Cao Đẳng sư phạm Quảng Trị: Cả khoa chỉ có 5 sinh viên
Vài năm trở lại đây, nhiều ngành tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị tuyển không ra người học. Có khoa 9 giảng viên nhưng chỉ có… 5 sinh viên!
Cao Đẳng sư phạm Quảng Trị: Cả khoa chỉ có 5 sinh viên.
Vài năm trở lại đây, nhiều ngành tại Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị tuyển không ra người học. Có khoa 9 giảng viên nhưng chỉ có… 5 sinh viên!
Thực trạng đáng buồn này đang diễn ra ở khoa tự nhiên của trường. Từ sau năm 2013 đến nay, số sinh viên của khoa này đang giảm nhanh.
9 giảng viên dạy 5 sinh viên
Hiện toàn bộ khoa này chỉ có 5 sinh viên đang học năm thứ 3: 2 sinh viên học lớp hoá – sinh và 3 sinh viên theo học lớp toán – sinh.
Khi 5 sinh viên này ra trường vào năm 2018, khoa tự nhiên sẽ không còn sinh viên nào. Bởi liên tiếp hai năm gần đây khoa này rất khó khăn trong việc tuyển sinh.
Khóa năm trước (2016 – 2019) khoa tuyển được 7 sinh viên. Nhưng sau một năm, gần một nửa số này bỏ học, một nửa thì chuyển khoa khác khiến lớp tan rã. Đến khoá năm nay thì trường không tuyển được sinh viên nào.
Theo TS Trương Đình Thăng – phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị, dù chỉ có 5 sinh viên nhưng trường vẫn phải huy động 9 giảng viên giảng dạy đủ tất cả các môn cho số sinh viên này. Các việc như kiểm tra, thi cử vẫn diễn ra bình thường.
Tương tự tại trường này, khoa xã hội cũng là khoa chủ lực nhưng vài năm qua tình hình tuyển sinh rất kém. Hiện cả khoa chỉ có vài chục sinh viên theo học.
Doanh nghiệp dòm ngó
Theo ông Thăng, hiện đội ngũ giảng viên của Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị rất mạnh, với trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm đến 97%. Nhưng nghịch lý xảy ra khi đội ngũ này lại không có sinh viên để dạy.
Lý giải điều này, ông Thăng cho rằng chủ yếu do hiện tại nhu cầu tuyển dụng với bằng cao đẳng rất thấp.
Ngoài ra, lại thêm việc các trường đại học tuyển sinh quá dễ dãi, nên nhiều sinh viên chọn học đại học và bỏ trường cao đẳng.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất với ông Thăng là lộ trình phổ cập bằng đại học với cả giáo viên dạy bậc tiểu học và THCS theo nghị quyết 29 của Đảng. Điều này đồng nghĩa sứ mệnh của các trường CĐ sư phạm xem như đã sắp đến hồi kết.
Cũng theo ông Thăng, vài năm qua các trường CĐ sư phạm đã phải loay hoay tìm giải pháp để tồn tại. Tuy nhiên, đến hiện tại chưa có lối thoát nào thực sự sáng cho những trường này.
Thậm chí có doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề mua lại toàn bộ cơ sở vật chất của trường để sử dụng vào việc mở trường nghề. UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã phải vào cuộc, tìm giải pháp “cứu” trường.
CĐ Sư phạm Huế: 6/9 ngành không thể mở lớp
Năm nay Trường CĐ Sư phạm Huế mới tuyển sinh được 357/795 chỉ tiêu được giao, giảm còn một nửa so với năm 2016.
Đáng chú ý có 6/9 ngành đào tạo sư phạm chính quy không thể mở lớp bởi không đủ sinh viên để dạy.
Trong số đó có ba ngành gồm sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật và giáo dục thể chất không tuyển được sinh viên nào.
Không chỉ các ngành đào tạo hệ sư phạm đang trong tình trạng “ngắc ngoải”, các ngành đào tạo nghề của trường cũng có rất ít sinh viên theo học.
Nhiều ngành không mở được lớp vì quá ít sinh viên như Việt Nam học, quản lý đất đai, công tác
xã hội…
Ông Hồ Văn Thành – hiệu trưởng – cho biết hiện trường đang mở một số lớp dạy nghề theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.
Sinh viên lớp này học xong sẽ được doanh nghiệp tuyển chọn vào làm việc ngay, nên cũng có người theo học.
NHẬT LINH
Chuyển qua mở ngành ngoài sư phạm
Ông Lê Thành Công – hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bến Tre – cho biết 10 năm nay ngành sư phạm không tuyển giáo viên tiểu học và THCS.
Hiện trường chỉ còn đào tạo theo địa chỉ dành cho giáo viên mầm non, mỗi năm 150 chỉ tiêu, đầu ra do Sở GD-ĐT tự phân bổ.
Còn bà Mai Thị Yến Lan – hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng – cho hay tình hình tuyển sinh đầu vào của trường vài năm trở lại đây gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện giáo viên bậc THCS và tiểu học đã đủ, nên từ năm 2012 trường không xét tuyển hai bậc này nữa, chỉ xét tuyển bậc mầm non và Anh văn. Tuy vậy, số lượng hồ sơ đăng ký vẫn không đủ chỉ tiêu.
ThS Hồ Cảnh Phúc – hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang – cho biết những năm gần đây, một số ngành như Việt Nam học, sư phạm thể dục thể thao, sư phạm sinh hóa… không tuyển được sinh viên.
Theo bà Ngô Thanh Trúc – hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long, trường đào tạo các ngành sư phạm căn cứ trên nhu cầu giáo viên thực tế của tỉnh.
Vì thế có ngành mở vài năm lại ngưng, sau đó mở lại. Và để tận dụng tối đa nguồn lực cơ sở vật chất, đội ngũ sẵn có, từ nhiều năm qua trường mở thêm các ngành ngoài sư phạm.
Những năm gần đây, ngoại trừ ngành thư ký văn phòng không tuyển sinh được, các ngành còn lại tuyển khá tốt.
T.TRANG – M.GIẢNG