Ngày 25.12, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, bất ngờ đăng bài xã luận bảo vệ quyền phát triển công nghệ nghiên cứu không gian của nước này.
Tờ báo cho rằng cuộc phóng tên lửa đưa vệ tinh Kwangmyongsong-4 vào quỹ đạo hồi năm ngoái là bước đi chính đáng, giúp Triều Tiên bước vào kỷ nguyên phát triển vệ tinh ứng dụng. Trong khi đó, giới tình báo phương Tây và các chuyên gia cho rằng bài xã luận là dấu hiệu Bình Nhưỡng sắp tiếp tục phóng vệ tinh. Lâu nay, động thái này thường bị các đối thủ xem là thử nghiệm tên lửa tầm xa trá hình.
Bài viết được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên chỉ trích nghị quyết trừng phạt mới của LHQ là “hành động chiến tranh do Mỹ cùng đồng minh kích ngòi”.
Song song với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis yêu cầu binh sĩ chuẩn bị sẵn sàng cho viễn cảnh bùng nổ xung đột, giới quan sát nhận định căng thẳng gia tăng khiến nguy cơ tấn công hạt nhân tại Mỹ ngày càng trở nên đáng lo ngại. Theo khảo sát mới của tờ Investors’ Business Daily, 73% người Mỹ tham gia cho biết họ “rất quan ngại” hoặc “quan ngại” khả năng bị Triều Tiên tấn công hạt nhân.
Trước tình hình này, một trong những vấn đề đang được nhiều người quan tâm là các loại thực phẩm có thể dự trữ trong hầm ngầm để sống sót qua thời gian dài. Nhiều chuyên gia về cách sống sót trong tình trạng khẩn cấp gần đây liên tục đưa ra công thức chế biến thực phẩm dự trữ.
Nắm bắt tâm lý này, Tập đoàn Costco chào bán các gói thực phẩm dự trữ cho trường hợp khẩn cấp với giá từ 1.000 USD (22,69 triệu đồng) đến 6.000 USD. Gói rẻ nhất gồm 6.200 phần ăn có thể bảo quản trong 25 năm với thành phần chế biến từ lúa mì, gạo, ngũ cốc, trái cây, thịt bò, sữa… Một nhà sản xuất khác cho hay doanh thu của công ty tăng đến 40% trong vòng 4 tháng qua.
Các nhà bán lẻ khác cũng nhanh chóng vào cuộc, chẳng hạn như gói thực phẩm sinh tồn của Walmart có thể dự trữ trong vòng 1 tuần. Đài Fox News dẫn lời chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ Ken Dalto cho rằng nguy cơ tấn công hạt nhân là nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt thực phẩm sinh tồn.
Trong thời Chiến tranh lạnh, chuyện chuẩn bị thực phẩm giúp sống sót qua thảm họa hạt nhân từng là vấn đề được quan tâm hàng đầu ở Mỹ. Theo tạp chí Eater, nỗi sợ bị Liên Xô tấn công khiến cả nước đua nhau đào hầm trú ẩn. Công binh và hướng đạo sinh được giao nhiệm vụ khảo sát các mỏ bỏ hoang, hang động để sơ tán người dân trong trường hợp khẩn cấp. Năm 1955, Tổng thống Dwight Eisenhower còn phát động chiến dịch mỗi gia đình dự trữ sẵn lương thực và nước uống đủ dùng trong 7 ngày. Bên cạnh đó, nhiều bộ ngành hợp tác với các hãng thực phẩm lớn nghiên cứu cho ra một loại bánh quy giòn làm từ lúa mì có thể bảo đảm các điều kiện đủ dinh dưỡng, trữ được lâu và giá rẻ.
Cuối năm 1964, gần 165.000 tấn bánh quy giòn chứa trong hộp thiếc kín được đưa xuống nhiều hầm trú ẩn trên cả nước. Đến sau năm 1970, khi lo ngại từ Chiến tranh lạnh đã nguôi, Mỹ “khai quật” số hàng này để viện trợ cho các nước bị thiên tai và nạn đói. Tuy nhiên, chương trình bị ngưng do một số người được cứu trợ ở Guatemala gặp các triệu chứng bất thường về tiêu hóa sau khi ăn bánh. Số còn lại được dùng để chế biến thức ăn gia súc. Tuy nhiên, nhiều hộp bánh vẫn còn tồn tại đến ngày nay và được rao bán trên mạng, theo Eater.