Vốn liếng của ông Putin
“Tổng thống Nga Vladimir Putin loan báo ông sẽ tranh cử một nhiệm kỳ tổng thống nữa vào năm 2018” – Thông tấn xã TASS của Nga loan tin hôm 6-12. Một quyết định không gây bất ngờ do lẽ “thời thế, thế thời phải thế”.
Vốn liếng của ông Putin.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin loan báo ông sẽ tranh cử một nhiệm kỳ tổng thống nữa vào năm 2018” – Thông tấn xã TASS của Nga loan tin hôm 6-12. Một quyết định không gây bất ngờ do lẽ “thời thế, thế thời phải thế”.
Báo Independent của Anh cho biết các cuộc thăm dò dư luận thường xuyên cho thấy có đến 80% ý kiến ủng hộ ông Putin. Với một vốn liếng như thế, làm sao ông không hướng đến một nhiệm kỳ 6 năm nữa?
Thành tích biểu
Nếu so tình hình chính trị ngày nay với nước Nga của thập niên 1990, rõ ràng nước Nga đang trong giai đoạn thịnh trị – mới thịnh trị thôi, chứ chưa thái bình thịnh trị. Trong suốt thời kỳ ông Boris Yeltsin làm Tổng thống đầu tiên của nước Nga hậu Xô viết, từ năm 1992 đến cuối 1999, ghế Thủ tướng Nga xoay như chong chóng, từ ông Viktor Chernomyrdin sang các ông Sergei Kiriyenko, Yevgeny Primakov, Sergei Stepashin, Vladimir Putin (lần đầu), Mikhail Kasyanov, Mikhail Fradkov, Viktor Zoebkov, rồi thì ông Vladimir Putin (một lần nữa).
Rõ ràng đây không phải một giai đoạn thịnh trị, trái lại vô cùng chao đảo. Làm sao không chao đảo khi có người chỉ ngồi vào ghế Thủ tướng có ba tháng như ông Stepashin (từ tháng 5-1999 tới tháng 8 cùng năm), hay được 7 tháng như ông Kiriyenko!
Đây cũng chính là giai đoạn mà các tỉ phú đôla Nga “mọc lên” nhờ vào các vụ cổ phần hóa, “mua lúa non” của người lao động được chia cổ phiếu túng tiền bán lại như cho.
Từ mớ bòng bong tập tành dân chủ và kinh tế tự do đó, ông Putin – thay thế Tổng thống Boris Yeltsin từ chức ngày 31-12-1999 – đã sắt đá “cầm cương” vãn hồi an ninh (Chechnya đòi ly khai), dẹp loạn các nhóm lợi ích.
Để rồi từ ngày đó tới nay đã chỉ có một Tổng thống là ông Putin cùng một Thủ tướng là ông Medvedev, trong đó có một giai đoạn từ ngày 8-5-2008 đến 7-5-2012 ông Putin (sau hai nhiệm kỳ Tổng thống) và ông Medvedev “đổi chức” cho nhau để “lách” Hiến pháp vốn không cho phép nắm ba nhiệm kỳ Tổng thống liên tiếp.
Cũng trong giai đoạn này, ông Putin đã đưa nước Nga từ vị trí “xách bị đi vay” thời ông Yeltsin trở thành một nước có của ăn của để.
Lật ngược thế cờ
Dân chúng Nga ủng hộ ông Putin mãnh liệt. Những cuộc chiến lớn nhỏ của ông Putin tới tận ngày nay đã nâng nước Nga trở lại vị trí siêu cường.
Cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga với Gruzia tháng 8-2008 không chỉ đã đem đến thắng lợi là hai nước cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia với đa số là dân gốc Nga “bỗng dưng” ra khỏi Gruzia, mà còn là một cảnh cáo với NATO vốn đang dự định họp kết nạp Gruzia và Ukraine vào khoảng tháng 12 năm đó, theo đài CNN.
Cuộc chiến ngắn ngủi với Gruzia vốn thôi “phò Nga”, quay sang phương Tây sau cuộc cách mạng “Hoa hồng” tháng 11-2003 là một thể hiện xu thế bảo vệ “không gian sinh tồn” của Nga bằng cách làm chủ các lãnh thổ “tiền phương” ở các nước có đông kiều dân Nga, như Crimea và đông nam Ukraine hiện nay, mặc cho những hậu quả có thể có.
Không chỉ bảo vệ “không gian sinh tồn”, ông Putin còn mở rộng vành đai chiến lược của Nga ra tận Địa Trung Hải, vốn là “ao nhà” của NATO, bằng cách nhảy vào cuộc chiến “chống khủng bố” ở Syria, vừa cứu được đồng minh Assad vừa lập được các căn cứ hải quân, không quân ngay “trên đầu” Israel.
Từ chỗ sợ bị NATO bao vây, nay Nga đang ở thế ngược lại, khống chế tuyệt đối khu vực Trung Đông với một liên minh Nga – Iran – Thổ có khả năng đe dọa Israel và từ nay có thể giương cờ giong trống trên Địa Trung Hải.
Đó là chưa kể việc không quân Nga hầu như đang khống chế bầu trời trên biển Baltic, và nhất là qua việc hậu thuẫn CHDCND Triều Tiên cùng với Trung Quốc, đang làm chủ bờ Tây Thái Bình Dương mà trước là “ao nhà” của Hạm đội 7 của Mỹ.
Tờ The Independent thuật lại rằng trong một cuộc tiếp xúc với các thanh niên ở Matxcơva, khi một thanh niên hỏi liệu tổng thống sẽ ra tranh cử hay không, ông Putin “đơn giản” hỏi lại toàn thể cử toạ: “Thế các bạn có ủng hộ tôi ra tranh cử không?”. Toàn thể hội trường reo “Có”.