26/12/2024

Công nghệ không thay thế nhân lực ngành xã hội và mỹ thuật

Khoa học xã hội – nhân văn và mỹ thuật được xem là 2 khối ngành thể hiện nhiều nhất sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân. Đây còn là những ngành cơ hội việc làm khả quan ngay cả khi công nghệ phát triển mạnh mẽ.

 

Công nghệ không thay thế nhân lực ngành xã hội và mỹ thuật

Khoa học xã hội – nhân văn và mỹ thuật được xem là 2 khối ngành thể hiện nhiều nhất sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân. Đây còn là những ngành cơ hội việc làm khả quan ngay cả khi công nghệ phát triển mạnh mẽ.


 
 
 

Công nghệ chỉ hỗ trợ chứ không thay thế con người ngành xã hội - mỹ thuật  
 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Công nghệ chỉ hỗ trợ chứ không thay thế con người ngành xã hội – mỹ thuật  ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Nội dung này được thể hiện trong buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chọn ngành phù hợp: nhóm ngành khoa học xã hội và mỹ thuật” tại thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Không bị “đe dọa” việc làm
 
 
 
Công nghệ không thay thế nhân lực ngành xã hội và mỹ thuật - ảnh 1
“Bước vào cuộc đàm phán mà giá trị hợp đồng lên cả tỉ đô la thì tôi tin rằng không ai dám sử dụng máy dịch”
 
 
Ông Phạm Xuân Hoàng Ân
 

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dù công nghệ có phát triển tới mức nào thì con người vẫn là yếu tố khó thay thế và các ngành học trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn vì thế sẽ vẫn phát triển.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thúy Nga, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM, nói: “Vai trò của con người không thể thay thế được vì con người làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy nhóm việc làm thuộc khối ngành liên quan đến con người này sẽ không bị đe dọa. Nhóm ngành này giải quyết các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa người với người. Ví dụ công tác xã hội là nhóm ngành chuyên biệt và có vai trò rất quan trọng. Còn ngoại ngữ cơ hội việc làm đang rất rộng mở”.
 
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cũng nhấn mạnh: “Khối ngành này sẽ rất ít bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của công nghệ”.
 
Phân tích sâu hơn về tác động của công nghệ với công việc biên – phiên dịch, ông Phạm Xuân Hoàng Ân, nguyên Trưởng phòng Kinh tế – chính trị Sở Ngoại vụ TP.HCM, cho biết hiện đã có loại máy dịch được 40 ngôn ngữ khác nhau. Sự phát triển công nghệ này sẽ ảnh hưởng một phần đến công việc biên – phiên dịch nhưng chỉ hỗ trợ mang tính cá nhân. “Bước vào cuộc đàm phán mà giá trị hợp đồng lên cả tỉ đô la thì tôi tin rằng không ai dám sử dụng máy dịch. Đặc biệt trong dịch nói còn cần có sự tương tác giữa người nói và người nghe”, ông Ân nói.
 
Minh họa nhận định trên, ông Ân nêu ví dụ: “Nếu nói “tôi đồng ý” thì máy sẽ dịch được nhưng máy sẽ không thể biểu hiện được cảm xúc người nói. Trong trường hợp này người phiên dịch sẽ có thể chuyển tải nội dung, cảm xúc và cả những ẩn ý đằng sau người nói. Do vậy người muốn theo học ngành này thì hãy tự tin về công việc này trong tương lai”.
 
Ở khối ngành mỹ thuật, thạc sĩ – hoạ sĩ Trần Thanh Cảnh, giảng viên Khoa Thiết kế và nghệ thuật Trường ĐH Hoa Sen, nhìn nhận: “Công nghệ hỗ trợ đắc lực cho người làm mỹ thuật nhưng người làm công việc này cần sáng tạo để đặt cá tính của mình đúng vị trí”. Ông Võ Thái Hiển, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần CHILI, cho biết: “Quan trọng ở đây là tư duy, còn công nghệ chỉ hỗ trợ. Ví dụ trong lĩnh vực thiết kế đồ họa có rất nhiều mảng chuyên sâu, không thể ỷ lại vào công nghệ đồ hoạ. Nếu công cụ đó đặt vào tay họa sĩ sẽ tạo thành tác phẩm nghệ thuật, còn vào tay người bình thường có thể chỉ là vòng tròn méo”.
 
Các yếu tố để tìm được việc làm
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển thông tin, nhóm ngành ngôn ngữ đang có mức thu nhập cao với tỷ lệ việc làm cao nhất trong số các ngành đào tạo của trường. Ở ngành thiết kế, ông Võ Thái Hiển cho biết lương cao hơn ngành khác từ 20 – 30%.
 
Thu nhập cao nhưng theo các chuyên gia công việc này yêu cầu rất cao. Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, người học các ngành về khoa học xã hội nhân văn không chỉ trang bị kiến thức một ngành mà phải có hiểu biết liên ngành.
 
Riêng với người làm nghề biên – phiên dịch, ông Phạm Xuân Hoàng Ân cho biết đơn vị tuyển dụng thường tìm kiếm người đam mê với ngành nghề đó và đánh giá điều này thông qua sơ yếu lý lịch và đơn xin việc, nhưng quan trọng nhất vẫn là kiến thức cơ bản thể hiện trong quá trình trao đổi trực tiếp. Ứng viên còn cần thể hiện tiềm năng, sẵn sàng học hỏi để phát triển bản thân tốt nhất.
 
Ông Ân nhấn mạnh: “Không chỉ cần kiến thức chuyên môn đủ giỏi, nhà tuyển dụng rất quan tâm tới kỹ năng mềm. Khi đến xin việc thì thái độ thể hiện, cách giao tiếp cần đủ lịch sự và lễ phép. Đó còn là thái độ tích cực về cuộc sống và công việc thể hiện qua thần sắc, năng lượng tỏa ra đủ làm nhà tuyển dụng cảm thấy dễ chịu”.
 
Thay đổi phương thức xét tuyển và đào tạo

Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Năm nay xét tuyển thêm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM. Dự kiến kỳ thi tổ chức vào ngày 7.7 tại 3 điểm: Bình Định, TP.HCM và Cần Thơ. Nội dung thi sẽ gồm các kiến thức tổng hợp, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Bài thi làm trong 150 phút với 120 câu. Thí sinh có thể sử dụng kết quả cả 2 kỳ thi để nộp hồ sơ xét tuyển. Trường dành 12% chỉ tiêu cho tất cả các ngành từ kỳ thi đánh giá năng lực.
 
Trường ĐH Mở TP.HCM bổ sung đối tượng tuyển thẳng là học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu trực thuộc các trường ĐH trong cả nước. Trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho 2 ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Nhật.
 
Trường ĐH Hoa Sen: Năm nay tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển bằng các tuyển tập tác phẩm nghệ thuật của thí sinh vào các ngành mỹ thuật.
 
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: Sử dụng 2 phương thức xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia và học bạ vào các ngành khoa học xã hội và mỹ thuật. Sinh viên trúng tuyển các ngành này được nhận học bổng từ doanh nghiệp lên tới 40% học phí.
 
Trường ĐH Duy Tân: Đào tạo 7 ngành thuộc khối ngành xã hội, mỹ thuật. Trường đưa vào tổ hợp môn có chứa bài thi khoa học xã hội để xét tuyển các ngành này. Trường giảm 50% học phí cho sinh viên các ngành này.
 
Trường ĐH Lạc Hồng: Đào tạo các ngành như Nhật Bản học, Hàn Quốc học, ngôn ngữ Anh, Việt Nam học… Sinh viên ngành ngoại ngữ đến năm thứ 3 có thể học thêm ngành ngoại ngữ khác.
 
Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Ngành tiếng Anh đào tạo theo 3 hướng: giảng dạy, biên – phiên dịch, văn phòng. Chương trình học 4 năm gồm 180 tín chỉ.
 
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Năm nay trường đưa toàn bộ môn đại cương dạy trực tuyến. Vì vậy, trừ khối ngành sức khoẻ thì chương trình ĐH giảm từ 4 năm xuống 3,5 năm và 3 năm.