Trước đó, Cơ quan Hải quan TP.HCM đã phải tạm dừng việc nhập khẩu các máy xử lý dữ liệu tự động (còn gọi là máy đào) Bitcoin, Litecoin để xin ý kiến của các cơ quan ban ngành hướng xử lý. Lý do là mặt hàng này không thuộc danh mục cấm nhập khẩu, nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định Bitcoin và các đồng tiền ảo tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại VN.
Trả lời Thanh Niên gần đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, đa phần các nước đều có quan điểm thận trọng, không khuyến khích việc sử dụng, nắm giữ Bitcoin và các tiền ảo tương tự khác do có thể xảy ra khả năng lạm dụng đồng tiền số này cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các mục đích xấu khác… Tại VN, theo Quyết định 1255/QĐ-TTg ngày 21.8.2017 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo với tư cách là tài sản trong thời gian tới.
Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo này bị cấm và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi những máy nhập khẩu để phát hành, cung ứng, sử dụng, lưu hành các đồng tiền ảo theo nhận định của cơ quan hải quan đều có liên quan đến hành vi phạm pháp theo bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời về việc có cho nhập hay không máy đào tiền.
Trong khi các cơ quan nhà nước còn lúng túng thì giá của những chiếc máy đào coin liên tục gia tăng trong 2 tháng qua. Thanh, một nhà đầu tư (NĐT) cho biết nếu như đầu tháng 9, máy đào Ethereum chỉ khoảng 1.500 USD (tương đương 35 triệu đồng) thì gần một tháng sau, giá đã lên gần 3.000 USD (khoảng 70 triệu đồng) và hiện một số cửa hàng đã chào giá khoảng 75 triệu đồng. Còn theo tờ khai hải quan của một công ty nhập khẩu 100 máy đào coin của Bitmain (Trung Quốc) có tổng giá trị 129.000 USD, bình quân giá mỗi máy khoảng 1.290 USD.
Không chỉ máy đào tăng giá, chi phí để đào cũng gia tăng chóng mặt bởi sử dụng máy đào này, chi phí nhiều nhất là điện trong khi giá điện cũng mới tăng. Theo ước tính của nhiều điểm bán máy, một “trâu cày” (máy đào) 6 VGA mỗi ngày hoạt động liên tục 24 giờ sẽ tốn hết 24 KWh điện (loại nguồn 1.000 W), tương đương 1 tháng tiêu hao 720 KWh. Với giá điện sinh hoạt hiện hành, chi phí cho số điện trên lên hơn 1,7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, “trâu cày” khi hoạt động liên tục thì nhiệt độ tỏa ra rất cao nên NĐT phải sử dụng thêm máy lạnh và sẽ phải tốn thêm tiền điện…Nhiều NĐT mang máy đi gửi dịch vụ chuyên cung cấp chỗ đặt “trâu cày”. Phí thấp nhất ở một điểm dịch vụ tại Q.Tân Bình (TP.HCM) là từ 2 triệu đồng/máy/tháng. Mức phí này sẽ tăng lên phụ thuộc vào cấu hình máy (như loại máy 8 VGA có phí cao hơn). Việc gửi máy đào vào các điểm tập trung được xem là giải pháp tối ưu vì tiết kiệm chi phí đầu tư máy lạnh, có người quản lý và hỗ trợ sửa chữa khi máy hư hỏng… Thế nhưng hình thức này cũng có rủi ro cao khi số coin của NĐT bị đánh cắp, chuyển về ví khác.
Ngày càng khó đào
Sắm “trâu cày” từ năm 2016, Trung, một NĐT tại TP.HCM, cho hay một dàn máy của anh lúc mới đầu tư mỗi tháng đào được khoảng 2 coin. Với tốc độ này, anh ước tính từ 6 tháng đến 1 năm sẽ hoà vốn. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, khoảng 2 – 3 tháng anh chưa thể kiếm được 1/4 đến 1/3 số coin trước đây. “Tổng lượng Bitcoin chỉ có 21 triệu trong khi đã có hơn 16 triệu coin trên thị trường. Vì thế, càng nhiều người tham gia thì đào sẽ càng khó. Trong khi chi phí vận hành như giá điện tăng, máy hư, không thể chạy hết công suất vì quá nóng nên chưa biết khi nào mới hòa vốn. Đó cũng là lý do lượng người đầu tư “trâu cày” không nhiều bằng lượng người tham gia mua để chờ giá tăng hay tham gia các đợt góp vốn bằng tiền ảo”, anh Trung chia sẻ thêm.
Ông Quốc (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể người bán máy đào tiền ảo “dụ” ông sau khi mua máy sẽ chuyển ra Huế vì khí hậu ở Huế mát hơn, đỡ tốn điện. Nhưng sau một hồi tính toán, ông cho rằng thay vì số tiền đầu tư máy gần 100 triệu đồng thì dùng mua coin và chờ giá lên bán kiếm lời (hold) sẽ khả quan hơn. Đây cũng là cách mà nhiều người chọn hiện nay.