23/12/2024

Uy thế hạt nhân Triều Tiên

Tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ngày 6.1 một lần nữa khiến dư luận quốc tế “đứng ngồi không yên” về khả năng hạt nhân thực sự của Bình Nhưỡng.

 

Uy thế hạt nhân Triều Tiên

 

 

Tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch ngày 6.1 một lần nữa khiến dư luận quốc tế “đứng ngồi không yên” về khả năng hạt nhân thực sự của Bình Nhưỡng.





Người dân ở Seoul theo dõi bản tin về vụ thử của Triều Tiên - Ảnh: Shutterstock

Người dân ở Seoul theo dõi bản tin về vụ thử của Triều Tiên – Ảnh: Shutterstock


CHDCND Triều Tiên hôm qua tuyên bố thử nghiệm bom nhiệt hạch (bom hydrogen, tức bom H) đầu tiên. Nếu được xác nhận, diễn biến này sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

“Với thành công hoàn hảo của vụ thử bom H do chúng ta chế tạo, chúng ta đã gia nhập hàng ngũ các quốc gia hạt nhân tiên tiến, đủ khả năng đánh bại mọi thế lực thù địch”, AFP dẫn lời phát thanh viên Đài truyền hình trung ương Triều Tiên hân hoan tuyên bố và cho biết thêm thiết bị được thử nghiệm là một quả bom cỡ nhỏ. Thông báo được đưa ra ngay sau khi Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) phát hiện một trận động đất mạnh 5,1 độ Richter xảy ra gần khu vực thử nghiệm hạt nhân chính Punggye-ri ở đông bắc Triều Tiên.
Kinh khủng hơn bom nguyên tử
 
 

Dân Trung Quốc sơ tán

Hôm qua 6.1, nhiều người Trung Quốc sống gần biên giới với Triều Tiên phải khẩn cấp sơ tán do rung chấn từ vụ thử hạt nhân.
Theo Đài CCTV của nước này, người dân tại tỉnh Cát Lâm cảm nhận rõ bàn ghế rung lắc trong vài giây, còn một số trường học phải lập tức sơ tán học sinh sau khi sân chơi bị nứt.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết giới hữu trách đang đánh giá ảnh hưởng đến môi trường của vụ thử nhưng nói thêm rằng phóng xạ tại khu vực ở mức “bình thường”.
 

Triều Tiên từng thử nghiệm các loại vũ khí phân hạch phá vỡ những nguyên tử cỡ lớn, chẳng hạn như plutonium, thành các nguyên tử nhỏ hơn, tạo ra năng lượng đáng kể. Ngược lại, bom H sử dụng phản ứng nhiệt hạch để kết hợp các nguyên tử cỡ nhỏ, chẳng hạn như hydrogen, nhằm tạo ra lượng năng lượng lớn hơn nhiều. Vũ khí hạt nhân dựa trên phản ứng phân hạch (bom A, thường được gọi là bom nguyên tử), chẳng hạn như 2 quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản hồi năm 1945, thường có sức công phá khoảng 10 – 15 kiloton, trong khi vũ khí nhiệt hạch tạo ra sức công phá tính bằng megaton (1 megaton = 1.000 kiloton).

Vụ thử bom H đầu tiên trên thế giới do Mỹ thực hiện vào ngày 1.1.1952 tại quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương và một năm sau, đến lượt Liên Xô thử thành công bom H của nước này. Vào ngày 30.10.1961, Liên Xô còn kích hoạt quả bom H mang tên “Tsar” (Sa hoàng) ở Bắc Cực. Với sức nổ tương đương 57 megaton, đây là thiết bị nổ mạnh nhất từng được con người chế tạo.
CNN dẫn lời ông Bruce Bennett, chuyên gia phân tích quốc phòng của tổ chức nghiên cứu RAND (Mỹ), nhận định các nước phải mất nhiều năm để độc lập phát triển vũ khí phân hạch và nhiều năm nữa để tiến đến thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch đầu tiên. Theo các chuyên gia phương Tây, Bình Nhưỡng gặp khó khăn trong việc nắm vững những khái niệm cơ bản của vũ khí phân hạch, khởi đầu bằng cuộc thử nghiệm vũ khí chưa đến 1 kiloton (năm 2006) và đạt được chỉ 10 kiloton trong cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ ba 7 năm sau đó. Điều này cho thấy trừ phi nhận được sự hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân khác, khó có khả năng Triều Tiên sở hữu một quả bom H kể từ lần thử hạt nhân vào năm 2013.
Với lập luận trên, nhiều ý kiến cho rằng tuyên bố ngày 6.1 của Triều Tiên là một sự phóng đại. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ một khả năng khác. Trong quá trình phát triển vũ khí nhiệt hạch, một số quốc gia đã cho ra cái gọi là “vũ khí phân hạch tăng cường” (boosted fission weapon). Loại này sử dụng một lượng ít nhiên liệu nhiệt hạch để thúc đẩy quá trình phân hạch, khiến các nguyên tử cỡ lớn phân hạch và phóng thích thêm năng lượng, có thể tạo ra một vũ khí có sức công phá khoảng 50 kiloton. Do có sự vận dụng quá trình nhiệt hạch, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tự nhận mình đã sở hữu và thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, trong khi thực tế đó có thể chỉ mới là vũ khí phân hạch tăng cường.
Nguy cơ khả dĩ
Theo chuyên gia Bennett, nếu Triều Tiên thực sự sở hữu vũ khí phân hạch tăng cường với sức công phá 50 kiloton, nước này có thể gây thiệt hại đáng kể ở một đô thị đông dân như thủ đô Seoul của Hàn Quốc, với khoảng 250.000 người có thể thiệt mạng. Và nếu một ngày nào đó Triều Tiên thực sự sở hữu một quả bom H cỡ 1 megaton, mức độ tàn phá sẽ càng dữ dội hơn nữa.
Trao đổi với BBC ngày 6.1, ông cho rằng quả bom mà Triều Tiên vừa thử nghiệm có thể cùng cỡ quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima nhưng chắc chắn không phải bom H. “Nếu là bom H, tiếng nổ sẽ lớn hơn gấp 10 lần so với những gì đã diễn ra”, ông nói. Yonhap cũng dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết sức nổ của vụ thử chỉ vào khoảng 6 kiloton và “không giống” một vụ thử nhiệt hạch.
Bất chấp mức độ xác thực của tuyên bố “thành công hoàn hảo” hôm qua, Triều Tiên hiện đã là một thế lực hạt nhân không thể coi nhẹ. Chuyên san quốc phòng The National Interest (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia ước tính Bình Nhưỡng hiện có 10 – 16 vũ khí hạt nhân. Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) dự đoán một kịch bản mà bên ngoài lo sợ nhất là Triều Tiên sở hữu đến 100 vũ khí hạt nhân vào năm 2020.
Quốc tế giận dữ
Tuyên bố thử thành công bom H của Triều Tiên đã gây bất ngờ lớn vì trong thông điệp đầu năm ngày 1.1, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không hề nhắc đến vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa. Nhiều nước, kể cả những quốc gia thân thiết như Nga và Trung Quốc, đồng loạt lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vụ thử, theo AFP.
Trong cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh quốc gia, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chỉ trích vụ thử là “hành động khiêu khích nghiêm trọng” và cảnh báo sẽ “thực thi mọi biện pháp” để buộc miền bắc “phải trả giá”. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định vụ thử của Triều Tiên là một “mối đe dọa nghiêm trọng không thể dung thứ” cho sự an toàn của Nhật. Mỹ tuy không xác nhận độ chân thực của tuyên bố trên, nhưng cam kết “ứng phó thích đáng với mọi hành động khiêu khích của Triều Tiên”.
Bộ Ngoại giao Nga cũng tuyên bố động thái của Bình Nhưỡng là “sự vi phạm nghiêm trọng” luật pháp quốc tế nếu được xác nhận, còn Reuters dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow cực kỳ quan ngại và Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh theo dõi sát sao tình hình.
Về phần mình, Trung Quốc “phản đối mạnh mẽ” và sẽ triệu đại sứ Triều Tiên ở Bắc Kinh để bày tỏ quan điểm chính thức. “Triều Tiên nên ngừng thực hiện những hành động làm cho tình hình trên bán đảo tồi tệ thêm”, AP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Doanh tuyên bố. Theo truyền thông Hàn Quốc, Triều Tiên đã không báo trước vụ thử cho Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định tuy là đồng minh thân thiết nhất của nhau, nhưng Trung Quốc không hề muốn nhìn thấy Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân vì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng về an ninh và ảnh hưởng chiến lược.
HĐBA LHQ cũng quyết định triệu tập họp khẩn tại New York (Mỹ) trong ngày 6.1 (giờ địa phương) đồng thời thông báo sẽ xem xét tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng.


Trùng Quang