 chứng tỏ Mỹ và các nước lớn khác chỉ nhằm tạm thời trì hoãn tham vọng 
vũ khí hạt nhân của Iran, mà không hề quan tâm đến việc Iran liên tiếp bành trướng thế lực sang khu vực Ả Rập (Iraq, Syria, Libăng, 
Yemen, Bahrain…).

Iran được bãi bỏ trừng phạt quốc tế khi thoả thuận này có hiệu lực sẽ càng có điều kiện thuận lợi hơn nữa để thực hiện tham vọng bá chủ khu vực Trung Đông.

Với Saudi Arabia, Syria là địa bàn các hoạt động của Iran “công khai trắng trợn nhất”, mà Mỹ không hề phản ứng gì khác hơn là chỉ nhắm đánh IS và al-Qaeda. Bỏ mặc cho Iran và Nga dùng sức mạnh của hai quốc gia nhằm triệt hạ lực lượng đối lập do Saudi Arabia giúp sức.

Tại Yemen, Iran cũng hầu như không bị Mỹ và các nước lớn cản trở hữu hiệu khi chế độ Cộng hoà Hồi giáo không ngừng tiếp tay cho phiến quân Houthi chiếm quyền trên phạm vi cả nước.

Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani đang tận dụng lợi thế “tiến tới khôi phục quan hệ với Mỹ và phương Tây” để mở chiến dịch ngoại giao cải thiện quan hệ với các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Lá bài giá dầu rẻ

Việc Saudi Arabia kiên quyết không giảm sản lượng khai thác dầu thô của mình có chủ đích giữ cho giá dầu tiếp tục hạ thấp kéo dài, bất lợi trước hết cho Iran. Công nghệ khai thác của Iran rất lạc hậu (do bị cấm vận hàng chục năm liền), khiến chi phí khai thác cao hơn giá thị trường. Iran sẽ rơi vào tình trạng càng khai thác càng lỗ.

Trong bước đầu được thoát khỏi cấm vận quốc tế, Iran phải dựa vào nguồn tài chính thu được từ xuất khẩu dầu thô. Việc giá dầu thấp sẽ cản trở nghiêm trọng các nguồn thu của Iran, khiến nước này khó bề phát triển nhanh được.

Quả thật, trong bức thư của Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif gửi lên tổng thư ký Liên Hiệp Quốc được công bố hôm 8-1, phía Iran cáo buộc Saudi Arabia muốn “bóp nghẹt” nền kinh tế Iran khi làm giảm mạnh giá dầu – vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Iran.

Tuy nhiên, ngoại trưởng Iran khẳng định sau tất cả những khiêu khích trên của Saudi Arabia, Tehran vẫn không trả đũa hay hạ cấp quan hệ ngoại giao với Riyadh.

Việc Saudi Arabia bất ngờ “đạo diễn” thành lập “Liên minh quân sự Hồi giáo chống khủng bố” giữa tháng 12-2015 cũng có mục đích ngầm chuẩn bị chủ động đối phó với Iran.

Một là sẵn sàng đối đầu nếu Iran công khai nhảy vào Yemen hoặc một quốc gia vùng Vịnh nào khác. Hai là không loại trừ khả năng sẵn sàng can thiệp vào Syria, bởi Saudi Arabia vẫn nhắc lại quyết tâm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad “cho dù bằng giải pháp hòa bình hay bằng vũ lực”.

Thật khó lường hết những nguy cơ nghiêm trọng có thể xảy đến với khu vực này. Nếu Iran đáp trả bằng một cuộc “chiến tranh thần thánh” như đại giáo chủ Ali Khamenei cảnh báo, thì chưa biết cuộc đối đầu giữa hai “ông lớn” này sẽ khủng khiếp đến đâu.

Kho dầu lửa của thế giới lại một lần nữa bị đe doạ phóng hoả (nghĩa đen), mà nếu xảy ra còn dữ dội hơn cả hồi chiến tranh Iran – Iraq trong thập niên 1980 và khi Saddam Hussein đốt cháy các giếng dầu ở Kuwait đầu 
năm 1991!

Hi vọng tình hình có thể giảm nhiệt nhanh chóng vì lá thư của Ngoại trưởng Zarif được đánh giá là “chủ động làm dịu tình hình” với ngôn từ: “Chúng tôi không muốn và không có lợi ích trong việc làm gia tăng căng thẳng với nước 
láng giềng”.

NGUYỄN NGỌC HÙNG