Chiến tranh lạnh” Saudi – Iran đe doạ cả Trung Đông
Màn khẩu chiến dữ dội giữa Saudi Arabia và Iran vì vụ Riyadh hành quyết giáo sĩ Hồi giáo Shiite Nimr al-Nimr là một trang mới trong cuộc xung đột giằng dai và căng thẳng giữa hai quốc gia có chung giấc mơ bá chủ Trung Đông.
Chiến tranh lạnh” Saudi – Iran đe doạ cả Trung Đông
Lửa hận thù giữa Saudi Arabia và Iran luôn âm ỉ từ hàng chục năm qua và cứ được dịp lại bùng lên dữ dội…
Người Iran biểu tình phản đối Saudi Arabia ở Tehran – Ảnh: Reuters |
Theo các chuyên gia Viện Trung Đông và Trung tâm Chính sách Trung Đông, do trang Middle East Eye dẫn lời màn khẩu chiến dữ dội giữa Saudi Arabia và Iran vì vụ Riyadh hành quyết giáo sĩ Hồi giáo Shiite Nimr al-Nimr là một trang mới trong cuộc xung đột giằng dai và căng thẳng giữa hai quốc gia có chung giấc mơ bá chủ Trung Đông.
Lửa hận thù giữa Saudi Arabia và Iran luôn âm ỉ từ hàng chục năm qua và cứ được dịp lại bùng lên dữ dội.
Còn nhớ hồi năm 2010, trang web WikiLeaks công bố các tài liệu ngoại giao mật cho thấy vua Abdullah của Saudi kêu gọi Mỹ tấn công Iran để xóa sổ chương trình hạt nhân của Tehran. Vua Abdullah mô tả Washington cần “chặt đứt đầu rắn”.
Dù cả Saudi và Iran đều là quốc gia Hồi giáo, nhưng Saudi là vương quốc Hồi giáo Sunni có mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ và Anh, còn Iran là nhà nước cộng hoà Hồi giáo Shiite được thành lập trên cơ sở chống phương Tây.
Cả Riyadh và Tehran đều muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới Hồi giáo và có quan điểm rất khác biệt về trật tự và ổn định khu vực Trung Đông.
Từ năm 1979 đến nay, sự thù địch giữa vương quốc Hồi giáo Sunni Saudi và chế độ thần quyền Shiite Iran đã đẩy hai nước vào thế xung đột có rất nhiều điểm tương đồng với cuộc đối đầu Mỹ – Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Và đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực Trung Đông chìm đắm trong bạo lực, chiến tranh, không có một ngày yên bình.
Lá bài Sunni – Shiite
Trên thực tế, căng thẳng Saudi – Iran không xuất phát từ mâu thuẫn Sunni – Shiite. Quan hệ hai nước từng có thời kỳ êm ả khi vua Mohammad Reza Pahlavi trị vì tại Tehran. Nhưng tất cả đột ngột thay đổi vào năm 1979 khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra ở Iran, chế độ thần quyền được thiết lập và giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini lên nắm chức lãnh tụ tối cao. Vấn đề là Khomeini có tham vọng trở thành lãnh tụ của cả thế giới Hồi giáo.
Ông muốn biến Cách mạng Iran trở thành Cách mạng Hồi giáo để người Hồi giáo Sunni cũng thần phục ông.
Do đó, Khomeini giương lá cờ chống Mỹ, kêu gọi xoá sổ ảnh hưởng của phương Tây tại Trung Đông, huỷ diệt Israel và lật đổ các vương triều “phản động” như vương triều Saudi Arabia. Khomeini coi hoàng tộc Saudi là công cụ của Mỹ, do đó quyết lật đổ vương triều ở Riyadh.
Khomeini mở chiến dịch công kích hoàng tộc Saudi và đòi kiểm soát hai thánh địa Mecca và Medina ở Saudi.
Để đối phó với Iran, chính quyền Saudi chỉ trích tham vọng của Khomeini là âm mưu đưa người Shiite trở thành lực lượng thống trị người Sunni và tự mô tả mình là “người bảo vệ Hồi giáo Sunni”. Riyadh mở chiến lược kích động xung đột Sunni – Shiite.
Chiến tranh Iran – Iraq năm 1980 là một bước leo thang mới trong cuộc đối đầu Saudi – Iran. Tổng thống Iraq người Sunni Saddam Hussein lo ngại chiến dịch của Khomeini kích động làn sóng chống chính phủ của người Shiite tại Iraq, do đó mở cuộc tấn công Iran.
Chính quyền Saudi cung cấp cho Iraq 25 tỉ USD để nuôi dưỡng cuộc chiến. Và chiến tranh chấm dứt năm 1988 với kết quả là hơn 500.000 người Iran thiệt mạng.
Căng thẳng Saudi – Iran tiếp tục âm ỉ và lại bùng lên thành lửa đỏ vào ngày 2-8-1987.
Trong lễ hành hương Hajj ở Mecca, hàng nghìn người Iran diễu hành tới Mecca để phản đối chính sách của Saudi và Mỹ.
Đụng độ giữa người Iran và cảnh sát Saudi nổ ra, hơn 400 người thiệt mạng, trong đó có 275 người Iran.
Vài ngày sau, người Iran tấn công Đại sứ quán Saudi ở Tehran, bốn nhà ngoại giao Saudi bị bắt cóc. Khomeini kêu gọi lật đổ vương triều Saudi.
Bước ngoặt bất ngờ
Năm 1989, lãnh tụ Khomeini qua đời, Ayatollah Ali Khamenei lên nắm quyền. Sự kiện Iraq xâm lược Kuwait năm 1990 đã giúp khôi phục phần nào quan hệ Saudi – Iran.
Đến năm 1991, hai nước đạt được thoả thuận về lễ hành hương Hajj. Trong suốt thập niên 1990, mối quan hệ này là khá êm ả dù đôi bên có rất nhiều khác biệt.
Nhưng sự kiện Mỹ xâm lược Iraq năm 2003 đã làm thay đổi cán cân quyền lực Saudi – Iran. Trước đó, ảnh hưởng của Iran với khu vực khá hạn chế, chủ yếu là hỗ trợ Hezbollah ở Libăng và Hamas tại Bờ Tây.
Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ, lực lượng Shiite thân Iran lên nắm quyền ở Baghdad. Cánh cửa đã mở để Iran thay đổi trật tự khu vực.
Tiếp đến là cách mạng Mùa xuân Ả Rập xô đổ nhiều chính phủ ở Trung Đông, đổ thêm dầu vào lửa xung đột Saudi – Iran.
Khi một chế độ thân Saudi bị đe dọa, Tehran rót tiền và nguồn lực ủng hộ phe đối lập trong khi Riyadh cố duy trì hiện trạng. Khi một đồng minh của Iran bị đẩy đến bờ vực sụp đổ, Saudi tung cú đòn kết liễu còn Iran nỗ lực ngăn chặn.
Nội chiến Syria trở thành một cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm” giữa Saudi và Iran.
Chính quyền Riyadh cung cấp tiền bạc, vũ khí cho các nhóm nổi dậy, trong khi Tehran đưa quân tới hỗ trợ quân đội Tổng thống Bashar al-Assad.
Ở Bahrain, với bàn tay hỗ trợ của Iran, cộng đồng Shiite tổ chức các cuộc biểu tình dữ dội chống vương triều Sunni. Saudi Arabia lập tức điều lực lượng đến trấn áp làn sóng biểu tình.
Và mới đây là tại Yemen, Iran ồ ạt hỗ trợ tài chính và vũ khí cho quân nổi dậy Houthi (thuộc giáo phái Shiite) và Houthi đã chiếm được thủ đô Sanaa hồi đầu năm 2015.
Lập tức, Saudi cùng liên minh các chính quyền Sunni mở chiến dịch không kích dữ dội tại Yemen để tiêu diệt lực lượng Houthi. Một cuộc “chiến tranh uỷ nhiệm” nữa bùng phát tại Trung Đông.
Mâu thuẫn giáo phái Sunni – Shiite đang trở thành công cụ để Saudi và Iran tranh giành quyền lực và ảnh hưởng.
Lực lượng Houthi được Iran chống lưng ở Yemen – Ảnh: Reuters |