Doanh nghiệp FDI sẽ thâu tóm thị trường thịt heo?
Trong khi người chăn nuôi heo càng nuôi càng lỗ thì các doanh nghiệp FDI lại ăn nên làm ra. Cứ đà này, thị trường thịt heo sẽ nằm trong tay FDI?
Doanh nghiệp FDI sẽ thâu tóm thị trường thịt heo?
Trong khi người chăn nuôi heo càng nuôi càng lỗ thì các doanh nghiệp FDI lại ăn nên làm ra. Cứ đà này, thị trường thịt heo sẽ nằm trong tay FDI?
Người nuôi heo tại VN đang đứng trước nguy cơ mất cái tết thứ hai liên tiếp khi giá heo vẫn chỉ xoay quanh mức 27.000 đồng/kg khiến họ thua lỗ nặng nề.
Chưa có dấu hiệu của việc giá heo phục hồi trong thời gian tới vì theo giới chăn nuôi, trong lúc lượng heo ở các hộ nuôi nhỏ lẻ giảm nhiều thì các trang trại lớn hay công ty chăn nuôi vẫn không giảm đàn, thậm chí còn tăng lên.
Ngưng tiêm văcxin cho heo vì thua lỗ
Cầm cuốn sổ ghi chép, ông Nguyễn Xuân Hà (Lâm Đồng) ngao ngán cho hay giá heo hơi đã bắt đầu giảm từ hơn một năm nay (từ tháng 10-2016) và thời gian người dân bán heo hơi thấp hơn giá thành cũng hơn 10 tháng. Đây là khoảng thời gian thua lỗ dài nhất trong lịch sử ngành nuôi heo của VN.
Đầu tư trang trại từ năm 2007 với tổng đàn 2.500 con heo các loại, mỗi tháng trang trại heo của ông Hà đưa ra thị trường 450 con heo thịt. Hiện mỗi tháng ông
Hà lỗ hơn 300 triệu đồng. “Tính ra hơn một năm qua trang trại của tôi đã lỗ hơn 3 tỉ đồng” – ông Hà than.
Để giảm chi phí chăn nuôi, ông Hà đã phải dùng nhiều cách khác nhau, thậm chí chấp nhận rủi ro như: giảm tắm cho heo sang ba ngày/lần thay vì hai ngày/lần, chỉ cho heo ăn hai lần/ngày thay vì cho ăn suốt ngày. Rủi ro hơn, ông Hà quyết định chỉ tiêm một vài loại văcxin thực sự cần thiết chứ không tiêm đủ như khuyến cáo…
Tình cảnh của ông Hà cũng là tình cảnh chung của hàng triệu hộ chăn nuôi heo tại VN trong một năm qua. Hàng loạt trang trại và hộ chăn nuôi phải giảm đàn, bỏ nghề. Những trang trại có vốn đầu tư lớn không thể ngưng ngay vẫn phải cố gắng cầm cự với hi vọng giá heo sẽ tăng.
Chỉ riêng tại Đồng Nai, ông Trần Văn Quang – chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai – cho biết tính đến thời điểm hết tháng 11-2017, tổng đàn heo trên địa bàn Đồng Nai đã giảm khoảng 500.000 con so với thời điểm cao nhất hồi đầu năm 2017. Đến nay tổng đàn heo của tỉnh là 1,7 triệu con.
Tính trên quy mô toàn quốc, theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, tổng đàn heo cũng giảm rất mạnh là 6,2% so với năm 2016 xuống còn 27,3 triệu con heo.
Doanh nghiệp FDI vẫn ăn nên làm ra
Có hai xu hướng chăn nuôi heo trái ngược nhau trong suốt một năm vừa qua. Đó là trong khi rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ giảm đàn hoặc nghỉ chăn nuôi thì các công ty chăn nuôi lớn, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI lại không giảm, thậm chí còn tăng đàn.
“Nếu chăn nuôi khép kín và ứng dụng công nghệ thì mức giá hiện nay chưa chắc các công ty đã lỗ. Hơn nữa, họ có những kế hoạch kinh doanh của mình nên có thể trong khi người nuôi nhỏ lẻ bỏ thì họ lại tăng đàn để chiếm thị trường” – ông Quang nhận định.
Ông Trần Đình Thức, giám đốc một công ty chuyên cung cấp dinh dưỡng chăn nuôi tại Đồng Nai, cho hay kịch bản của ngành nuôi heo đang diễn ra giống ngành nuôi gà công nghiệp hơn 10 năm trước. Khi đó, các công ty lớn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, cũng chỉ chiếm khoảng 20-30% tổng đàn đã tận dụng cơ hội giá gà giảm sâu để chiếm lĩnh thị trường.
Những đợt tăng và giảm giá liên tục diễn ra khiến cho người chăn nuôi nhỏ lẻ kiệt sức phải bỏ nghề hoặc chuyển sang nuôi gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đến nay, thị trường gà công nghiệp trị giá nhiều tỉ USD đã cơ bản thuộc về nhóm các công ty FDI.
“Thời điểm đó thịt gà đông lạnh nhập khẩu hầu như không đáng kể nên giá cao hay thấp là do các công ty FDI quyết định. Không loại trừ ngành nuôi heo cũng đang bị các công ty nước ngoài thao túng để chiếm lĩnh thị trường” – ông Thức nói.
Trao đổi về vấn đề này, giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp chăn nuôi FDI cho rằng việc sắp xếp lại thị trường chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, nói rằng đây là âm mưu của những doanh nghiệp lớn cũng không đúng… Hơn nữa tình hình chăn nuôi bây giờ cũng khác. Thêm nhiều đại gia chăn nuôi nước ngoài vào Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn trong nước cũng tham gia.
Do đó, ngành nuôi heo sẽ đi theo hướng liên kết và làm thương hiệu giữa những nhà sản xuất lớn và theo chuỗi giá trị.
“Những công ty lớn thời gian qua dù lỗ vẫn phải tăng đàn là vì kế hoạch kinh doanh đã lên từ 3-4 năm trước, chuồng trại đã đầu tư. Công ty lớn cũng kỳ vọng sau khi người nuôi nhỏ giảm đàn giá sẽ tăng trở lại, khi đó họ sẽ lấy lời bù lỗ hiện nay” – vị giám đốc này cho hay.