Mịt mờ thời trang Việt
Nhiều ý kiến cho rằng, khi thuế nhập khẩu sản phẩm thời trang nguyên chiếc từ 20% hiện nay giảm còn 0% khi VN gia nhập TPP, những thương hiệu thời trang ít ỏi trong nước sẽ gặp khó.
Mịt mờ thời trang Việt
Nhiều ý kiến cho rằng, khi thuế nhập khẩu sản phẩm thời trang nguyên chiếc từ 20% hiện nay giảm còn 0% khi VN gia nhập TPP, những thương hiệu thời trang ít ỏi trong nước sẽ gặp khó.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Chị Hồng, một khách hàng ngụ tại Q.1, TP.HCM, khoe trong dịp Black Friday tại Mỹ (chiến dịch bán hàng giảm giá cực mạnh trong cuối tháng 11) vừa qua, chị đặt mua mấy áo sơ mi và quần jeans cho cả nhà. Sau khi nhận hàng chị rất thích, nhất là mức giá theo chị “rất vừa phải”. Cụ thể 1 áo sơ mi Gap sau giảm giá chỉ còn 15 – 17 USD, nếu cộng thêm một số phí như thuế, công mua và phí vận chuyển về VN cũng chỉ khoảng 18 – 20 USD, tương đương 400.000 – 450.000 đồng/áo. Giá này chỉ tương đương hoặc thấp hơn cả hàng may mặc trong nước. Những sản phẩm thương hiệu mạnh khác giá sau khuyến mãi cũng chỉ có khoảng 600.000 đồng.“Hàng thương hiệu nước ngoài về VN quá cao. Ví dụ áo hàng hiệu loại bình dân giá giảm ở Mỹ chỉ còn 7 – 10 USD nhưng về VN có giá gấp đôi, trong khi ở các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia cũng chỉ khoảng 13 – 15 USD. Vậy sắp tới khi VN mở cửa thị trường, thuế nhập khẩu còn 0% thì không biết người VN có được mua hàng giá rẻ hơn hiện nay hay không”, chị Hồng băn khoăn.
Đặt câu hỏi này lên bàn các doanh nghiệp (DN) và các nhà nhập khẩu hàng thời trang, câu trả lời là có, tuy nhiên mức độ hưởng lợi cụ thể như thế nào thì chưa rõ. Đại diện một nhà nhập khẩu nhiều thương hiệu nước ngoài cho biết, khi thuế giảm sẽ có nhiều hàng hiệu qua mùa được bán với giá giảm kịch sàn như ở nước ngoài kiểu ở các outlet (nơi chuyên bán hàng qua mùa, hàng tồn với giá rất rẻ) và DN không phải xuất ngược lại cho đối tác. Sẽ có những trung tâm outlet đúng nghĩa tại VN và người dùng có thêm cơ hội lựa chọn. Nhưng giá bán hàng ở VN không chỉ phụ thuộc vào thuế nhập khẩu mà còn bao gồm nhiều loại chi phí khác. Vì vậy việc giảm giá bán ở VN như thế nào sẽ tuỳ thuộc vào từng thời điểm cụ thể và tuỳ theo lượng tiêu thụ của thị trường.
Còn theo bà Nguyễn Thị Điền, Tổng giám đốc Công ty may An Phước, bà cũng chưa hình dung được thị trường thời trang trong nước sẽ ra sao khi TPP chính thức có hiệu lực. Nhưng nếu thuế nhập khẩu hàng may mặc nguyên chiếc còn 0% thì sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Có khả năng nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ sẽ đi nhập khẩu hàng Thái, hàng Hàn Quốc, Nhật Bản về để bán thay vì tự sản xuất.
Doanh nghiệp nội lo đối phó
Thực tế trước đây, thị trường may mặc VN đã có sự cạnh tranh giữa hàng trong nước với hàng nhập khẩu ở phân khúc trung bình từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đặc biệt từ năm 2012 khi thuế nhập khẩu hàng may mặc từ các nước trong khu vực ASEAN vào VN chỉ còn 0% thì các thương hiệu may nội địa dường như càng lép vế, nhiều công ty phải thu hẹp dần dần hoạt động.
Theo ước tính của Hiệp hội Dệt may VN, chỉ khoảng 20% DN sản xuất trong ngành “mặn mà” với việc sản xuất hàng may mặc phục vụ cho thị trường nội địa, phần còn lại tập trung cho xuất khẩu. Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may VN phân tích, hàng nước ngoài sẽ vào VN nhiều hơn. Đó là sự đe doạ cho các DN trong nước. Chỉ có 2 giải pháp nếu DN muốn thành công là đẩy mạnh thiết kế, xây dựng thương hiệu mạnh đồng thời phải tích cực mở hệ thống bán lẻ, từ cửa hàng đến trung tâm thương mại, từ thành phố đến nông thôn. Như vậy mới cạnh tranh được.
Bà Lê Thị Hà Chi, Giám đốc Trung tâm thời trang Novelty thuộc Tổng công ty may Nhà Bè, thị trường thời trang VN vẫn đang nằm trong phân khúc thời trang đại trà. Nhưng phân khúc trung, cao cấp đang có xu hướng tăng lên và gu thời trang của người VN bắt đầu đòi hỏi cao hơn về sự tinh tế và thẩm mỹ. Đây sẽ là cơ hội cho các DN trong nước phát triển nhưng phải có chính sách đầu tư bài bản và lâu dài. Bản thân Nhà Bè đã từng làm cho các thương hiệu thời trang lớn như Mango, H&M, Zara, Tommy, Mask & Spencer,… nên đây sẽ là lợi thế để công ty thực hiện các công đoạn từ thiết kế, chất liệu nguyên phụ liệu, dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, hình ảnh kênh phân phối và quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng VN. Tương tự, bà Nguyễn Thị Điền cho biết dù lo lắng nhưng bản thân DN phải tự cố gắng để tăng sức cạnh tranh. Quan trọng là DN phải cộng thêm vào sản phẩm giá trị gia tăng như thế nào để làm hài lòng khách hàng và giữ chân được họ. An Phước đã có một bộ phận khách hàng quen thuộc và tin tưởng vào sản phẩm này nhưng không vì thế mà chủ quan. Doanh nghiệp luôn phải cố gắng để đảm bảo được chất lượng sản phẩm, liên tục cải tiến mẫu mã để bắt kịp xu hướng thời trang thay đổi không ngừng.
Thương hiệu ngoại sẽ vào VN nhiều hơn
Theo Bộ Công thương, năm 2014 giá trị tiêu dùng hàng dệt may trong nước khoảng 3,5 tỉ USD (tương đương gần 75.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, thực tế có thể lớn hơn con số kể trên bởi thị trường đang có rất nhiều nguồn hàng không rõ xuất xứ. Hiện ước tính thị trường VN có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm hơn 60% phân khúc trung bình đến cao cấp. Ông Nguyễn Hữu Phụng, Tổng giám đốc Công ty Thời trang Việt, từng cho rằng nếu như 4 thương hiệu thời trang Zara, Uniqlo, H&M, Forever 21 trực tiếp vào thị trường VN bán hàng thì thị trường sẽ trở nên khốc liệt hơn. Bởi các thương hiệu này “phủ sóng” ở phân khúc rộng nhất khi cung cấp đa dạng sản phẩm cho mọi giới, mọi lứa tuổi vào chung một cửa hàng hoành tráng. Đặc biệt các thương hiệu này có hệ thống phân phối trải dài ở nhiều nước nên giá cả khá cạnh tranh.
|
Mai Phương