28/11/2024

Làm rõ vùng biển chồng lấn Việt Nam – Indonesia.

Để có cơ sở xem xét việc các ngư dân Việt Nam bị kết án ở Indonesia vì “đánh cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”, cần làm rõ vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia.

  

Làm rõ vùng biển chồng lấn Việt Nam – Indonesia.

 

 

Để có cơ sở xem xét việc các ngư dân Việt Nam bị kết án ở Indonesia vì “đánh cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”, cần làm rõ vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia.


 

 

Đàm phán giữa Việt Nam và Indonesia về phân định vùng đặc quyền kinh tế tại vùng biển tranh chấp đã diễn ra nhiều vòng nhưng chưa có kết quả cuối cùng.

Hàng chục năm đàm phán

Năm 1969, Indonesia đưa ra tuyên bố về nguyên tắc phân định biển dựa theo đường trung tuyến tính từ đường cơ sở quần đảo Indonesia và đường cơ sở của các quốc gia liên quan. 

Sau khi đàm phán phân định biển không thành công với Việt Nam cộng hòa, vào năm 1978, Indonesia nối lại đàm phán với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

 

Dựa vào đặc điểm có một rãnh sâu tại đáy biển gần đảo Natuna Bắc của Indonesia, Việt Nam đã đưa ra đề nghị về ranh giới thềm lục địa nằm giữa đường trung tuyến xác định theo đường cơ sở và rãnh sâu gần đảo Natuna Bắc. 

Sau 25 năm đàm phán, vào ngày 26-6-2003, Chính phủ hai nước Việt Nam và Indonesia đã ký Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa tại vùng biển chồng lấn. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 29-5-2007.

Ngoài phân định biển, nội dung của hiệp định còn có những vấn đề liên quan tới phối hợp bảo vệ môi trường biển, xử lý các mỏ dầu, khí, khoáng sản nằm vắt qua đường phân định và cách thức giải quyết những tranh chấp giữa hai nước liên quan tới giải thích và thực hiện hiệp định một cách hòa bình thông qua hiệp thương và đàm phán. 

Hiệp định này cũng khẳng định rằng nó sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ hiệp định nào được ký trong tương lai giữa các bên ký kết về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế.

Làm rõ vùng biển chồng lấn Việt Nam - Indonesia - Ảnh 2.

PGS.TS Vũ Thanh Ca – Ảnh: QUỲNH TRUNG

Thận trọng

Thông thường, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển, đường ranh giới ngoài của thềm lục địa nói chung nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển. 

Tuy vậy, vì có đặc điểm về tồn tại rãnh sâu nằm gần đảo Natuna Bắc, Indonesia cho rằng ranh giới phân định thềm lục địa giữa Việt Nam và Indonesia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. 

Vì vậy, vào năm 2009 Indonesia công bố một tấm bản đồ trong đó ranh giới vùng đặc quyền kinh tế nằm ngoài vùng thềm lục địa đã thỏa thuận với Việt Nam.

Theo tuyên bố của Indonesia, đã xuất hiện một vùng chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với Indonesia về phân định vùng đặc quyền kinh tế tại vùng biển tranh chấp. 

Đàm phán đã diễn ra nhiều vòng nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Cần lưu ý rằng trong đàm phán nếu nhân nhượng quá mức thì sẽ hại tới quyền lợi quốc gia. 

Vì vậy, cả hai bên đàm phán thông thường rất thận trọng khi nhân nhượng, dẫn tới các cuộc đàm phán phân định biển và phân định lãnh thổ thường kéo dài.

Nhiều biện pháp để bảo vệ ngư dân

Hiện nay, do tính chất phức tạp của việc giải quyết tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia, Chính phủ Việt Nam đã triển khai rất nhiều biện pháp thực địa để bảo vệ ngư dân, kể cả tăng cường đẩy nhanh tốc độ đàm phán cũng như thỏa thuận với Indonesia để tuần tra tại khu vực gần khu vực tranh chấp để bảo vệ ngư dân và tuyên truyền để ngư dân hiểu biết và tránh xa các khu vực có khả năng bị các lực lượng chức năng của Indonesia bắt. 

Ngoài ra, Việt Nam còn rất tích cực triển khai các biện pháp bảo hộ ngư dân bị bắt.

Cộng đồng châu Âu đã rút thẻ vàng cho hải sản đánh bắt của Việt Nam để ngăn chặn hiện tượng ngư dân Việt Nam đánh bắt trái phép, đánh bắt không theo quy định và không thông báo (IUU fishing). 

Để tránh thẻ đỏ, Việt Nam cần nỗ lực quản lý ngư dân bằng các chế tài đủ mạnh đối với ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường hiệu quả của các thiết bị giám sát tàu cá…

Indonesia không đúng

Thông tin toạ độ các tàu cá Việt Nam bị phía Indonesia bắt mà Bộ đội biên phòng gửi Bộ Ngoại giao cho thấy các ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng biển nằm ở phía Việt Nam theo Hiệp định về phân định ranh giới thềm lục địa giữa Indonesia và Việt Nam, và hiện nay là vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn theo yêu sách của Indonesia. Vùng biển này hiện đang được đàm phán phân định.

Như vậy, việc Indonesia bắt và kết án các ngư dân Việt Nam là không đúng theo quy định trong hiệp định về giải quyết những tranh chấp giữa hai nước liên quan tới giải thích và thực hiện hiệp định một cách hòa bình thông qua hiệp thương và đàm phán.

PGS.TS VŨ THANH CA (nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam)