Cây ngô đồng đỏ từ bao đời đã được người dân Cù Lao Chàm (TP.Hội An, Quảng Nam) khai thác, làm nên sản phẩm võng ngô đồng nức tiếng, nhưng lần đầu tiên loài cây này được nghiên cứu bài bản xây dựng thành chuỗi sản phẩm phục vụ ẩm thực, sức khoẻ, làm đẹp, nghỉ ngơi thư giãn…
Tại buổi ra mắt, giới thiệu các sản phẩm được làm từ ngô đồng đỏ – loài cây đặc hữu ở Cù Lao Chàm – vừa được Phòng Kinh tế TP.Hội An tổ chức, cảm giác đầu tiên của người xem là ngạc nhiên, xen lẫn thú vị, và ngay sau đó là liên tưởng đến sen, đến tre VN. Điều đó cũng có nghĩa, tất cả các bộ phận của cây ngô đồng đỏ đều có thể khai thác và sử dụng triệt để.
Sản vật từ 300 năm trước
“Đại sứ du lịch” Cù Lao Chàm
Nếm những chiếc bánh in, bánh quy ngô đồng, cảm nhận vị bùi bùi, béo béo, thơm ngon rất đặc trưng và nghe bà Nguyễn Thị Bông (TP.Hội An), người trực tiếp làm ra những chiếc bánh, chia sẻ quy trình làm bánh mà nghĩ đến ngày chính chiếc bánh đặc biệt và kỳ công này sẽ là những “đại sứ du lịch” cho Cù Lao Chàm đi khắp VN và ra thế giới. “Những chiếc bánh, những vốc hạt ngô đồng rang, hay dầu ăn ngô đồng chắc chắn sẽ không rẻ, vì hạt ngô đồng rất hiếm, lại giàu giá trị dinh dưỡng, nhưng tôi tin rằng du khách sẽ hài lòng, xứng đáng để tiêu tiền bởi chính giá trị của ngô đồng đỏ trên đất Cù Lao Chàm. Đó sẽ là sản vật đặc biệt của cù lao”, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành uỷ Hội An, kỳ vọng về tiềm năng của những sản phẩm làm từ ngô đồng.
Từ hơn 300 năm trước, người dân cù lao đã dùng thân ngô đồng đỏ tước mỏng, se sợi và đan thành những chiếc võng huyền thoại. Những gùi, võng ngô đồng luôn có mặt ở những chuyến mua bán, đổi chác với người trong đất liền và được mang đi khắp nơi. Người ta truyền tai nhau nằm võng ngô đồng mềm mại, mượt mà, êm mát được đan bởi chính đôi tay khéo léo của những người phụ nữ thuần hậu, cả một đời chưa bước chân ra khỏi cù lao… Mỗi chiếc võng ngô đồng kỳ công, tuỳ vào võng tư (khoảng cách giữa 2 múi là 4 dây), hay võng sáu (6 dây) mà thời gian đan từ 1 tháng đến gần 2 tháng, bù lại chúng có độ bền trên 15 năm. Họ cứ đan miệt mài như vậy, để mỗi ngày đều có một vài chiếc võng ngô đồng rời cù lao, theo chân du khách đi khắp nơi trên thế giới.
Với nỗ lực khẳng định giá trị mà ngô đồng đỏ mang lại, đồng thời tạo chuỗi sản phẩm được làm từ ngô đồng đỏ, Phòng Kinh tế TP.Hội An đã mang hạt ngô đồng đi nghiên cứu, thẩm định rồi phối hợp chế biến ra các loại bánh đậu xanh ngô đồng, bánh quy, bánh in, dầu ăn ngô đồng, hạt ngô đồng rang sấy. Bên cạnh đó còn có mỹ phẩm gồm kem dưỡng da mặt, dưỡng môi từ hạt ngô đồng. Phong phú nhất vẫn là đồ thủ công mỹ nghệ như túi ốc, tranh ốc trang trí được làm từ sợi ngô đồng, hay những chiếc túi xách, mũ, võng ngô đồng xinh xắn. Đây được xem là một cuộc “ra mắt” đầu tiên và chính quy nhất của những sản phẩm được chế xuất từ ngô đồng ở VN. “Chúng tôi muốn xây dựng các sản phẩm từ ngô đồng thành sản vật đặc sắc của địa phương, cũng là cơ hội để phát huy các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, của đất và người Cù Lao Chàm”, bà Nguyễn Thị Xuân Vui, Phó trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An, chia sẻ tại buổi giới thiệu sản phẩm.
Các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ làm từ sợi ngô đồng
Phát triển vùng nguyên liệu
Nằm cách TP.Hội An gần 20 km về phía đông, Cù Lao Chàm từ lâu đã được xem như là thiên đường của ngô đồng, loài cây có mặt trên cù lao từ thuở hoang sơ, được xem là biểu tượng của cù lao, vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN công nhận là Cây di sản VN vào giữa năm 2015. Ở Cù Lao Chàm, ngô đồng đỏ mọc nhiều ở độ cao 50 – 500 m và là quần thể ngô đồng tập trung dày đặc nhất vùng Đông Nam Á. Hiện tại, song song với chiến lược xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, ngô đồng đỏ tại Cù Lao Chàm đang được trồng thành vùng nguyên liệu ở khu vực cánh đồng Chùa (xã Tân Hiệp, TP.Hội An) phục vụ khai thác và bảo tồn. “Ngô đồng trồng khoảng 4 năm là có thể khai thác được và vùng nguyên liệu hiện tại chắc chắn sẽ phải mở rộng để phục vụ khai thác, sản xuất. Vì chúng tôi muốn thương hiệu phải được xây dựng bền vững và ổn định. Bên cạnh đó, UBND TP.Hội An còn phối hợp Hạt Kiểm lâm Cù Lao Chàm kiểm soát chặt chẽ quá trình khai thác ngô đồng đỏ trên cù lao, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân khai thác ồ ạt, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển cũng như bảo tồn ngô đồng đỏ”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, khẳng định.
Xây dựng chuỗi sản phẩm làm từ ngô đồng đỏ từ khâu kiểm định chất lượng, giá trị dinh dưỡng, làm thí điểm các sản phẩm phục vụ ẩm thực, đồ gia dụng, mỹ phẩm, cho đến đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ…, có thể nói ngành kinh tế Hội An đang nỗ lực khôi phục nghề thủ công “một thời vang bóng” của xứ cù lao. Đây cũng sẽ là chuỗi sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa làm phong phú thêm các sản phẩm văn hoá, du lịch, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế của xã đảo.