28/11/2024

Người dân Việt Nam chi nửa tỉ USD mỗi tháng để ‘ăn vặt’

Người dân Việt Nam chi 13.000 tỉ đồng/tháng cho ‘ăn vặt’, nhưng các chuỗi cửa hàng ăn vặt nổi tiếng lại hầu hết thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

 

Người dân Việt Nam chi nửa tỉ USD mỗi tháng để ‘ăn vặt’.

Người dân Việt Nam chi 13.000 tỉ đồng/tháng cho ‘ăn vặt’, nhưng các chuỗi cửa hàng ăn vặt nổi tiếng lại hầu hết thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.




Doanh nghiệp Việt chưa chiếm ưu thế trên thị trường nhượng quyền các món ăn vặt /// Ảnh: Ngọc Thắng

Doanh nghiệp Việt chưa chiếm ưu thế trên thị trường nhượng quyền các món ăn vặtẢNH: NGỌC THẮNG.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab, bình quân, giới trẻ Việt Nam bỏ ra 13.000 tỉ đồng chi cho ăn vặt mỗi tháng. Còn theo thống kê của Euromonitor, đến cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng 149.000 điểm bán dạng ki ốt trên đường phố, tính cả ki ốt trên xe lưu động và ki ốt cố định tại mặt tiền nhà.
Nhường sân cho khối ngoại
Con số trên cho thấy tiềm năng của thị trường này là rất lớn. Nhưng nếu như đến giờ chúng ta mới “giật mình” khi biết người trẻ Việt chi hơn nửa tỉ USD mỗi tháng cho đồ ăn vặt, thì tiềm năng này đã được doanh nghiệp (DN) nước ngoài phát hiện từ nhiều năm qua.
Đến nay, nhiều hãng thức ăn nhanh nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Việt Nam theo phương thức nhượng quyền mà nổi bật là Lotteria, KFC rồi Dairy Queen của Tập đoàn Berkshire Hathaway; Carl’s Jr. của CKE Inc; Domino’s Pizza Inc; Dunkin’ Donuts và Baskin Robbins của Dunkin’ Brands Goup Inc. Mấy năm gần đây là các ông lớn như Burger King, Starbucks, McDonald’s…
Ngoài các thương hiệu lớn đến từ Anh, Mỹ và Úc, thì các thương hiệu khu vực châu Á đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… cũng bắt đầu tấn công vào thị trường Việt Nam. Nhiều món ăn nước ngoài đến Việt Nam đã dễ dàng tạo nên cơn sốt. Điển hình như trà sữa Đài Loan, thức uống đang “làm mưa làm gió” trên thị trường đồ uống Việt. Không khó để bắt gặp hình ảnh dòng người xếp hàng dài chờ mua trà sữa. Theo khảo sát, có đến 53% người được hỏi uống trà sữa ít nhất 1 lần/tuần. Tại TP.HCM từ đầu năm tới nay, mỗi tháng có 8 quán trà sữa được khai trương và đã hình thành những “phố trà sữa” ở hầu khắp địa bàn.
Hay mới đây, từ tháng 7, thương hiệu “bánh bông lan thần thánh” Le Castella, xuất xứ Đài Loan, đến TP.HCM với cửa hàng đầu tiên ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của các bạn trẻ. Thừa thắng xông lên, thương hiệu này mở thêm 3 chi nhánh khác và lúc nào cũng trong tình trạng đông nghẹt khách chờ mua. Trong khi đó, Việt Nam cũng có bánh bông lan trứng muối phô mai Vũng Tàu nổi tiếng, không hề kém cạnh.
Không chỉ đối với những chuỗi cửa hàng chuyên nghiệp, ở các phiên chợ, khu ẩm thực cuối tuần tại TP.HCM, bánh tráng trộn, kem bơ Đà Lạt cũng hoàn toàn lép vế trước một loạt các quầy hàng xiên que nướng Đài Loan, gỏi Thái, sushi Hàn Quốc…
Người dân Việt Nam chi nửa tỉ USD mỗi tháng để 'ăn vặt' - ảnh 1

[VIDEO] Bạn trẻ nói gì về việc chi 13.000 tỉ đồng để ‘ăn vặt’?
 

Do thiếu chuyên nghiệp
Ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng nhưng hầu hết đồ ăn vặt cho người Việt lại đang do các DN nước ngoài cung cấp và phần lớn doanh thu từ thị trường này đang chảy vào túi các DN, thương hiệu ngoại. Nghịch lý này theo các chuyên gia, là vì dù hết sức phong phú về món ăn, hấp dẫn về cách chế biến nhưng cách làm của chúng ta vẫn tự phát chứ chưa chuyên nghiệp. Cụ thể, mới chỉ có 0,59% tổng số điểm kinh doanh của DN Việt hoạt động theo hình thức chuỗi và có thương hiệu. Nếu so sánh với khoảng 5% tại Hồng Kông, 10% tại Singapore, 21% tại Philippines và 30% tại Đài Loan thì tỷ lệ này ở Việt Nam quá khiêm tốn.
Tại Việt Nam, hiện chỉ có 4 nhãn hiệu ki ốt nổi bật, chiếm phần lớn thị phần chuỗi kinh doanh bao gồm: Five Star Chicken, Bánh Mì Que, 1 phút 30 giây và Café Goethe Doner Kebab. Trong đó, dẫn đầu là chuỗi Five Star Chicken của “đại gia” CP Group đến từ Thái Lan. Từ 27,3% thị phần chuỗi ki ốt năm 2013, Five Star Chicken đã tăng trưởng vượt bậc qua các năm và đạt thị phần 71,3% năm 2016.
Còn đa số DN trong nước vẫn im hơi lặng tiếng, một vài thương hiệu nổi lên nhưng rồi cũng nhanh chóng lụi tàn. Bánh mì Việt Nam, món ăn đường phố được nhiều hãng nước ngoài uy tín vinh doanh, cũng thua thảm hại khi xây dựng thành chuỗi cửa hàng chuyên nghiệp. “Bánh Mì Que” là nhãn hiệu thuộc Công ty thực phẩm Tâm Việt Thảo. Dù dẫn đầu về thị phần chuỗi
ki ốt di động năm 2013 với 37,3%, nhưng thị phần của công ty này liên tục giảm dần và nằm ở mức 13,1% năm 2016. Tương tự, chuỗi cửa hàng ăn sáng “1 phút 30 giây” cũng giảm dần thị phần qua các năm, từ 26,7% năm 2013 xuống còn 9,7% năm 2016. Tất cả các chuỗi ki ốt còn lại chỉ chiếm phần không đáng kể, ở mức 4,8% tổng thị trường.
Đánh giá về thất bại của một loạt chuỗi ẩm thực Việt, bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, cho rằng nguyên nhân bắt nguồn từ sự thiếu chuyên nghiệp. Rất nhiều người nghĩ rằng ẩm thực đường phố hay ki ốt, xe di động nhỏ thì không cần chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, hệ thống quản trị vận hành, nhân sự, chuỗi cung ứng, tài chính… của chuỗi dù lớn hay nhỏ đều cần phải chuyên nghiệp như nhau. Khác chăng là mức độ phức tạp trong việc quản lý từng nền tảng chính.
Theo bà Vân, ẩm thực đường phố của Việt Nam là ngành vô cùng tiềm năng và có khả năng vươn xa ra thị trường thế giới nhưng DN nhỏ, siêu nhỏ hoặc hộ gia đình cá thể hiện là những đối tượng khai thác chính của ngành. Họ còn thiếu kiến thức và trải nghiệm về thị trường thế giới, không có hiểu biết và tầm nhìn nên việc xây dựng hệ thống chuỗi một cách chuyên nghiệp hầu như không có.
“Ngành bán lẻ và nhượng quyền tại các nước trong khu vực và trên thế giới đã phát triển trước Việt Nam rất xa. Do đó, họ đã có kiến thức, kinh nghiệm và hiện nay chỉ tập trung vào việc khai thác thị trường khu vực và quốc tế. Trong tình hình này, DN ẩm thực Việt chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là phải nhanh chóng chuyên nghiệp hóa với sự tham gia của những đối tác có kiến thức và kinh nghiệm, hoặc là bán lại thương hiệu cho các công ty, tập đoàn nước ngoài hay Việt Nam lớn hơn”, bà Vân nhấn mạnh.
“Thiên đường” ẩm thực đường phố
Bánh mì, bún chả, nem rán… là những món ăn quá quen thuộc với người Việt ở khắp mọi nơi. Nhưng nhiều năm trở về đây, cùng với sự gia tăng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, các món ăn này cũng “chinh phục” họ. Gần đây, các món ăn này bước ra thế giới thông qua các cuộc bình chọn của các hãng, trang du lịch uy tín thế giới.
Đơn cử năm 2014, bánh mì Việt Nam lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới theo bình chọn của báo điện tử Huffington Post. Mới đây, bánh mì Việt Nam lại tiếp tục được chuyên trang du lịch Traveller xướng tên trong top 10 món sandwich hấp dẫn nhất toàn cầu. Kênh National Geographic cũng đưa bún chả Hà Nội vào danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới. Năm 2015, chuyên trang CNN Travel tiếp tục đưa ra kết quả bình chọn đất nước có ẩm thực được du khách yêu thích nhất và món nem rán của Việt Nam góp mặt trong danh sách này. Tháng 11 vừa qua, TP.HCM và Hà Nội cũng được bình chọn vào top 100 thành phố có đồ ăn ngon nhất thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam lý giải: Nhờ có nhiều loại địa hình khác nhau, từ vùng biển lên vùng núi, từ nơi có khí hậu ôn đới đến nhiệt đới, mỗi vùng lại có một nguồn nguyên liệu đặc trưng nên ẩm thực Việt Nam cực kỳ phong phú. Bản thân cách thức chế biến của người Việt đa dạng. Từ những nguyên liệu hết sức bình thường nhưng qua bàn tay “phù phép” của các đầu bếp Việt có thể trở thành những món ăn rất ngon, đặc sắc. Đơn cử, bánh mì Baguette do người Pháp đem vào Việt Nam, trong quá trình cải biên, người Sài Gòn đã biến Baguette thành loại bánh mì đặc trưng nổi tiếng trên nhiều quốc gia.

 

Hà Mai