Mỗi đồng vốn đầu tư là lá phiếu ủng hộ Chính phủ
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) thường niên năm 2017 diễn ra sáng 12.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẵn sàng lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Mỗi đồng vốn đầu tư là lá phiếu ủng hộ Chính phủ.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp VN (VBF) thường niên năm 2017 diễn ra sáng 12.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẵn sàng lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Đối thoại với Thủ tướng, đại diện các doanh nghiệp (DN) phản ánh bức xúc về tình trạng cơ chế thiếu minh bạch; cán bộ “hành” thủ tục để vòi tiền, nhũng nhiễu.
Lợi dụng kẽ hở luật để vòi vĩnh
|
Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham), cho biết năm 2017 là một năm đáng mừng vì tăng trưởng kinh tế đã vượt mức kỳ vọng 6,3%. Tuy nhiên, sự thiếu minh bạch, tham nhũng, thiếu cơ chế bảo hộ đầu tư khiến một lượng không nhỏ nhà đầu tư châu Âu với quy mô phân phối lớn đã rút khỏi VN.
Đại diện EuroCham kiến nghị Chính phủ phải xử lý các trường hợp tham nhũng, vòi vĩnh bởi gốc rễ phát sinh từ sự thiếu tính minh bạch. “Một ví dụ là cách chứng nhận an toàn thực phẩm đang được cấp. Mặc dù có quy định mới nhưng các tiêu chuẩn để có được giấy chứng nhận vẫn có kẽ hở để lạm dụng với các quy định có cách giải thích khác nhau”, ông Andreatta dẫn chứng.
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN (JBAV) Karashima đánh giá cao Chính phủ đã nỗ lực trong việc thực hiện nhanh gọn và đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như: sự hiểu biết không đầy đủ của cán bộ phụ trách, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, cách giải thích về quy định pháp luật chưa rõ ràng… nên còn làm mất nhiều thời gian và chi phí của nhiều DN nước ngoài. JBAV đưa ra đề xuất: Thứ nhất, Chính phủ thành lập một cơ quan mới liên bộ ngành, có quyền hạn xử lý mạnh mẽ mọi vấn đề phát sinh do sự thiếu rõ ràng này gây ra. Thứ hai là “hoàn thiện cơ chế công văn chính thức” hiện nay, bảo đảm DN nước ngoài dễ dàng tiếp cận các bộ, ngành liên quan để xác nhận tính hợp pháp của một số hoạt động kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN
Nhiều thông điệp của Thủ tướng được lan tỏa
Chuyến thăm hai nước Đức, Hà Lan và tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại TP Hamburg (Đức) của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau hơn 1 tuần đã kết thúc tốt đẹp và đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu quan trọng.
Sẵn sàng cải cách, minh bạch
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, mỗi đồng vốn đầu tư vào nền kinh tế không chỉ đem lại lợi ích cho DN, nhà đầu tư mà cũng chính là “lá phiếu” ủng hộ đối với Chính phủ, các cấp, các ngành trong nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ.
Để cộng đồng DN phát triển thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề; ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của DN, nhà đầu tư và nền kinh tế, đặc biệt là tính minh bạch.
Chính phủ đang tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, an toàn và hiệu quả, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự tăng trưởng.
Chính phủ cũng đặt kỳ vọng về một lớp DN và một thế hệ doanh nhân mới. Trên thực tế, phần lớn DN Việt hiện vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. “Làm sao để DN Việt sớm lớn mạnh để có thể vươn ra biển lớn là câu hỏi trăn trở của Chính phủ”, Thủ tướng chia sẻ và bày tỏ vui mừng khi gần đây xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
“Chính phủ trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và DN kinh doanh, khởi nghiệp tại VN, nhưng không hoan nghênh các hoạt động làm ăn không chân chính. Chính phủ kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các DN có hành vi gây ô nhiễm, phá vỡ tính bền vững của môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội”, Thủ tướng khẳng định.
Tiêu Phong