28/11/2024

Uber, Grab là taxi hay là công ty công nghệ?

Toà công lý châu Âu ra phán quyết Uber là công ty vận tải thay vì là một ứng dụng công nghệ. Điều đó có nghĩa là Uber – Grab cũng chính là taxi?

 

Uber, Grab là taxi hay là công ty công nghệ?

 

Toà công lý châu Âu ra phán quyết Uber là công ty vận tải thay vì là một ứng dụng công nghệ. Điều đó có nghĩa là Uber – Grab cũng chính là taxi?


  •  

 

Uber, Grab là taxi hay là công ty công nghệ? - Ảnh 1.

Grab chở khách tại TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại Việt Nam, câu chuyện Uber và Grab là doanh nghiệp vận tải hay công nghệ cũng đang dần sáng tỏ khi chỉ còn chừng hơn một tuần nữa là thời hạn thí điểm hai năm đã hết. 

Theo các chuyên gia, việc Uber hay Grab khẳng định mình chỉ cung cấp phần mềm hỗ trợ vận tải không nằm ngoài mục đích lách thuế, cũng như né các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.

Grab-Uber chỉ là công ty công nghệ

Trong một lần trò chuyện về chủ đề công nghệ 4.0 gần đây, CEO của Grab Việt Nam Nguyễn Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp hoạt động như Grab hay Uber chỉ là công ty công nghệ, dùng ứng dụng công nghệ để giải quyết, cải thiện các vấn đề vận tải của xã hội.

Theo đó, nếu luật yêu cầu Grab hay Uber phải ký hợp đồng lao động với tất cả tài xế, các công ty này sẽ đóng cửa vì chi phí sẽ tăng lên rất cao.

Nếu ký hợp đồng, tài xế phải đi làm trong thời gian quy định, điều này cũng không đúng với mô hình hoạt động của Grab hay Uber.

Ngược lại, tài xế của Grab sẽ được tự do về thời gian, tự chủ trong công việc của mình. Mô hình hợp tác này tồn tại vì đảm bảo lợi ích cho những người tham gia.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nói rằng nếu bán phần mềm đặt xe của mình cho các công ty vận tải như một số nhà cung cấp phần mềm khác thì Uber và Grab có thể được xem là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ. 

Đằng này Uber – Grab lại đứng ra điều hành từ đặt xe, chỉ định tài xế đón khách, tính cước, thu tiền như các khâu mà một doanh nghiệp vận tải bình thường nên không thể coi là doanh nghiệp cung cấp phần mềm được. 

 

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng cũng không thể coi Uber hay Grab là taxi hay xe chở khách theo hợp đồng bởi ứng dụng đặt xe của họ hay của các nhà cung cấp ứng dụng khác đều có thể sử dụng được cho cả taxi, xe hợp đồng, xe buýt.

“Theo tôi, nếu Uber, Grab “ốp” phần mềm với loại hình nào và vẫn đứng ra điều hành vận tải thì phải buộc họ thực hiện theo đúng điều kiện kinh doanh của loại hình vận tải đó. 

Quy định này áp dụng thống nhất đối với tất cả nhà cung cấp phần mềm đặt xe, chứ không chỉ riêng Uber, Grab vì hiện nay đã có 10 đơn vị tham gia thí điểm xe hợp đồng điện tử bằng những phần mềm khác nhau nhưng có tính năng như Uber, Grab”, ông Thanh nói.

Ông Trần Quang Chiểu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng cần phải xem lại bản chất hoạt động kinh doanh của Uber và có cơ chế quản lý để đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp khác. 

“Liệu các lái xe Uber tại Việt Nam có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách hay không? Các lái xe của Uber có được đóng bảo hiểm như người lao động của các tổ chức kinh doanh khác?”, ông Chiểu đặt vấn đề.

Uber, Grab là taxi hay là công ty công nghệ? - Ảnh 3.

Hồi tháng 10, hàng trăm xe taxi Vinasun ở TP.HCM đồng loạt dán biểu ngữ phản đối Uber – Grab – Ảnh: THUẬN THẮNG

Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, lại vẫn muốn đưa Uber-Grab vào khuôn khổ quản lý và cho rằng việc phán quyết Uber là công ty vận tải là hoàn toàn hợp lý.

“Tại Việt Nam, các doanh nghiệp taxi yêu cầu Uber cũng phải chịu sự quản lý của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế như những hãng taxi khác”, ông Hỷ nói.

Ông Vũ Văn Viện (Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội, cho rằng Uber, Grab phải được quản lý như taxi vì loại hình này có bản chất hoạt động tương tự taxi, để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải. 

Vị này cho rằng các đơn vị cung cấp phần mềm tham gia thí điểm xe hợp đồng điện tử cũng phải phối hợp xử lý phương tiện vi phạm, chia sẻ dữ liệu về biển kiểm soát xe và tài xế, định kỳ báo cáo dữ liệu và biến động đầu xe cho cơ quan quản lý thuế… 

Uber tự nhận là công nghệ để né… đủ thứ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 21-12, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết phán quyết của ECJ hoàn toàn đúng với thực tế hoạt động của Uber B.V.

Mặc dù ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, cung cấp công nghệ, còn tài xế sử dụng xe của mình để kinh doanh nhưng Uber B.V chính là người đề ra luật chơi, quy định tỉ lệ ăn chia, quyết định giá cước.

Dù tỉ lệ ăn chia là 80% tài xế, Uber B.V hưởng 20% nhưng Uber B.V tại Hà Lan nhận luôn 100% tiền cước rồi mới chuyển trả cho các đối tác ở Việt Nam theo định kỳ.

Trường hợp khách hàng trả bằng tiền mặt, ngay lập tức các tài xế cũng bị trừ số tiền tương ứng trong tài khoản.

“Như vậy, hoạt động của Uber B.V chính là vận tải chứ không chỉ là cung cấp giải pháp công nghệ” – vị này nói.

Cũng theo vị này, Uber B.V luôn tự nhận là công ty cung cấp giải pháp công nghệ vì sẽ né được rất nhiều thứ vì sẽ được xác nhận chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm chứ không phải cơ sở thường trú, nên sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo Hiệp định chống đánh thuế hai lần.

Ngoài ra, khi được xác định là công ty cung cấp phần mềm, công ty này được miễn thuế giá trị gia tăng, chưa kể còn né được hàng loạt ràng buộc khác với doanh nghiệp vận tải.

TUẤN PHÙNG – LÊ THANH – THU DUNG – NHƯ BÌNH – ÁNH HỒNG